Hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần làm 'nóng' nghị trường Quốc hội
Cả hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần Chính phủ trình Quốc hội đều chưa tối ưu và gây khó khăn, boăn khoăn cho việc chốt phương án của đại biểu Quốc hội.
Sáng nay (27/5), Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Báo cáo tại phiên họp về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án.
Phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm. Nhóm 1, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm và có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định hiện hành (Nghị quyết số 93).
Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93.
Phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: “Cả hai phương án Chính phủ trình đều chưa phải là những phương án tối ưu, có thể chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, chưa dự kiến phòng ngừa được phản ứng tập thể người lao động, song đây đang là các phương án chiếm ưu thế, nhất là phương án 1. Bên cạnh đó, có ý kiến đồng tình với phương án 2 để không tạo “lát cắt” giữa đối tượng tham gia trước và sau khi Luật có hiệu lực” .
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động trong thời điểm hiện tại và khi hết tuổi lao động. Do đó, để thể chế hóa các quan điểm của Đảng, bảo đảm dân chủ, thận trọng, trách nhiệm và phát huy trí tuệ tập thể của các vị đại biểu Quốc hội trong xử lý vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến thêm về vấn đề này cũng như các phương án cụ thể để tạo sự đồng thuận khi trình Quốc hội thông qua.
Tích hợp 2 phương án
Đối với điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) cho rằng đây là vấn đề khó, phức tạp và được nhiều đại biểu Quốc hội cũng như người lao động quan tâm.
Theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry, phương án 1 là phương án tối ưu nhất, tuy nhiên phương án 1 lại tạo ra lát cắt, chia thành 2 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội trước và sau ngày Luật này có hiệu lực.
Mặc dù cho rằng đây là phương án tối ưu, song đại biểu Trần Thị Hoa Ry nhận thấy vẫn cần bổ sung các đánh giá tác động cho kỹ hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ý kiến của người lao động về vấn đề này trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể và ngừng hoạt động tăng mạnh, tình trạng sa thải, cắt giảm lao động diễn ra tại nhiều địa phương.
“Trong tháng 4 vừa qua, việc rút bảo hiểm xã hội một lần đã tăng 39% trong quý I năm 2024”. Dẫn con số này, nữ đại biểu đoàn Bạc Liêu nhận định đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua.
“Nếu không có giải pháp hiệu quả, khả thi thì chắc chắn trong thời gian tới, việc rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ tăng thêm. Do đó, việc cho rằng phương án 1 không làm ảnh hưởng tới 18 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội là chưa chính xác” , bà Ry nói.
Đối với phương án 2, cần tiếp tục hoàn thiện, vì không nên quy định sau 12 tháng mới nghiên cứu, xem xét việc rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động. Đại biểu cho rằng, việc rút bảo hiểm xã hội một lần đáp ứng nhu cầu cấp bách của người lao động khi mất việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề xuất giảm thời gian xem xét xuống từ 3 đến 6 tháng để đảm bảo người lao động duy trì cuộc sống trong điều kiện khó khăn.
Liên quan đến việc người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng quy định này chưa rõ ràng. Bà đề nghị đối với vấn đề này nên kết hợp giữa phương án 1 và phương án 2, người lao động có quyền rút bảo hiểm một lần đối với khoản đóng trực tiếp (8%) theo thời gian thực đóng.
“Phương án trên đảm bảo nguyên tắc có đóng có hưởng. Người lao động chỉ trực tiếp đóng 8%, còn 14% là do người sử dụng lao động đóng. Phần 14% được xem là nguồn đóng để cho người lao động nhằm đảm bảo chế độ hưu trí và người lao động chỉ được hưởng khoản này khi đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hưu trí” , bà Ry cho hay.
Phát biểu tranh luận về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) nêu rõ, 2 phương án Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đều có những ưu điểm và hạn chế riêng.
Đại biểu Phan Thái Bình cho rằng, điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 phương án là thời điểm tham gia đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là trước hoặc sau khi Luật có hiệu lực. Nếu đóng bảo hiểm trước ngày 1/7/2025 thì được hưởng bảo hiểm xã hội rút một lần, sau ngày này thì không được hưởng,
Đại biểu đoàn Quảng Nam cũng nhấn mạnh: “Nhu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần là nhu cầu cấp thiết, hợp pháp và hợp lý của người lao động, không phụ thuộc vào thời điểm đóng bảo hiểm xã hội trước hay sau khi Luật này có hiệu lực”.
