Hai lúa Việt chế robot khiến người Do Thái ngả mũ
Mặt trời vừa ló bụi tre thì những tiếng mô tơ đã rền vang khắp một vùng trời. Một cảnh tượng như trong phim viễn tưởng của Mỹ, những con rô-bốt tự hành bò lổm ngổm như cua trên đồng thay thế cho người nông dân làm đủ thứ việc… Lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn những con rô-bốt tự hành như một bộ phim viễn tưởng nào đó của Mỹ.
Những nông dân nhàn tênh
Hai vợ chồng nông dân Phạm Văn Ca (xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) hè nhau vác một vật hình chữ nhật sáng bóng, dài thượt ra đồng rồi hạ xuống một thửa đất đã lên luống sẵn.
Cái cầu dao đóng sập, tiếng mô tơ kêu giòn giã, mấy chục cánh tay của cỗ máy lạ bỗng chốc vươn rộng ra phía sau gắp những hạt giống thả xuống từng hàng thẳng tắp. Lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn những con rô-bốt tự hành như một bộ phim viễn tưởng nào đó của Mỹ.
Dù không có "não" (bộ vi xử lý) nhưng nó là con rô-bốt thực sự bởi hoạt động độc lập, không cần sự điều khiển của con người. Nhắc đến hiệu quả của những con rô-bốt này thì khỏi phải bàn. Anh Ca tự hào: “Đố các anh chị tìm thấy nơi đâu mà người dân vừa đi làm ruộng lại làm tỉ thứ việc khác không? Mỗi lần đưa máy ra đồng, đóng cầu xong là tôi rảo bước theo con rô-bốt để rải dây điện, đồng thời nhận đơn hàng của khách qua điện thoại, tư vấn kỹ thuật cho khách và cả quán xuyến luôn việc nhà từ xa”.
Ngày trước, khi còn đi gieo hạt thủ công, dân Tứ Kỳ đến khổ sở. Nay thì mọi việc nhàn tênh. Khác với những rô-bốt thông minh trong nhà, khi gặp phải những chỗ gồ ghề có thể bị mắc kẹt, thậm chí là ngã nhưng loại rô-bốt này lại có cơ chế giúp vượt qua những chỗ lồi, lõm.
Để minh chứng cho lời nói của mình, anh Ca đặt một chiếc dép da lên bề mặt luống làm vật thử thách. Chân của rô-bốt được cấu tạo bằng những thanh sắt nhỏ và lò xo có độ đàn hồi tốt khiến cho việc vượt qua chiếc dép rất đơn giản.
Trước khi có rô-bốt, anh Ca chỉ dám làm 2 sào rau giống nhưng từ khi có máy thì mở rộng quy mô đến hơn 7 sào lại còn mua thêm được cả ô tô để làm dịch vụ vật tư nông nghiệp xuyên tỉnh. Trừ tất cả các chi phí mỗi năm anh thu được khoảng 300 triệu tiền lời.
Ông “trùm” rô-bốt khiến người Do Thái ngả mũ
Khác hẳn tưởng tượng của tôi về một “ông trùm” với vàng đeo đầy người, bụng tròn béo lẳn; quần áo anh đầy dầu máy và cái bắt tay thì mạnh mẽ, gai sần của một thợ cơ khí gạo cội. Anh là Nguyễn Văn Hát - "trùm" sáng chế ra những con rô-bốt đang bò lổm nhổm trên những cánh đồng rau màu của tỉnh Hải Dương.
Cuộc đời anh Hát như một một bản nhạc lúc thăng lúc trầm. Khởi nghiệp bằng nghề đánh xe bò, thời gian sau lên đời lái công nông, khi trào lưu xuất khẩu Hàn Quốc tràn về thì bán công nông gom tiền nuôi mộng xuất ngoại. Háo hức chờ đợi cả năm ròng nhưng mãi chẳng được mà lại thành ra tay trắng. Anh chuyển sang nghề cơ khí kiêm luôn mở quán bán bia, khi tiền nong rủng rỉnh thì ấp ủ cho mình một ý tưởng đi trước xu thế.
Năm 2008, anh bỏ ra mấy tỉ thuê 10 mẫu đất, dựng nhà màng, quyết chí làm rau an toàn, cung cấp những thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng. Tại thời điểm đó, trang trại của anh là một trong những nơi hiếm hoi được Bộ NN-PTNT công nhận đạt chuẩn VietGap. Thế nhưng, trong thời buổi buôn bán nhập nhèm, người mua rau thì ít mà người đến xin mua hóa đơn thì nhiều.
