Hà Nội xác định 12 nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội, dự kiến ngày 3/10 tình trạng sẽ được cải thiện

02/10/2019 09:15 AM | Xã hội

Người phát ngôn của UBND thành phố Hà Nội cho biết, qua xác định ban đầu, cơ quan chức năng thống kê 12 nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí, đồng thời khuyến cáo người già, trẻ em hạn chế ra đường.

12 nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Chiều ngày 1/10, tại cuộc giao ban báo chí thường kỳ của Thành uỷ Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã thông tin về thực trạng ô nhiễm không khí của TP những ngày qua. Ông Vũ Đăng Định, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND TP Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội và một số khu vực miền Bắc, tình trạng ô nhiễm bụi tăng cao, tập trung vào thời gian mùa đông, đầu xuân và các điểm chuyển mùa.

Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên Môi trường, từ ngày 13/9, chất lượng không khí tại Hà Nội nhiều thời điểm trong ngày kém, nhất là ô nhiễm bụi mịn 2.5, ảnh hưởng sức khoẻ con người, đặc biệt nhóm nhạy cảm, bao gồm trẻ em, người già, người có bệnh lý về đường hô hấp. Ông Định khuyến cáo, nếu như ra ngoài, người dân nên sử dụng khẩu trang đạt chuẩn.

Theo người phát ngôn của UBND TP, Hà Nội có 10 trạm quan trắc tự động do Pháp tài trợ và 1 trạm của Đại Sứ quán Mỹ. Đó là những đơn vị phát đi thông tin chính thức về tình trạng không khí trên địa bàn thành phố, ngoài ra còn có rất nhiều thiết bị, ứng dụng trên điện thoại. Tuy nhiên, người dân nên tham khảo, đối chiếu với những quan trắc chính thức để có thông tin chính xác.

Hà Nội xác định 12 nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội, dự kiến ngày 3/10 tình trạng sẽ được cải thiện - Ảnh 1.

Ông Vũ Đăng Định, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND TP Hà Nội.

Xác định bước đầu, cơ quan chức năng của TP đã thống kê 12 nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí, gồm: Khí xả thải ô tô, xe máy; Tình trạng đun bếp than tổ ong, bếp củi; Thực trạng phá dỡ các công trình xây dựng và xây dựng các công trình không đúng quy trình; Vận chuyển vật liệu xây dựng; Mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; Mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; Đốt rơm rạ, rác; Thu gom rác thải chưa tốt; Ô nhiễm ao hồ lâu năm; Bùn thải chưa được xử lý; Khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; Tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.

"Thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp để hạn chế ô nhiễm không khí như: Xây dựng và lắp đặt mạng lưới quan trắc chính thức, kiểm soát ô nhiễm; Giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải ô nhiễm môi trường; Thay đổi việc thu gom rác thải hàng ngày từ thủ công sang hoàn toàn bằng xe quét nhập từ Châu Âu, hút bụi; Xử lý ô nhiễm ao hồ ngoại; Xây dựng kế hoạch vận động đến 31/12/2020 không còn hộ sử dụng bếp than tổ ong; Triển khai xây dựng nhà máy xử lý bùn, xử lý rác thải bằng công nghệ đốt, phát điện.

Xử lý bùn tải, xử lý rác thải rắn; Nhập công nghệ phá dỡ, nghiền rác thải bê tông, che chắn công trình xây dựng; Xây dựng quy hoạch các trạm xăng có trạm rửa xe tự động; Giám sát xe chở xây dựng; Trồng cây xanh; triển khai chiến dịch "cánh đồng không đốt rơm rạ" - ông Định nói.

"Air Visual hay Pam Air là những trạm quan trắc cảm biến, đánh giá nhanh nên có sự chênh lệch"

Trả lời các câu hỏi của phóng viên, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) nói, nguyên nhân ô nhiễm không khí ở Hà Nội hiện nay có nhiều nguyên nhân, một trong số đó là thời tiết thuỷ văn có diễn biến cực đoan.

"Thời điểm chuyển mùa kết hợp với sự chênh lệch nhiệt giữa buổi sáng và buổi trưa gây ra hiện tượng nghịch nhiệt. Từ sáng sớm xuất hiện sương dẫn đến đối lưu không khí và thoát khí thải gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí. 

