Gửi tiết kiệm 4 tỷ đồng, sau 15 năm, người phụ nữ chỉ nhận về 570 triệu đồng: Lý do đến từ một nhân vật không ngờ
1,2 triệu NDT (khoảng 4 tỷ đồng) là số tiền bà Khương (Trung Quốc) dành dụm được để mua nhà cho con trai khi cưới vợ. Tuy nhiên, đến ngày rút tiền, bà không tin rằng số tiền này lại không cánh mà bay.
Số tiền 1,2 triệu NDT không cánh mà bay?
Cuối năm 2019, con trai bà Khương (Hà Nam, Trung Quốc) dự định kết hôn. Vì thế, bà quyết định sẽ rút toàn bộ 1,2 triệu NDT (khoảng 4 tỷ đồng) đã gửi tiết kiệm trong suốt 15 năm ở ngân hàng để dành tiền mua nhà tặng con trai.
Bà vui vẻ đến ngân hàng và nhẩm tính trong đầu khoản tiền 1,2 triệu NDT sau 15 năm sẽ được hưởng lãi bao nhiêu. Tuy nhiên, sau khi cung cấp thông tin tên tuổi và thời gian gửi tiết kiệm, nhân viên ngân hàng đã thông báo một điều mà khiến bà phải chết lặng. “Tôi xin lỗi, trong tài khoản của bà chỉ còn 170.000 NDT (khoảng 570 triệu đồng). Bà có cần tôi rút hết một lần không?”
Ngay khi nghe được số tiền chỉ còn 170.000 NDT, bà Khương đã yêu cầu nhân viên ngân hàng kiểm tra lại xem có nhầm lẫn với tài khoản nào cùng tên. Song người này khẳng định không có sai sót nào.
Không hiểu chuyện gì đã xảy ra, bà từ chối rút tiền. Ngay khi về nhà, người phụ nữ này nhanh chóng gọi chồng và các con đến nhà để tìm hướng giải quyết. Thảo luận một hồi, họ không hiểu nguyên nhân tại sao.
Hiểu rằng để có thể tích luỹ được 1,2 triệu NDT không phải là điều dễ dàng, con trai và con dâu tương lai của bà Khương quyết định cùng mẹ báo cáo vụ việc cho sở cảnh sát địa phương (Trung Quốc).
Sau khi nắm bắt được thông tin, đội cảnh sát nhanh chóng vào cuộc điều tra vụ việc. Với sự can thiệp kịp thời, ngân hàng buộc phải hợp tác, cung cấp thông tin để làm việc.
Trong quá trình yêu cầu nhân viên hàng kiểm tra lại số tiền, một gương mặt quen thuộc xuất hiện trong tầm mắt bà Khương, đó là cô Đông. Nhìn thấy người vẫn thường xuyên giúp đỡ mình các thủ tục, giấy tờ ở ngân hàng, bà như tìm được chiếc phao cứu giúp. Tuy nhiên, lúc đó, người này lại tỏ vẻ lảng tránh.
Sau hơn 1 tháng điều tra, đội cảnh sát cũng tìm ra lý do số tiền không cánh mà bay. Cuối cùng, sự thật của vấn đề được đưa ra ánh sáng.
Đặt lòng tin nhầm chỗ
Theo đó, năm 2004, bà Khương mang tiền đến ngân hàng để gửi tiết kiệm. Khi đến, giao dịch viên hỗ trợ bà là cô Đông. Sau một vài lần đến giao dịch, bà phát hiện người này sống gần nơi mình sinh sống. Cộng thêm, cô khá niềm nở và nhiệt tình nên bà gần như giao toàn quyền quyết định mọi thủ tục cho người người phụ nữ này.
Vì có được quyền này nên mọi thủ tục ký xác nhận sau đó đều do cô Đông tự ký thay bà Khương. Sau đó, cô đều thông báo cho người phụ nữ này những biến động nên bà vô cùng yên tâm và tin tưởng.
Tuy nhiên, theo điều tra của cơ quan cảnh sát, năm 2018, tài khoản của bà Khương có những giao dịch bất thường. Số tiền 1,2 triệu NDT được chuyển từng khoản một vào một tài khoản của một công ty ma. Ở mỗi một lần giao dịch, số tiền ước tính là 100.000 NDT.
Cơ quan cảnh sát đã lấy lại lời khai bà Khương để làm rõ vấn đề này. Bà khẳng định kể từ khi gửi vào 1,2 triệu NDT chưa khi nào đến ngân hàng hay giao cho cô Đông rút tiền.
Nhận thấy tình tiết của vụ việc có dấu hiệu bất thường từ phía ngân hàng. Viên cảnh sát đã triệu tập cô Đông để hỏi rõ vụ việc. Sau hơn 1 tiếng hỏi thông tin, người phụ nữ này buộc phải khai nhận.
Theo đó, gia đình cô Đông có kinh tế khó khăn. Đầu năm 2018, chồng cô bị tai nạn, không thể đi làm. Áp lực tài chính đè nặng lên cô. Trong lúc khó khăn, nghe theo lời rủ của người bạn thân rằng đầu tư vào một công ty đồ uống này sẽ thu lãi 1 gấp 3 lần. Nhận thấy đây là cơ hội đổi đời, cô nhanh chóng hỏi cách thức.
Dẫu thời điểm đó không có tiền tiết kiệm, song nhận thấy có thể lợi dụng lòng tin, được toàn quyền quyết định số tiền 1,2 triệu NDT của bà Khương, cô đã rút lần lượt số tiền này để đầu tư. Ban đầu, cô dự định chỉ là mượn tạm. Sau khi có lãi, cô sẽ dùng khoản này để trả lại. Tuy nhiên, điều không may đã xảy ra, do đây là một công ty lửa đảo nên toàn bộ tiền cô Đông đầu tư vào đây mất trắng. Đồng nghĩa, cô không thể hoàn trả lại số tiền đã lấy ra từ tài khoản bà Khương.
Với sự can thiệp của cơ quan cảnh sát, cô Đông phải có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền đã biển thủ. Theo Sohu, tính đến tháng 6/2020, ½ số tiền gốc của bà Khương đã được trả lại. Tuy nhiên số tiền này chưa đủ để bà có thể mua được nhà để cho con trai cưới vợ.
Biết được hoàn cảnh của cô Đông cũng khó khăn nên bà Khương cũng không khởi kiện mà chỉ yêu cầu bồi thường lại số tiền đã lấy.
Theo Sohu