Hai năm bầm dập của Mark Zuckerberg: Hiểm họa rình rập Facebook vì khát vọng bá quyền ngành công nghiệp tin tức (kỳ 2)
Đánh đổi nhiều thứ, bao gồm cả sự riêng tư của người dùng để trở thành nền tảng tiên phong trong lĩnh vực truyền bá tin tức nhưng Facebook chưa hề chuẩn bị cho việc trở thành kẻ thống trị và phải trả cái giá không hề rẻ.
Các câu chuyện khác nhau nhưng hầu hết mọi người đều nói về một công ty, một vị CEO, người vốn tin vào kỹ thuật nhưng bị bầm dập vì cách một số người dùng sử dụng nền tảng của họ cho những mục đích xấu xa. Hai năm qua, Facebook đã phải vật lộn để bảo vệ chính mình trước những gì nó tạo ra.
Không thể phủ nhận, Facebook đã tạo ra cuộc cách mạng toàn diện trong kỷ nguyên công nghệ thông tin. Ra đời với mục đích kết nối một nhóm bạn bè, Facebook giờ đây đang được dùng để kết nối cả thế giới. Ứng dụng Messenger của nó đang cạnh tranh với email và tin nhắn. Đã có lúc, Facebook mang lại cho người ta cảm giác vui sướng tột độ khi nó được sử dụng để thông báo ai đó đã an toàn trong một thảm họa.
Con người là loài sống có xã hội nhưng Internet lại là một nơi ô uế. Nhiều người sợ khi thông tin cá nhân của mình bị đưa lên mạng bởi thông tin người dùng sẽ được thu thập để cung cấp cho các nhà quảng cáo. Tuy nhiên, vấn đề này có thể giải quyết bằng cách làm mọi người cảm thấy an toàn hơn khi chia sẻ thông tin. Đó là cách Facebook đã thành công đồng thời tạo ra một công nghệ truyền thông quan trọng nhất đầu thế kỷ 21.
Zuckerberg là một người quản lý rất quyết liệt, thậm chí là tàn nhẫn để đảm bảo sự phát triển của Facebook. Trong những ngày đầu tiên, tiêu chí "đi nhanh và phá vỡ mọi thứ" không chỉ là một lời khuyến khích dành cho những người dưới quyền mà còn là áp lực để giải những bài toán khó nhất liên quan tới sự phát triển. Sự riêng tư của người dùng cũng đã bị hy sinh nhằm tạo ra cách phát triển tốt nhất cho nền tảng này. Với đối thủ cạnh tranh, Zuckerberg cũng không bao giờ có ý định nhượng bộ. Họ sẽ bị tiêu diệt hoặc thôn tính.
Trên thực tế, Facebook đã chiếm ưu thế lớn trong lĩnh vực truyền bá thông tin. Trở lại năm 2012, mạng xã hội truyền bá thông tin tốt nhất là Twitter. Những dòng thông điệp 140 ký tự cho phép người dùng Twitter phát tán tin tức nhanh hơn đồng thời mang lại cho mạng xã hội này những ảnh hưởng lớn hơn trong ngành công nghiệp tin tức.
Một cựu giám đốc từng làm việc ở Facebook cho biết, Twitter từng được coi là mối đe dọa lớn với Facebook. Chính vì thế, Zuckerberg đi theo chiến lược mà ông thường làm với những đối thủ không thể mua lại: "sao chép và nghiền nát nó".
Zuckerberg đã điều chính News Feed của Facebook để chúng có thể kết hợp đầy đủ tin tức (dù ban đầu, nó được ra đời để phục vụ việc chia sẻ thông tin cá nhân), bao gồm cả tiêu đề và sapo. Thậm chí, Facebook còn cử người tiếp cận các nhà báo để nói cho họ biết họ phải làm như thế nào để bài viết của họ có thể tiếp cận người đọc tốt nhất thông qua Facebook.
Cuối năm 2013, Facebook tăng gấp đôi số lượt truy cập vào các trang tin tức đồng thời đẩy Twitter vào suy thoái. Cho đến giữa năm 2015, Facebook đã vượt Google trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực đưa độc giả đến các trang tin tức. Cùng thời điểm, nó đã vượt gấp 13 lần so với Twitter. Cùng năm, Facebook cho phép các nhà xuất bản sử dụng nền tảng này để đăng bài, đổi lại, họ sẽ phải từ bỏ một phần kiểm soát nội dung. Ngành công nghiệp xuất bản, vốn nhiều năm loay hoay tìm lối đi, gần như đã đồng ý hoàn toàn.
Tuy nhiên, Facebook dường như chưa chuẩn bị tốt cho việc trở thành lực lượng thống trị trong ngành công nghiệp tin tước. Chất lượng, tính chính xác của tin tức đã được Facebook để tâm nhưng việc thuê vài nhà báo dành chút thời gian không đủ để giải quyết những vấn đề ám ảnh ngành truyền thông bấy lâu nay. Trong khi đó, Facebook dường như từ lâu nghĩ rằng mình có thể miễn dịch với những vấn đề đó bởi nó là một công ty công nghệ, công ty tạo ra "nền tảng cho mọi ý tưởng".
Theo đó, Facebook luôn nghĩ rằng mình là một nền tảng mở, trung lập hay một nền tảng truyền thông hoàn toàn mới cho thế kỷ 21. Chính vì thế, Facebook rất ngại thay đổi vì sợ đánh mất điều đó. Ngoài ra, cũng khó để tưởng tượng Facebook làm cách nào để kiểm duyệt hàng tỷ nội dung được người dùng đưa lên trang cá nhân của mình mỗi ngày.
Facebook không ủng hộ kiểu tin tức nào và tỏ ra trung lập. Chính vì thế, Facebook quyết định trình bày tất cả nội dung trên News Feed mà không quan tâm tới nó là gì. Tin tức chính thống từ những tờ uy tín như Washington Post hay tin lá cải hay cả những tin tức sai sự thật vẫn được trình bày trên News Feed tương đương nhau.
Facebook lập luận đó là sự dân chủ. Bạn nhìn thấy những gì bạn bè bạn muốn bạn thấy chứ không phải những gì mà các biên tập viên chọn hiển thị. Tuy nhiên, điều này dường như không còn phù hợp khi gã khổng lồ mạng xã hội đẩy mạnh ảnh hưởng trong lĩnh vực tin tức. Việc tin tức giả mạo có thể tiếp cận được độc giả trở thành vấn nạn đáng báo động, khiến Facebook phải trả cái giá rất đắt trong 2 năm qua.