Cuộc sống đảo lộn của người dân Hà Nội những ngày ô nhiễm không khí nặng: Loay hoay tìm đủ cách chống chọi, chẳng dám cho con ra ngoài!
Để tự bảo vệ bản thân khỏi tác hại của ô nhiễm không khí, nhiều người dân Hà Nội tìm đến các giải pháp như trông cây lọc không khí, mua khẩu trang chống bụi...
Cứ tầm 7h sáng, cả Hà Nội lại được bao phủ bởi một "màn sương" mờ ảo khiến ai cũng ngỡ là đặc trưng của tiết trời mùa thu. Thế nhưng, khi đặt chân ra đường họ mới biết, hóa ra "màn sương" thơ mộng thật ra lại là lớp bụi mịn PM 2.5 dày đặc gây ô nhiễm không khí Thủ đô suốt hơn 2 tuần nay.
Đeo 2 lớp khẩu trang vẫn hắt hơi, sổ mũi
Kể từ ngày 13/9, Hà Nội liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng các thành phố có không khí ô nhiễm nhất thế giới của tổ chức Air Visual. Với chỉ số AQI đo được tại các trạm quan trắc luôn nằm ở mức 180-250, có những lúc vượt quá 300, mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội luôn nằm ở ngưỡng "không an toàn", "rất không an toàn" và "độc hại". Điều này đã gây ra không ít xáo trộn trong đời sống sinh hoạt của người dân.
Dù đã ra khỏi nhà từ 7h sáng, sớm hơn giờ làm cả 1 tiếng, anh Hoàng Kiên (Kim Giang, Hoàng Mai) vẫn bị kẹt hơn 30 phút trên đường Nguyễn Xiển. Đứng giữa hàng trăm phương tiện đang thải khói đen kịt, cộng thêm không khí đã bụi bặm mấy ngày nay, anh hắt xì liên tiếp, bất chấp việc đã đeo 2 chiếc khẩu trang y tế để phòng ngừa.
Người dân phải đeo khẩu trang khi đi qua những tuyến đường có công trường xây dựng.
"Mấy ngày nay báo đài đưa tin Hà Nội ô nhiễm không khí nặng, lại thường xuyên đi làm trên con đường có nhiều công trường, nên tôi chủ động đeo thêm khẩu trang cho an toàn. Tuy nhiên, cách này cũng không bớt bụi đi là bao. Về nhà, mặt mũi vẫn đen xì, phải rửa mặt kỹ mới hết", anh cho biết.
Trước đây, anh Kiên còn chạy bộ dọc sông Kim Giang vào mỗi sáng. Thế nhưng, đã hơn chục ngày nay anh đành từ bỏ thói quen này do cảm thấy khó thở, tức ngực. "Tốt nhất là ở nhà, đi tập thể dục trong bầu không khí thế này khéo chẳng khỏe thêm mà còn rước bệnh vào người", anh kết luận.
Bầu trời Hà Nội luôn trong tình trạng bụi mờ mịt nhiều ngày nay.
Chị Ánh Ngọc (Văn Quán, Hà Đông) thì lo lắng cho sức khỏe của cậu con trai mới hơn 1 tuổi. Suốt nhiều ngày nay, mỗi khi đi học về, con chị có biểu hiện mệt mỏi, dụi mắt nhiều hơn mọi ngày. Sợ con khó thở, tối nào chị Ngọc cũng bật máy lọc không khí trong nhà. Đèn báo luôn có màu đỏ, cho thấy không khí đang ở ngưỡng "bẩn".
"Mình rất muốn cho con nghỉ ở nhà để không phải ra đường, nhưng lại chẳng có người trông. Sáng con đã phải hít không khí bụi bẩn rồi, nên tối phải bật máy lọc để con dễ thở hơn. Chỉ mong con vẫn khỏe mạnh", chị tâm sự.
Thỉnh thoảng, chị Ngọc sẽ bật điều hòa thay vì bật quạt và mở cửa sổ. Dù biết là tốn điện điện nhưng chị đành bật lên để không khí được thông thoáng và trong lành.
Trên trang Air Visual, chỉ số AQI của Hà Nội luôn ở ngưỡng không an toàn.
