Hai mặt của con số FDI tăng kỷ lục
Vốn FDI tăng mạnh và liên tục lập những kỷ lục mới, nguyên nhân là gì và cơ hội ra sao trong bối cảnh Việt Nam gia nhập nhiều FTA cũng như việc Trung Quốc – Mỹ chưa thể thoả hiệp trong cuộc chiến thương mại?
Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 16,74 tỷ USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ 2018.
Vốn Trung Quốc cũng tăng, đạt 2 tỷ USD ở tất cả hợp phần mà riêng phần đăng ký cấp mới là 1,56 tỷ USD, tăng 450% so với con số 280 triệu USD cùng kỳ 2018.
Tính đến hết tháng 5, Trung Quốc vẫn dẫn đầu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI ) đăng ký mới và năm 2019 là năm đầu tiên ghi nhận vốn FDI đăng ký cấp mới từ Trung Quốc vươn lên dẫn đầu. Riêng trong tháng 5, Hàn Quốc đã vượt nước này về lượng vốn đăng ký mới vào Việt Nam với 357 triệu USD, trong khi Trung Quốc là 247 triệu USD.
Vốn FDI tăng kỷ lục nguyên nhân là gì và cơ hội cho Việt Nam ra sao trong bối cảnh Việt Nam gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do cũng như việc Trung Quốc – Mỹ vẫn chưa thể thoả hiệp trong cuộc chiến tranh thương mại… BizLIVE đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, trao đổi về vấn đề này.
GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài
KHÔNG THỂ NÓI MỸ TỐT HAY TRUNG QUỐC TỐT MÀ CHÚNG TA PHẢI CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ TỐT
Có ba nguyên nhân Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, đó là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi Mỹ liên tục tăng thuế và gần đây nhất đã đánh vào các công ty công nghệ cao của Trung Quốc.
Thứ hai, khi xuất khẩu sang Mỹ gặp khó khăn, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, như vậy Trung Quốc phải tìm các cơ hội để giúp tăng trưởng xuất khẩu của họ thông qua nước thứ ba.
Việt Nam có thế mạnh là chúng ta vừa kí kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA với Hàn Quốc, và sắp tới là với EU. Trong các FTA có quy tắc xuất xứ, nếu 70% sản phẩm hàng hóa dùng nguyên liệu của Việt Nam thì thuế bằng 0%, trong khi đó xuất khẩu từ Trung Quốc thì thuế rất cao, bây giờ là 25%.
Khả năng này cũng phù hợp với Việt Nam vì hiện nay trong các thị trường chính, chúng ta nhập siêu lớn nhất ở 2 thị trường là Trung Quốc và Hàn Quốc, vì vậy nếu chúng ta thu hút được các dự án đầu tư vào dệt, nhuộm, may, da giày… phù hợp với định hướng, có nghĩa là không phải làm ở Hà Nội, Hải Phòng hay TP.HCM mà đưa vào các địa phương cần giải quyết vấn đề lao động, thu nhập, ngân sách chúng ta có thể làm, miễn là họ đầu tư vào đây đảm bảo công nghệ thân thiện với môi trường, đảm bảo xử lý nước thải, rác thải…
Rõ ràng cả hai bên cùng có lợi, chúng ta sẽ bớt nhập siêu. Nhập siêu ở đây là do chúng ta chưa khắc phục được các nhược điểm về nguồn nguyên liệu một số mặt hàng chúng ta xuất khẩu, cho nên nếu những tháng cuối năm có những dự án như vậy thì chúng ta hoan nghênh, lựa chọn đúng đối tác, công nghệ.
Thứ ba, khi Trung Quốc "lấn bấn" với một số thị trường các nước châu Âu và Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ tích cực mở cửa ra các thị trường mà họ cho là an toàn hơn, trong đó ASEAN là thị trường rất giàu tiềm năng. Việt Nam là cửa ngõ của Trung Quốc với ASEAN nên không lý do gì họ đi qua cửa ngõ vào một khu vực cộng đồng mà chúng ta không đồng tình bởi trong Luật đầu tư nước ngoài chúng ta có luật là không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư.
