GS Terry F. Buss: Học tiếng Anh ở Việt Nam, Tây ba-lô và những kẻ lừa đảo

22/12/2018 09:46 AM | Xã hội

Khi nghe Tây ba lô trò chuyện trong hành lang các trung tâm, tôi thấy các em học sinh phải học với họ giống như chịu cực hình, chứ không phải học tiếng Anh.

Ở bài 1 , GS Terry F. Buss đã phân tích nhiều nguyên nhân khiến nhiều người Việt nói tiếng Anh kém. Trong bài 2, ông tiếp tục mổ xẻ chất lượng tại một số trung tâm tiếng Anh.

Ai đủ chuyên môn dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2?

Chính bởi chi phí cử giáo viên Việt Nam sang nước ngoài học tập thường rất cao, nên người Việt Nam thường tìm cách đưa những người bản ngữ về Việt Nam để giảng dạy trực tiếp hoặc hỗ trợ chương trình đào tạo tại Việt Nam.

Công việc giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (ESL - English as a Second Language) đòi hỏi rất nhiều kĩ năng chuyên môn. Không có nhiều giáo viên thực sự đủ điều kiện để giảng dạy cho đối tượng này.

Tại Mỹ, các nghiên cứu cho thấy chỉ 1/3 số giáo viên được đào tạo có đủ chuyên môn để giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.

Thật may mắn là các em học sinh hiện nay có rất nhiều cơ hội học tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ tư nhân. Đó là điều rất tốt. Tuy nhiên cần lựa chọn kỹ vì có quá nhiều trung tâm thuê các giáo viên nước ngoài không đủ điều kiện, do đó người học cần phải thực sự cảnh giác.

Ví dụ, một số tổ chức thuê khách du lịch nước ngoài – hay Tây ba-lô nói tiếng Anh. Những người này có thể có bằng cấp tiếng Anh, nhưng họ không biết giảng dạy tiếng Anh thế nào là đúng cách.

Tôi có vài người hàng xóm là Tây ba-lô dạy tiếng Anh. Khi nghe tiếng họ trò chuyện trong hành lang, tôi thấy các em học sinh phải học với họ giống như phải chịu cực hình, chứ không phải học tiếng Anh.

Tôi cũng có một người bạn là nhà kinh tế học từng giảng dạy về tài chính tại một trường đại học Việt Nam. Thầy hiệu trưởng trường đại học đó đã đề nghị anh ấy dạy tiếng Anh.

Tuy nhiên anh ấy đã từ chối với lí do là không ai muốn thuê một người đến từ Bronx, New York (nhà anh ấy ở Mỹ) để dạy tiếng Anh cả!

Ngoài ra, luôn có những rủi ro tiềm tàng khi các tổ chức Việt Nam hợp tác với các đối tác nước ngoài.

Tháng 4 vừa qua, một trung tâm dạy tiếng Anh của Việt Nam đã buộc phải chấm dứt hợp đồng với một đối tác Mỹ. Trong vụ bê bối này, phía Việt Nam đã bị công ty của Mỹ lừa đảo trắng trợn. Đó là một tổ chức ảo, và những kẻ này đã lừa được rất nhiều tiền từ các đối tác Việt Nam.

Các hành động phạm pháp như vậy không chỉ khiến người Việt mất tiền của, mà còn ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia có thể cùng hưởng lợi.

Khi giáo viên giỏi vấp phải rào cản

Giả sử ta đã có một giáo viên với khả năng nói tiếng Anh thông thạo, và đã sẵn sàng giảng dạy. Khi ấy, giáo viên này sẽ lại tiếp tục vấp phải một số rào cản của văn hóa tổ chức giáo dục tại Việt Nam.

Theo kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2016, tổng số bài thi môn tiếng Anh là 472.000 bài, nhưng số bài đạt điểm từ 9 đến 10 chỉ chiếm 0.52%, điểm trung bình là 3,48.

Năm 2017, điểm trung bình của thí sinh thi môn tiếng Anh trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là 4.6.