Do đó, để phát huy tối đa ưu điểm cũng như hạn chế tối đa những hạn chế của 2 phương án, đại biểu đề xuất tích hợp hai phương án trên theo đề nghị của đại biểu Trần Thị Hoa Ry. Từ đó giải quyết được vấn đề trước mắt theo yêu cầu của người lao động. Về lâu dài sẽ giải quyết được vấn đề đảm bảo an sinh xã hội.
Chưa có giải pháp nào tối ưu
Bên hành lang Quốc hội, 2 phương án rút bảo hiểm một lần tiếp tục là nội dung được nhiều đại biểu băn khoăn, bàn luận.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) nêu quan điểm ủng hộ phương án 1. Nữ đại biểu đoàn Thừa Thiên Huế lý giải người lao động chọn phương án 1 trước sẽ thấy thiệt thòi, nhưng về lâu dài, để chuẩn bị cho cuộc sống tương lai thì chọn phương án 1 là hợp lý.
“Những người không đủ sức lao động, nhất là lao động phi chính thức hay những người lao động có yếu tố đặc thù, đặc biệt cần phải nghỉ hưu sớm thì khi có được nguồn lương hưu từ việc đóng bảo hiểm xã hội vẫn tốt hơn. Khi họ không còn sức lao động, lại không có nguồn này giúp trang trải thì cuộc sống vô cùng khó khăn”, bà Sửu cho hay.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng cả 2 phương án Chính phủ đề xuất đều chưa tối ưu, chưa khả thi.
Phân tích phương án 1, đại biểu Hòa cho rằng phương án này sẽ có lợi ích an sinh xã hội lâu dài. Tuy nhiên, hiện tại cuộc sống, sinh hoạt của người lao động đang khó khăn, cấp bách mà không cho rút bảo hiểm một lần thì họ lấy gì để sống?
Đề cập phương án 2, đại biểu Hòa nêu quan điểm không nên chọn phương án này vì chúng ta giữ chân người lao động bằng sự ưu việt và lợi ích của bảo hiểm xã hội chứ không phải bằng cách giữ 50% số tiền ít ỏi của họ.
Theo ông Phạm Văn Hòa, rút bảo hiểm một lần, rút bảo hiểm 50% hay không rút hoàn toàn thì vấn đề quan trọng là công tác tuyên truyền, vận động của cả hệ thống chính trị đối với những đối tượng đóng bảo hiểm. Việc này giúp người dân thông suốt và chấp hành hơn.
“Nếu không tuyên truyền, vận động, thuyết phục thì tôi cho rằng đa số người dân sẽ ủng hộ phương án rút bảo hiểm xã hội một lần. Người ta chấp nhận “mì ăn liền” để giải quyết khó khăn trước mắt chứ không thể nghĩ đến tình huống về già không có lương hưu sẽ như thế nào, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước sẽ gặp khó khăn ra sao” , ông Hòa khẳng định.
Thực trạng hiện nay có nhiều người lao động ở độ tuổi từ 35 đến 40 phải nghỉ việc, mà nguyên nhân có phần xuất phát từ các doanh nghiệp “suy dinh dưỡng”, ngưng hoạt động. Cùng với đó các doanh nghiệp ngoài nhà nước có xu hướng cho nghỉ việc nhiều đối với những người lao động ở độ tuổi này. Trong hoàn cảnh đó, người lao động buộc phải rút bảo hiểm xã hội một lần.
Đưa quan điểm về thực trạng trên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động, duy trì hoạt động để người lao động có việc làm. Khi người lao động không mất việc thì sẽ không cần rút bảo hiểm xã hội một lần.
Ông cũng đề nghị bổ sung quy định Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với những đối tượng không rút bảo hiểm xã hội một lần, để khi nghỉ việc người lao động được vay tiền trang trải cuộc sống.
“ Để thuận lợi và phát huy dân chủ, tôi đề nghị tổ chức lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội”, đại biểu Hòa nói.