Hà Nội: Trạm y tế chữa trị F0 nhẹ tại Hà Nội đã sẵn sàng, khác biệt với TP.HCM

17/11/2021 10:45 AM | Xã hội

Mô hình hoạt động trạm y tế lưu động của Hà Nội khác với TP Hồ Chí Minh. Các trạm y tế lưu động ở Hà Nội sẽ có nhiệm vụ điều trị thu dung tập trung F0 tại một cụm.

Chỉ 4 nhóm là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người có bệnh nền là F1 thì mới được cách ly tại nhà nếu có đủ điều kiện phòng chống dịch (phòng, nhà vệ sinh riêng)…

Trao đổi với phóng viên Infonet, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tới đây TP Hà Nội sẽ không đưa F0 không triệu chứng vào bệnh viện điều trị tập trung mà sẽ thành lập trạm y tế lưu động.

Ông Tuấn cũng thông tin, mô hình hoạt động trạm y tế lưu động của Hà Nội hơi khác với TP Hồ Chí Minh. Ở TP Hồ Chí Minh F0 ở nhà, gọi điện liên hệ với nhân viên y tế đến khám, cấp thuốc.

Nhưng ở Hà Nội các trạm y tế lưu động sẽ vẫn có nhiệm vụ điều trị thu dung tập trung F0 tại một cụm (ví dụ nhà văn hoá, cơ sở nào đó). Các quận, huyện, xã, phường đều phải có địa điểm để điều trị cho F0 không triệu chứng.

Được biết, Hà Nội dự kiến thành lập 508 trạm y tế lưu động, trong đó có 20 trạm y tế xã lưu động được đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Căn cứ tình hình thực tế diễn biến dịch trên địa bàn, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ chỉ đạo bộ phận liên quan chuẩn bị các điều kiện về địa điểm, nhân lực, trang thiết bị, thuốc để sẵn sàng thiết lập thêm trạm y tế lưu động.

Trao đổi với phóng viên Infonet này, Giám đốc TTYT Quận Hà Đông Trương Thuỳ Phong cho biết, đơn vị này hiện đang rà soát các địa điểm sau khi Thành phố triển khai kế hoạch.

Ngày hôm qua, TTYT quận Hà Đông đã đi khảo sát và tìm được 2 phường trong đó có phường phường Phú Lương nơi có trường Mầm non Phú Lương 2 có đủ điều kiện cơ sở vật chất làm địa điểm.

“Thực ra việc tìm địa điểm hiện nay rất khó khăn. Bởi một địa điểm ít nhất phải thu dung điều trị cho khoảng 150- 200 bệnh nhân trở lên. Nếu chỉ vài chục thì không thể.

Trong khi điều kiện nơi này phải đảm bảo đủ rộng, có khu vệ sinh. Điều chúng tôi lo nhất là chỗ vệ sinh, tắm giặt. Chưa kể, địa điểm tối thiểu có thể thu dung được 150- 200 người. Bây giờ tìm những nơi để đáp ứng những điều kiện trên rất khó. Quan trọng nhất là địa điểm”, ông Phong thông tin.

Trước đây, quận Hà Đông có 17 trạm y tế đã có nhà văn hoá triển khai như mô hình ở TP Hồ Chí Minh là điều trị tại nhà. Trạm y tế lưu động sẽ ở các nhà văn hoá đó và nhân viên y tế đến chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tại nhà.

“Tuy nhiên, ở Hà Nội bây giờ lại không áp dụng điều trị tại nhà mà thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng giống như cách ly F1 bây giờ - tập trung tại một cơ sở do địa phương quản lý. Như vậy buộc phải thay đổi địa điểm vì nhà văn hoá bé, trong khu dân cư. Do đó, chúng tôi hiện đang rà soát lại”, ông Phong cho hay.

Phường Phú Đô (Nam Từ Liêm) là ổ dịch phức tạp, có những ca bệnh không rõ nguồn lây. Đây là địa phương có diện tích nhỏ, dân cư đông, văn hóa làng xã. Lãnh đạo quận cho hay “người dân vẫn có thói quen ngày nào cũng tiếp xúc, rỗi rãi vào nhà nhau chơi có khi 1 ngày vài lần nên dễ lây lan dịch bệnh, dễ phát sinh thành ổ dịch. Khi có 1 ca thì dễ bùng phát”.

Thực hiện chỉ đạo của Thành phố mỗi xã, phường thành lập một trạm y tế lưu động, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Y tế Nam từ Liêm cho biết, Quận Nam từ Liêm đã ngay lập tức thành lập 10 trạm trên 10 phường, xã có quyết định thành lập và bố trí đủ nhân sự.

“Mục đích của trạm y tế lưu động là điều trị F0 tại nhà nhưng TP Hà Nội hiện chưa có chủ trương điều trị F0 tại nhà. Hiện phường Phú Đô ca F0 nhiều nên quận đã khởi động trạm y tế lưu động tổ chức tại Trường tiểu học Phú Đô chuẩn bị 6 phòng và các điều kiện về trang thiết bị để sẵn sàng khi nào Thành phố cho phép điều trị F0 tại nhà thì lực lượng này hoạt động ngay”, ông Tuấn cho biết.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Chư, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô cho biết ngay ngày hôm qua (15/11) TTYT quận đã xây dựng trạm y tế lưu động và sẽ hoàn thành xong vài ngày tới và sẽ triển khai các nhiệm vụ liên quan đến KCB ban đầu cho người dân.

Theo N. Huyền

Cùng chuyên mục
XEM