Và năm 2018, cả nước có 637.335 thí sinh thi môn tiếng Anh trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và điểm trung bình là 3.91.

Ban lãnh đạo nhiều trường tiểu học và trung học thường muốn duy trì lối dạy quá chú trọng ngữ pháp và từ vựng truyền thống của Việt Nam.

Những giáo viên muốn thay đổi cách tiếp cận đó thường vấp phải sự phản đối khá dữ dội. Kết quả là nhiều giáo viên sẽ bỏ cuộc, ngừng đấu tranh, và tiếp tục đi theo "lối mòn".

Mặt khác, các giáo viên tiếng Anh bản ngữ đủ tiêu chuẩn được chiêu mộ từ nước ngoài cho biết những đề xuất cải thiện việc đào tạo kĩ năng nói tiếng Anh của họ thường không được ban lãnh đạo trường học chú ý.

Đây là lí do một số giáo viên bản ngữ ngừng hợp tác với các trường học và tự mở chương trình hoặc trung tâm riêng để có quyền kiểm soát toàn bộ chương trình giảng dạy.

Giáo viên Việt Nam không dám phê đồng nghiệp: Học sinh lãnh đủ

Văn hóa Việt Nam cũng là một nhân tố cản trở việc thực hiện những thay đổi cần thiết trong việc đào tạo và giảng dạy ngôn ngữ.

Khi xem xét các tài liệu giảng dạy ngôn ngữ của một số trường học, tôi phát hiện rất nhiều lỗi ngữ pháp hoặc các cấu trúc câu kì lạ mà lẽ ra phải được người biên tập phát hiện và loại bỏ.

Khi tôi hỏi lí do, các giáo viên đã đưa ra một số lời giải thích. Lí do thứ nhất là lãnh đạo trường học không thích thay đổi tài liệu giảng dạy.

Tuy nhiên, một lí do thậm chí còn chắc chắn hơn nữa: đó là việc các giáo viên Việt Nam không thích chỉ trích các giáo viên khác.

Nếu một giáo viên góp ý hay chỉ trích một giáo viên khác, nhất là về kĩ năng nói, thì hành động này có thể sẽ làm người kia mất thể diện. Và nếu như điều đó xảy ra, thì rất có thể sau này họ sẽ tránh mặt nhau vì xấu hổ.

Thật không may, các em học sinh lại chính là những người phải lãnh hậu quả của việc này.

Con nhà giàu, gia thế: Ít động lực học

Sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam đã tạo ra một tầng lớp giàu có trong xã hội, họ có đủ khả năng để cho con em theo học những chương trình giáo dục tốt nhất tại Việt Nam và cả ở nước ngoài. Trong khi đó, những gia đình trung lưu phải hy sinh rất nhiều cho việc học của con em họ.

Điều trớ trêu là các giáo viên giảng dạy tại các trường của Việt Nam thường than phiền rằng những học sinh –sinh viên có điều kiện kinh tế và gia thế không có động lực học tập, kể cả động lực học tốt tiếng Anh.

Những đối tượng học sinh được cho là không có động lực này biết rằng cha mẹ sẽ tìm cho mình những công việc tốt sau khi các em tốt nghiệp đại học, nên các em không thấy cần thiết phải học tập chăm chỉ nữa.

Các trường tư thục danh tiếng, và kể cả một số trường công, thường bỏ qua cho các học sinh học kém, bởi các giáo viên và nhà quản lý không muốn phải đối mặt với các bậc phụ huynh, hoặc mất nguồn thu học phí, khi các học sinh này không bằng lòng với kết quả. Rất nhiều học sinh và phụ huynh chỉ quan tâm đến việc đạt được bằng tốt nghiệp hoặc bằng cấp.

Trong một buổi họp phụ huynh tôi được biết, một số phụ huynh đã than phiền với giáo viên rằng chương trình học quá nặng đối với các con họ. Điều này khá kì lạ đối với một quốc gia châu Á như Việt Nam.