5 tháng đầu năm có rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam. Cách đây 3 tuần, tôi có tiếp 1 đoàn 26 doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp làm linh kiện điện tử, điện mặt trời, điện gió, dệt may… Chắc chắn nếu thích hợp với những định hướng đầu tư mới của mình rất có lợi cho 2 bên. Chúng ta vừa có được công ăn việc làm, vừa có được công nghệ vừa giảm bớt được nhập siêu, cân bằng cán cân thanh toán.
Việt Nam hiện nay có quan hệ với Mỹ tương đối tốt. Mỹ nêu một loạt nước thao túng tỷ giá tiền tệ và Việt Nam không nằm trong các nước đó. Trước đó, từng có lo ngại Việt Nam đứng thứ 6 trong các nước xuất siêu của Mỹ năm 2018 sau 5 nước, lo ngại ông Donald Trump sẽ gây áp lực với việc chúng ta phải cân bằng cán cân thương mại với Mỹ.
Do đó, chúng ta phải tận dụng mối quan hệ đang tốt với Mỹ để tăng cường xuất khẩu sang Mỹ và điều đó rõ ràng về phía Mỹ cũng có những động thái khuyến khích xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ. 5 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu sang Mỹ tương đối khá.
Đầu tư Mỹ vào Việt Nam hiện nay còn ít, 5 tháng qua phái đoàn của Mỹ vào rất nhiều nên chúng ta phải tranh thủ, thay đổi trong thẩm định cấp phép, hỗ trợ về thủ tục nhà đầu tư, các chính sách ưu đãi thích hợp với yêu cầu đầu tư của Mỹ vào Việt Nam. Chắc chắn nếu chúng ta làm được sẽ có một lượng vốn lớn của Mỹ vào Việt Nam.
Không thể nói Mỹ tốt hay Trung Quốc tốt mà chúng ta phải chọn nhà đầu tư tốt, nhà đầu tư thích hợp với định hướng của chúng ta.
PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng
TÍN HIỆU MỪNG NHƯNG CŨNG PHẢI CÓ GIẢI PHÁP ĐỂ ĐỐI PHÓ
Trong câu chuyện thu hút vốn FDI có 2 giải pháp chúng ta phải ưu tiên. Thứ nhất là chọn lọc về mặt công nghệ, phải có hàng rào kỹ thuật để làm việc này.
Thứ hai, kết nối được doanh nghiệp FDI với ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Doanh nghiệp nước ngoài nào thỏa mãn được 2 tiêu chí này là những doanh nghiệp được ưu tiên. Có như vậy, chúng ta mới mang được về những lợi thế.
Chúng ta cũng phải hết sức thận trọng đối với đầu tư nước ngoài. Đây là nguồn vốn có thể ra đi ngay khi thấy bất lợi, Trung Quốc là một ví dụ. Cho nên, nếu không kết nối được doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, thiếu sự bền vững hay không tính toán được việc chuyển giao công nghệ, chúng ta sẽ gặp những khủng hoảng trong tương lai.
Tôi lưu ý thêm, vốn đầu tư ngoại trong đầu tư gián tiếp cũng lớn, là họ sẽ bán ngay khi thấy được giá, đây là vấn đề chúng ta cần kiểm soát. FDI đổ vào Việt Nam vừa là tín hiệu mừng nhưng cũng vừa phải có những giải pháp để đối phó, vấn đề là phải có điều kiện ràng buộc để doanh nghiệp FDI kết nối với các doanh nghiệp trong nước.
Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ phải đưa ra những tiêu chuẩn đối với công nghệ cùng dòng vốn FDI vào Việt Nam. Chính phủ cần hết sức lưu ý các địa phương phải đặt quyền lợi quốc gia lên hàng đầu.