Theo số liệu điều tra, chỉ tính riêng lượng xả thải từ bếp than tổ ong thì theo thống kê của Sở TN&MT Hà Nội toàn TP hiện còn 35.000 bếp than tổ ong, mỗi ngày sử dụng 528 tấn than, gây phát thải 1870 tấn khí CO2" - ông Thái thông tin.

Ngoài ra, việc người dân đốt rơm rạ hàng ngày không chỉ gây hạn chế tầm nhìn giao thông, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng môi trường. Bên cạnh đó, các công trình khi xây dựng hay phá dỡ đa số là bụi PM10 cũng ảnh hưởng đến môi trường. 

Đặc biệt, lượng phát thải từ các phương tiện giao thông cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Theo thống kê của CSGT, tính đến quý 1 năm nay có trên 700 nghìn ô tô, trên 5 triệu xe cá nhân. Những ngày này, vào giờ cao điểm và buổi sáng, các phương tiện tham gia giao thông thì lượng phát thải ra cũng gây ô nhiễm.

Hà Nội xác định 12 nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội, dự kiến ngày 3/10 tình trạng sẽ được cải thiện - Ảnh 2.

Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội).

Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường nhấn mạnh, hiện Hà Nội hiện có 10 trạm quan trắc không khí, sử dụng từ năm 2017 chất lượng châu Âu, trong đó có 3 trạm quan trắc đặt cố định đạt quy chuẩn tiêu chuẩn. Air Visual hay Pam Air là những trạm quan trắc cảm biến, đánh giá nhanh nên có sự chênh lệch. Do đó, thành phố đang triển khai dự án đến 2020 lắp 20 trạm quan trắc cố định và 1 trạm cảm quan trắc lưu động.

Trước tình hình chất lượng không khí hiện nay, Sở TN&MT Hà Nội khuyến cáo người già, trẻ nhỏ cần hạn chế ra ngoài trời, người dân nếu tham gia hoạt động ngoài trời cần sử dụng khẩu trang đạt chuẩn. 

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khoảng ngày 3/10, Hà Nội sẽ có thể xuất hiện mưa giông, nhờ đó sẽ cải thiện chất lượng không khí.

Vụ cháy Rạng Đông: 800 tấn chất thải, tro xỉ, bụi cháy và trên 1000 tấn phế thải xây dựng, sắt thép

Liên quan đến xử lý hiện trường vụ cháy Rạng Đông, đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết đến nay các cơ quan chức năng đã thu gom hơn 800 tấn chất thải, tro xỉ, bụi cháy và trên 1000 tấn phế thải xây dựng, sắt thép.

Bộ Tư lệnh Hoá học đã hoàn thành việc tẩy độc khu vực 1 có diện tích 2500 m2, dự kiến sẽ hoàn thành khu vực còn lại trước ngày 8/10. Số chất thải thu gom được xử lý nghiêm ngặt theo quy trình xử lý chất thải nguy hại và được chôn lấp theo quy định tại bãi rác Nam Sơn.

Hà Nội xác định 12 nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội, dự kiến ngày 3/10 tình trạng sẽ được cải thiện - Ảnh 3.

Hiện trường vụ cháy Rạng Đông.

Tại nơi lưu giữ, Bộ Tư lệnh Hóa học và Bộ Tư lệnh Thủ đô cũng đã đến kiểm tra. Khu vực đổ chất thải trên đều được trải bạt với diện tích 600 m2; trải một lớp than hoạt tính, bột lưu huỳnh, sau đó đổ chất thải cao không quá 3m, lại rải 1 lớp than hoạt tính... rồi mới đổ lớp chất thải khác lên.

Việc đổ thải được lập nhật ký, giám sát hàng ngày và được xác nhận bởi Bộ Tư lệnh Hóa học, Urenco 10 và công ty Rạng Đông.

Sau khi xử lý khu vực nhà kho bị cháy của Công ty Rạng Đông xong, Sở TN&MT Hà Nội sẽ trưng cầu cơ quan giám định độc lập vào đánh giá kết quả xử lý để báo cáo TP và công bố cho người dân.

Theo MINH NHÂN

Cùng chuyên mục
XEM