Khi số lượng học sinh không có động lực học tập ngày càng tăng lên trong lớp học, các em này sẽ lôi kéo cả những học sinh khác chán học như mình.

Kết luận: Học tiếng Anh, hãy nhìn Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan

Việc cải thiện kĩ năng nói tiếng Anh cho người Việt là một vấn đề nan giải. Một trong những giải pháp là tái tổ chức và để vấn đề tự phát triển: những đối tượng thực sự cần thành thạo kĩ năng nói tiếng Anh sẽ tự tìm ra cách học cho mình.

Trong thực tế, điều này chắc chắn có thể xảy ra. Tuy nhiên cách tiếp cận kiểu thuyết tiến hóa Darwin này không thể được áp dụng cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo sẽ gần như không có hy vọng gì trong việc học tiếng Anh nữa.

Một số quốc gia khác cũng phải đối mặt với các vấn đề tương tự trong giảng dạy tiếng Anh, và họ đã nỗ lực thay đổi cơ chế giảng dạy. Nhân tố chung làm nên thành công của các quốc gia này là họ có hệ thống, ý chí và thẩm quyền để tạo ra sự thay đổi.

Các quốc gia hay vùng lãnh thổ như Malaysia, đảo Đài Loan, cách đây nhiều năm đã tạo ra các chính sách song ngữ. Chính sách này giúp họ vừa bảo toàn được ngôn ngữ bản địa, lại vừa thúc đẩy người dân học tiếng Anh.

Khi làm việc tại Malaysia, tôi thấy rằng một số bộ ngành có một ngày "chỉ nói tiếng Anh" hằng tuần bắt buộc đối với các công chức, và dường như chính sách này rất có hiệu quả.

Tại Hàn Quốc, người ta đã tạo ra các "Làng tiếng Anh", nơi các em học sinh - sinh viên được học các chương trình đào tạo chuyên sâu và chỉ sử dụng tiếng Anh trong một thời gian dài.

Điều tôi và những người tôi phỏng vấn đều quan tâm là người Việt đang tốn rất nhiều thời gian, năng lượng và tiền của để có thể sử dụng tiếng Anh thông thạo. Người Việt đều biết rằng tiếng Anh là chìa khóa cho sự đổi mới, phát triển và tăng trưởng trong một thế giới toàn cầu hóa.

Do đó, việc kiểm tra mọi khía cạnh của năng lực đào tạo tiếng Anh cần phải được đánh giá và cải tiến liên tục, và cần được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của xã hội Việt Nam.

Singapore đã đưa tiếng Anh vào chương trình giảng dạy bắt buộc dưới thời chính quyền Thủ tướng Lý Quang Diệu. Sau nhiều thập kỷ, các học sinh – sinh viên Singapore bắt đầu nói tiếng Anh kết hợp với tiếng Trung và tiếng Malay, hay còn được biết đến với tên gọi "Singlish".

Hiện nay Singapore đang giúp người dân nói tiếng Anh chuẩn hơn thay cho ngôn ngữ lai Singlish thông qua chương trình "Nói Tiếng Anh Tốt" của mình.

Có thể thấy rằng quá trình đổi mới và cải cách không bao giờ kết thúc. Việt Nam hãy nhìn họ, tìm ra cách phù hợp để mọi người có thể dùng tiếng Anh mở cánh cửa hội nhập sâu với thế giới.

Terry F. Buss là giáo sư của Đại học Carnegie Mellon, lấy bằng tiến sĩ Khoa học Chính trị và Toán ở Đại học bang Ohio.

Ông đã từng cố vấn cho Ngân hàng Thế giới, cố vấn cho Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị Mỹ; giữ nhiều chức vụ quản lý ở Đại học Quốc tế Florida (Miami), Đại học Suffolk (Boston), Đại học Akron (Ohio), Đại học Carnegie Mellon (Australia). Ông đã tham gia nghiên cứu tại gần 20 nước trên thế giới.

Theo GS Terry F.Buss

Cùng chuyên mục
XEM