Hà Nội: Hàng loạt dự án trên đất vàng 'ngủ quên' sau tấm áo tôn xanh
Trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện có hàng trăm dự án chậm tiến độ, bị bỏ hoang nhiều năm. Có những dự án còn biển tên, nhưng cũng có dự án hoang tàn xập xệ, bên trong cây cỏ mọc um tùm. Đáng nói, các dự án này đều nằm ở vị trí thuận lợi về giao thông, gần các trung tâm nên gây ra tình trạng mất mỹ quan đô thị và khiến hình ảnh thủ đô thêm phần nhếch nhác.
Mặc dù Thành phố Hà Nội đã có những chỉ đạo các cơ quan chức năng dùng biện pháp mạnh, quyết liệt trong việc xử lý, thu hồi hàng loạt dự án chậm tiến độ, bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên đất. Tuy nhiên, thực trạng trên vẫn diễn ra phổ biến ở hầu hết các quận nội thành và nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội.
Một trong những dự án chậm tiến độ, gây bức xúc dư luận thời gian qua có thể kể đến dự văn phòng cho thuê Toà nhà hỗn hợp Hattoco (gọi tắt là dự án Hattoco) tại số 110 Trần Phú, quận Hà Đông.
Theo tìm hiểu được biết, dự án Hattoco do Công ty Cổ phần tư vấn Đầu tư Xây dựng Ba Đình (Ba Đình Land) làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng từ năm 2009 với tổng mức đầu tư khoảng 900 tỷ đồng. Dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích 4.992m2, bao gồm 39 tầng, 3 tầng hầm. Tổng diện tích sàn sử dụng 88.858m2. Tuy nhiên, sau khi xây dựng đến tầng 9 trên tổng số 39 tầng cao và 2 tầng hầm, dự án Hattoco đã phải tạm dừng thi công một thời gian.
Đến đầu năm 2013, chủ đầu tư dự án Hattoco bất ngờ tuyên bố tái khởi động dự án sau một thời gian dừng thi công do thiếu vốn. Được biết, khi đó đã có một đối tác đồng ý rót số vốn khoảng 500 tỷ đồng để đầu tư tiếp tục xây dựng dự án cùng với đó là mở bán dự án với giá 15 triệu đồng/m2. Sau khi tái khởi động, theo dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào 4/2014. Đến năm 2016, chủ đầu tư dự án Hattoco đã kêu gọi khách hàng tiếp tục đóng tiền để thực hiện dự án. Nếu khách hàng không đóng tiền, chủ đầu tư dọa thanh lý hợp đồng. Thế nhưng, sau nhiều lần lỡ hẹn so với dự kiến, dự án vẫn chỉ là một đống bê tông sắt thép nhuộm màu thời gian.
|
Dự án Hattoco đã được cơ bản hoàn thiện phần bên ngoài nhưng chủ đầu tư đã dừng toàn bộ việc thi công từ nhiều năm nay. |
Theo quan sát của phóng viên, hiện tại dự án đã thi công xong phần thô, bên ngoài cũng đã gần như được hoàn thiện. Tuy nhiên tại đây không hề có dấu hiệu cho thấy có hoạt động xây dựng. Một khách hàng mua nhà tại đây cho biết: Hiện tại chủ đầu tư đã thu của các khách hàng tại đây số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng, nhưng 10 năm nay nhà vẫn không giao nhà; chủ đầu tư cũng không hề có cam kết hay phương án giải quyết nào khiến cho hàng trăm khách hàng rơi vào những hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Nhiều gia đình không có nhà để ở nên vừa phải đi thuê, vừa phải lo tiền đóng lãi.
|
Dự án Apex Tower nằm tại vị trí đắc địa trên đường Phạm Hùng. |
Cũng trong tình trạng “đắp chiếu” nhiều năm, dự án Apex Tower (địa chỉ tại lô HH3, đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) cũng đã xây xong phần thô nhưng đến nay nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng và đang có dấu hiệu sử dụng đất sai mục đích.
Dự án do Công ty Cổ phần Tòa nhà Cavico Việt Nam và Công ty Cổ phần Tu tạo và phát triển nhà (CTP) làm Chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 15 triệu USD.