Nhiều doanh nghiệp, siêu thị tìm đến anh chỉ vì muốn hợp thức hóa rau bẩn thành rau sạch. Có những hóa đơn tại thời điểm đó họ trả cho anh tận 10 triệu đồng nhưng vì cái tâm của nghề mà anh thà lỗ chứ không chấp nhận bán danh. Vì thế mà rau ế dài, trổ hoa nên nhiều người trong vùng xì xào: “Nhà này trồng rau sạch hay trồng hoa sạch không biết?”.
Khi 10 mẫu rau bị dỡ bỏ, 700 cây cột nhà màng phải nhổ lên, anh chính thức thành người vỡ nợ với con số là 3 tỷ đồng. Bỏ qua mọi lời bàn tán, anh quyết đi vay nóng lãi ngày để đi xuất khẩu lao động tại Irsael với một mong ước học tập được những kinh nghiệm đồng áng từ nước bạn. Việc đầu tiên là đi rải phân gà tại trang trại.
Trên đầu là cái nóng của mặt trời, dưới đất là cái nóng của phân gà cứ ngùn ngụt bốc lên. Quần quật như vậy đến ngày thứ ba thì anh chán hẳn. “Nghĩ cũng nhục, người Việt Nam sang sau những người Lào, Thái Lan, Ả Rập nên họ nghiễm nhiên “chiếm chân” lái máy, còn ta cứ đi theo sau để cào phân. Ức quá, tôi bèn sử dụng ngôn ngữ hình thể để “nói” với chủ của mình rằng, tôi có thể sáng chế ra cái máy rải phân, không cần phải đi cào nữa”.
Lúc đầu ông chủ còn không tin, hỏi đi hỏi lại, thấy anh chắc như đinh đóng cột, bèn đưa anh giấy để vẽ bản thảo rồi đi mua vật liệu. Hai ngày sau, chiếc máy rải phân đầu tiên ra đời, có hiệu quả trong thực tế khiến bố con ông chủ vui sướng, vỗ tay rầm rầm.
Nhưng chưa hài lòng với kết quả, anh yêu cầu phá đi làm chiếc máy khác. Sợ mất báu vật, bố con ông chủ phải sắm cho anh một chiếc Iphone để dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, đại ý: “Không, cứ để nguyên cái cũ mai chúng tao sẽ đi mua nguyên liệu cho mày làm cái mới”. Sau hai ngày, lại một chiếc máy mới ra đời. Vẫn chưa ưng ý, anh yêu cầu làm chiếc ba. Vô cùng hài lòng với chiếc máy này, ông chủ bèn gọi tất cả các bạn bè xung quanh ra chiêm ngưỡng nó biểu diễn trên cánh đồng.
Sau khi xem xong, ai nấy cũng đều kinh ngạc. Anh kể: “Lúc máy chạy xong, có một người Do Thái ra chỉ vào đầu tôi với đầu hắn rồi nói “the same!” (giống nhau). Lúc ấy tôi cứ ngớ người ra (vì có hiểu tiếng đâu) về đến phòng nhờ mấy người bạn trong phòng dịch thì mới hiểu nghĩa”. Từ ấy trở đi, anh không phải ra đồng nữa mà có thể ở trong xưởng của trang trại để tùy hứng sáng tạo.
Sáng chế máy rải phân được ông chủ bán với giá quy ra tiền Việt khoảng 4 tỷ đồng nhưng anh chỉ được trả 200 triệu cũng không khiến anh buồn nhiều. Bởi suy nghĩ điều kiện Irsael khác hoàn toàn với Việt Nam có ở lại học cũng chẳng áp dụng được gì nên anh quyết định trở về dù ông chủ có bay qua đến vài lần để thuyết phục.
Đến tháng 4/2012, anh sáng chế ra rô-bốt rải hạt đầu tiên chỉ gieo được 3 hàng. Qua thời gian cải tiến, hiện tại số đầu rải hạt đã lên tới 30-40 hàng với giá dao động từ 25-35 triệu động. Từ hạt nhỏ như đầu sợi tóc cho đến hạt to như hạt ngô, hạt lạc, cứ có hạt là có máy gieo. Người anh họ thấy chiếc máy hay bèn đặt một chiếc về dùng thử. Sau thấy hiệu quả thì người này học người kia, xã này học xã nọ cứ thế mà lan rộng ra 63 tỉnh thành với số lượng gần 200 con, có xã như Đoàn Thượng (huyện Gia Lộc, Hải Dương) có tới 6 con.
Ngoài rô-bốt, anh Hát còn có hàng chục sáng chế hữu dụng khác như máy băm bèo, máy cấu lúa, máy đong thóc giống… Và, còn biết bao ý tưởng nữa được thể hiện một cách tự tin qua tấm biển trước xưởng nhà: “Nhận sáng chế các loại máy bạn có ý tưởng”.