Bên cạnh đó, Việt Nam phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát, thiết lập các hàng rào kỹ thuật ở cửa khẩu và gắn liền nhiệm vụ này với trách nhiệm của các chính quyền địa phương.
PGS. TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)
CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG TÁC ĐỘNG TRỰC TIẾP
Việc FDI tăng cao nhất trong vòng 4 năm trở lại là tác động trực tiếp của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc và hướng đến các nước khác, trong đó có Việt Nam là một hiện tượng hiện hữu.
Rõ ràng Việt Nam đang tiếp nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ về và đặc biệt, chúng ta cũng nhìn thấy có sự phân luồng về đầu tư.
Đối với các quốc gia có công nghệ phát triển như Nhật hay Mỹ, khi muốn tìm một nơi để đầu tư dài hạn thì họ cân nhắc rất kỹ giữa Việt Nam với Ấn Độ hay Indonesia, phụ thuộc vào môi trường thể chế cũng như tiềm năng của lực lượng lao động.
Đối với nhóm nước này, họ không hoàn toàn cho rằng Việt Nam là điểm đến số 1 và họ lựa chọn các nước như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan,… nơi có cơ sở hạ tầng tương đối tốt từ trong quá khứ cũng như có tiềm năng về ngôn ngữ tiếng Anh hoặc sở hữu lực lượng lao động khổng lồ như Ấn Độ. So với các quốc gia này thì Việt Nam cũng chỉ là một ứng cử viên.
Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp Trung Quốc, họ lại thấy Việt Nam có sự gần gũi về văn hoá, chính trị và đặc biệt là địa lý. Do đó, đang có khuynh hướng đầu tư Trung Quốc đổ dồn về Việt Nam.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam
CHUẨN BỊ TỐT ĐỂ TẬN DỤNG CƠ HỘI
Sự dịch chuyển dòng vốn FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam có thể lý giải bởi những nguyên nhân sau. Thứ nhất, Trung Quốc là công xưởng thế giới nhiều năm nay, hiện nay mặt bằng giá nhân công Trung Quốc rất cao, thuế cao, chi phí sản xuất cao đang là 1 vấn đề trong ngắn hạn và rất nhiều đơn vị sản xuất ngó đến các quốc gia láng giềng trong đó có Việt Nam.
Việt Nam có điều kiện thuận lợi như nhân công giá rẻ hơn, ưu đãi thuế và đặc biệt là việc Việt Nam tham gia rất nhiều các FTA, xuất khẩu đi các thị trường khác với ưu đãi thuế quan lớn.
Lý do thứ 2 kích thích làn sóng dịch chuyển nó mạnh mẽ hơn đặc biệt là đầu năm nay đó chính là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Cũng phải lưu ý rằng, dòng vốn FDI Trung Quốc sang Việt Nam không chỉ là vốn của Trung Quốc mà còn là dòng vốn chuyển sang Việt Nam từ các đối tác châu Âu, hoặc Mỹ từng đặt nhà máy ở Trung Quốc và giờ họ chuyển sang Việt Nam là chuyện bình thường.
Để tận dụng được cơ hội từ làn sóng FDI đổ vào Việt Nam, chúng ta cần phải có sự chuẩn bị tốt. Cụ thể, về cơ sở hạ tầng, logistics, bởi vì Việt Nam nếu trở thành công xưởng thế giới thì chắc chắn cơ sở hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ, đường hàng không phải rất thuận lợi, kho bãi, cầu cảng phải chuẩn bị rất nhanh chóng để có thể đón được những dòng vốn từ nước người. Nếu không đáp ứng được những điều đó thì dòng vốn kia vào cũng không thể hoạt động thuận lợi.
Bên cạnh đó là việc chú trọng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Nếu đáp ứng được, chắc chắn Việt Nam hưởng lợi rất nhiều vì làn sóng này.
Cuối cùng là vai trò của Chính phủ, phải nhìn ra những thuận lợi, khó khăn và đưa ra những chính sách điều phối thích hợp, kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội đi lên.