Dự án có diện tích 2.780m2, diện tích sàn xây dựng là 44.000 m2. Chiều cao tòa nhà khoảng 100m, gồm 27 tầng và 3 tầng hầm. Công trình được được khởi công xây dựng từ tháng 1/2008 và dự kiến hoàn thành vào năm 2012. Apex Tower từng được kỳ vọng sẽ là trung tâm thương mại cung cấp văn phòng, căn hộ... tiện nghi, hiện đại, tạo ra một điểm nhấn kiến trúc ở cửa ngõ phía tây Hà Nội, góp phần làm đẹp cảnh quan khu đô thị mới năng động nói riêng và quy hoạch tổng thể của Thủ đô Hà Nội nói chung. Thế nhưng đến hiện tại sau 8 năm chậm tiến độ, dự án vẫn chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện phần thô và nằm phơi mưa nắng. Các hạng mục bên trong vẫn còn dang dở.
|
Các hàng quán mọc lên ngày càng nhiều xung quanh dự án Apex Tower. |
Không chỉ xuống cấp, hiện nay, công trình đang bị biến tướng nghiêm trọng khi phía sảnh trước, sảnh sau và phần tầng hầm bị đem ra làm bãi để xe, dịch vụ sửa xe, xung quanh bên dưới toà còn bị bủa vây bởi rất nhiều các cửa hàng ăn uống.
|
Phần diện tích sảnh trước của toà nhà được chủ đầu tư cho các doanh nghiệp tư nhân thuê với mức giá hàng chục triệu đồng/tháng để làm bãi gửi xe, sửa xe. |
Do chậm tiến độ dự án và không có nhà để bàn giao, Apex Tower còn từng bị Công ty TNHH Thiết kế tư vấn đầu tư (Devyt) đâm đơn kiện lên Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội và đòi trả lại 14,7 tỷ đồng tiền đã đặt mua văn phòng cùng với bồi thường 4,3 tỷ đồng do chậm bàn giao nhà.
Bởi trước đó, năm 2010, Công ty Cổ phần Tu tạo và phát triển nhà và Devyt đã ký hợp đồng chuyển nhượng văn phòng số 09, quy mô 937,3 m2 (tầng 18 và 19) với giá trị hơn 1,1 triệu USD, thuộc dự án Trung tâm thương mại Apex Tower. Thực hiện hợp đồng, Công ty TNHH Thiết kế tư vấn đầu tư chuyển qua tài khoản đợt 1 số tiền là 14,7 tỷ đồng (tương ứng khoảng 70% giá trị hợp đồng). Nhưng quá thời hạn đặt ra 4 năm mà Công ty Cổ phần Tu tạo và phát triển nhà không có văn phòng để bàn giao cho khách hàng. Vì vậy, Công ty TNHH Thiết kế tư vấn đầu tư đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đòi số tiền gốc 14,7 tỷ đồng và khoản lãi ngân hàng mà khách hàng chịu thiệt khi vay vốn để đầu tư vào dự án.
Với rất nhiều những tồn tại xung quanh dự án Apex Tower và hiện trạng nằm yên "bất động" như thế này, không biết đến khi nào dự án mới hoàn thiện và đưa vào sử dụng?
|
Dự án Hanoi Time Tower được khởi công hoành tráng, sau cả thập kỷ vẫn dừng lại ở tầng 9. |
Được khởi công từ quý III/2010 nhưng đến nay, dự án Tòa nhà hỗn hợp Văn phòng - Căn hộ chung cư cao cấp Hanoi Time Tower (CT10, CT11 Khu đô thị Văn Phú) cao 39 tầng do Công ty Cổ phần Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVCR) làm chủ đầu tư vẫn chỉ dừng lại ở tầng 9.
Theo giới thiệu, dự án nằm trên khu đất rộng 7.023 m2. Tổng diện tích sàn xây dựng là 111.126 m2. Công trình bao gồm tổ hợp 2 tòa tháp cao 39 tầng và 2 tầng hầm với số căn hộ cao cấp là 637. Tổng mức đầu tư của Chung cư Hanoi Time Towers là 1.788 tỷ đồng.
Thời gian thi công dự án từ quý IV/2010 đến quý IV/2013. Dự án nằm tại ngã tư với 2 mặt tiền. Theo quan sát, dự án hầu như không có hoạt động thi công, khu vực đường nội bộ phía trước đường Văn Khê đã bị sử dụng làm nơi tập kết xe rác của khu vực xung quanh.