Người bình thường khổ 1 thì người bị bệnh mãn tính về đường hô hấp còn khổ 10 trong những ngày Hà Nội ô nhiễm nặng. Chị Lê Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải nghỉ làm ở nhà suốt 3 hôm, do bệnh viêm mũi dị ứng tái phát, ảnh hưởng đến cả xoang.
"Đeo khẩu trang, rửa mũi thường xuyên rồi mà vẫn bị bệnh. Cứ sáng sớm ngủ dậy và tối muộn về nhà là mình lại hắt hơi, chảy nước mũi do bụi bẩn quá. Được vài hôm thì nó chuyển sang đau xoang, đau họng, đi làm không nổi nữa", chị kể.
Theo anh Kiên, chị Ngọc và chị Huyền, tác hại của ô nhiễm không khí ô nhiễm thì ai cũng biết, nhưng khó mà tránh được do phải ra đường sinh hoạt mỗi ngày. Họ đành phải "sống chung với lũ" và tự tìm nhiều cách khác nhau để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân trong gia đình.
Người dân loay hoay đối đầu với ô nhiễm không khí
Một số người có điều kiện như gia đình chị Ngọc sẽ tìm mua các loại máy lọc không khí đang bày bán trên thị trường. Tại nhiều cửa hàng điện máy trong thành phố, số lượng khách hàng đến hỏi mua mặt hàng này tăng cao.
"Không biết máy lọc này hiệu quả có được như quảng cáo không, nhưng cứ mua về cho yên tâm đã. Lọc được tí nào hay tí ấy", chị Ngọc cho biết.
Máy lọc không khí bán khá chạy trong thời gian gần đây.
Khẩu trang cũng là một mặt hàng khác được rất nhiều người quan tâm. Loại nào cũng được quảng cáo là "chống tới 95% bụi mịn PM2.5", "tuyệt đối an toàn cho người sử dụng". Giá cả của khẩu trang cũng rất phong phú, từ loại 30.000 đồng cho tới 700.000 đồng đều có, với nhiều mẫu mã và chủng loại.
Một số người như anh Kiên thì quyết định "trung thành" với khẩu trang y tế. Nhưng thay vì đeo một lớp mỏng như bình thường, họ sẽ đeo chồng 2 lớp lên nhau, hoặc lót thêm mảnh giấy ăn mỏng bên trong để ngăn bụi lọt vào.
Khẩu trang N95 được quảng cáo có khả năng chống bụi mịn lên tới 95%.
Bên cạnh đó, vài người lại có sáng kiến trồng cây xanh có tác dụng lọc không khí trong nhà. Vốn bị viêm mũi dị ứng đã nhiều năm nay, chị Lê Huyền luôn thủ sẵn trong nhà 2-3 chậu cây như vậy để cải thiện sức khỏe của bản thân.
"Nhà mình luôn đặt một chậu cây lưỡi hổ trong phòng ngủ, vì loài này có khả năng sản sinh oxi vào ban đêm, lại không cần tưới quá nhiều nước. Ngoài ban công thì để thêm chậu lan Ý và chậu nguyệt quế để không khí thoáng đãng hơn", chị nói.
Khác với các loại cây khác chỉ thải CO2 vào ban đêm, cây lưỡi hổ có khả năng nhả oxi giúp không khí trong lành.
Theo các chuyên gia về môi trường, Hà Nội sẽ còn tiếp tục ô nhiễm không khí ở mức cao trong nhiều ngày tới. Chỉ khi có mưa thì tình hình mới được giảm nhẹ đi.
Theo các bác sĩ, chuyên gia về sức khỏe, để đảm bảo sức khỏe trong những ngày này, người dân cần hạn chế ra đường vào giờ cao điểm nếu không có việc cấp bách. Người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai nên ở trong nhà, không nên tập thể dục và tập trung vào sáng sớm hay đêm muộn. Bên cạnh đó, phải thường xuyên bổ sung chất dinh dưỡng trong chế độ ăn để tăng cường sức đề kháng, vệ sinh kỹ toàn bộ cơ thể khi đi từ ngoài về để giảm thiểu bụi mịn còn sót lại trên quần áo.