Tầng 1 và tầng 2 của dự án đã được quây gọn lại và sử dụng vào các mục đích khác nhau. Phần còn lại của dự án bị bỏ hoang và sắt thép tiếp tục bị han gỉ. Các vận thăng của công trình vẫn giữ nguyên vị trí, phơi mưa nắng cùng công trình.
|
Dự án LOD Building bỏ hoang nhiều năm trên đất “vàng” Hà Nội. |
Nằm trong số những công trình “án binh bất động” tại Hà Nội phải kể đến tiếp nữa là dự án Tòa nhà LOD Building tại số 38 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy.
Dự án LOD Building ban đầu do Công ty Cổ phần Hợp tác lao động nước ngoài (LOD) làm chủ đầu tư nhưng sau đó lại được chuyển nhượng cho Tập đoàn Phúc Lộc.
Toà nhà này được thiết kế với 10 tầng nổi và một tầng hầm trên diện tích 1.100m2, trong đó diện tích xây dựng 900m2. Tòa nhà có tổng diện tích cho thuê 5.600m2, với mặt bằng một sàn 600m2.
Đáng chú ý, tòa nhà LOD Building từng được đưa vào sử dụng tuy nhiên do có quá nhiều sai phạm về thay đổi kết cấu công trình nên ngày 1/10/2015, UBND phường Dịch Vọng Hậu đã yêu cầu chủ đầu tư dừng tuyệt đối việc thi công công trình tại số 38 phố Trần Thái Tông.
Vị trí của dự án LOD Building nằm trên đường Trần Thái Tông, một trong những tuyến phố phát triển thương mại và văn phòng cho thuê lớn nhất của Hà Nội. Dự án dược kỳ vọng sẽ là một trong những văn phòng làm việc lý tưởng cho nhiều doanh nghiệp.
Theo ghi nhận của phóng viên, kể từ lúc bị đình chỉ đến nay, dự án này gần như "nằm yên" tại khu đất "vàng" của Hà Nội. Bên cạnh đó, việc dự án bị bỏ hoang và có nhiều hạng mục xuống cấp đang gây mất mỹ quan đô thị, cũng như sự lãng phí của nhà đầu tư. Đến nay, dự án LOD Building vẫn chưa có dấu hiệu thi công trở lại.
Dự án bỏ hoang không phải vấn đề mới mà đã tồn tại từ hàng chục năm nay. Để xảy ra tình trạng này có nhiều nguyên nhân: Trong thời điểm thị trường bất động sản sôi động, chủ đầu tư triển khai dự án rầm rộ nhưng khi trầm lắng, doanh nghiệp bỏ đất chờ thời cơ. Rồi bắt nguồn từ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và trong khi dự án bắt đầu triển khai còn buông lỏng, chưa có chế tài mạnh. Tiếp đó là sự thay đổi về nhiều chính sách, trong đó có chính sách giải phóng mặt bằng, nhiều chủ đầu tư khó huy động vốn, kêu gọi đầu tư. Thậm chí, có những chủ đầu tư đã cố tình lợi dụng kẽ hở trong các quy định để lách luật, liên tục đề nghị điều chỉnh quy hoạch để lợi dụng, chậm đưa đất dự án vào triển khai.
Theo quy định của Luật Đất đai, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án chậm triển khai trên địa bàn Thành phố Hà Nội bị thu hồi hiện nay rất ít.
Một số chuyên gia cho rằng, việc xử lý các dự án “treo” tại Hà Nội cũng như các địa phương khác cần một chế tài phù hợp và kiên quyết hơn. Thay vì thu hồi đất thì tốt nhất nên có chế tài xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư. Theo cách này, ngân sách nhà nước vừa được lợi rất lớn trong khi đó, nhà đầu tư không có tiền nộp sẽ phải tự tìm cách chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác có năng lực để triển khai.
Có thể thấy, hàng trăm dự án chậm triển khai, “đắp chiếu” trên địa bàn Hà Nội đang để lại những hệ lụy rất lớn về kinh tế, môi trường sinh thái, quản lý đô thị. Việc thanh tra, kiểm tra các dự án bỏ hoang là nên làm, cần thiết. Các dự án thu hồi để tiếp tục triển khai thì cần đấu thầu, đấu giá chặt chẽ, minh bạch để lựa chọn được chủ đầu tư đủ năng lực, nếu không “dự án đen” lại tái diễn.