GS Nguyễn Văn Tuấn: Kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine mRNA giảm lây nhiễm 100% ở trẻ, lợi ích của vaccine với trẻ em rất cao!

12/10/2021 19:00 PM | Xã hội

GS Nguyễn Văn Tuấn cho biết, Pfizer đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III trên 2260 trẻ em tuổi 12-15, và kết quả cho thấy vaccine đạt hiệu quả giảm lây nhiễm 100% ở trẻ em.

Việt Nam đã có kế hoạch đặt mua bổ sung 20 triệu liều vaccine để đáp ứng đủ tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi (khoảng 9-10 triệu trẻ em). Bộ Y tế cho biết, trước ngày 15/10 sẽ ban hành hướng dẫn tiêm vaccine  phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-18 tuổi.

Chương trình Tiêm chủng Quốc gia đang xây dựng tài liệu tập huấn về việc tiêm vaccine cho trẻ em. Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế cũng đang thảo luận về hình thức triển khai tiêm chủng (ở trường học hay ở địa phương lưu trú).Về vấn đề liên quan tới tiêm vaccine cho trẻ em, phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện Y khoa Garvan - Úc.

Theo thống kê trong đợt dịch tại TP.HCM thì chỉ có 9 trẻ tuổi từ 12 – 17 tuổi tử vong do Covid-19 và các trẻ này đều có bệnh nền. Với con số như vậy, thì việc tiêm vaccine cho trẻ em có cần thiết không?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi không rõ họ có bệnh nền hay không, vì chưa thấy dữ liệu chính thức nào cả. Dữ liệu từ nghiên cứu lâm sàng quá rõ ràng: vaccine mRNA có hiệu quả giảm nguy cơ lây nhiễm ở trẻ em 100%. Cả hai thử nghiệm lâm sàng về hiệu quả của vaccine mRNA ở trẻ em cho thấy không có một em nào trong nhóm vaccine bị nhiễm nCov. Do đó, dữ liệu hiện nay cho thấy lợi ích tiêm vaccine ở trẻ em là rất cao.

 GS Nguyễn Văn Tuấn: Kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine mRNA giảm lây nhiễm 100% ở trẻ, lợi ích của vaccine với trẻ em rất cao! - Ảnh 1.

Ảnh tiêm vaccine Covid-19 cho người dân.

Các biến chứng, tác dụng phụ của việc tiêm vaccine Covid-19 ở trẻ em được ghi nhận như thế nào qua các nghiên cứu trên thế giới?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Theo thông tin từ nhà sản xuất Pfizer thì trẻ em cũng có vài phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine như đau ở nơi được tiêm, đau cơ, mệt mỏi, cảm lạnh, v.v. nhưng đa số chỉ kéo dài từ 1-3 ngày.

Hiện nay, có quan tâm về vaccine mRNA có thể liên quan đến chứng viêm cơ tim (myocarditis), nhưng xác suất xảy ra thì rất thấp.

Theo một nghiên cứu, xác suất người tuổi 16-19 bị viêm cơ tim là 15 trên 100,000 người sau liều thứ hai. Đa số những ca viêm cơ tim là nhẹ và hồi phục vài ngày sau đó, chưa ai bị tử vong.

Có thể ưu tiêm tiêm vaccine cho trẻ em ở các thành phố lớn không bởi vì mật độ học sinh quá lớn nguy cơ lây nhiễm cũng cao hơn?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi nghĩ không nên phân biệt giữa học sinh thành phố và nông thôn. Mật độ học sinh trong một lớp học có thể cao hơn ở thành phố, nhưng mức độ thì chắc chẳng khác nhau đáng kể so với nông thôn. Do đó, tôi không thấy lí do khoa học nào để ưu tiên tiêm vaccine cho học sinh thành phố.

Trong các vắc xin đang triển khai hiện nay, tôi thấy nhiều người cho rằng nếu áp dụng tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em nên chọn vaccine bất hoạt thay vì vắc xin theo cộng nghệ mRNA (vì công nghệ này có thể can thiệp tới gen). Điều này có đúng không? GS có thể lý giải kỹ hơn về tác động tới gen của vắc xin với công nghệ mRNA.

GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi thì nghĩ trong thời đại y học thực chứng, chúng ta nên dựa vào chứng cớ khoa học. Hiện nay, chỉ có vaccine mRNA là được nghiên cứu và thử nghiệm ở trẻ em và có hiệu quả rất cao.

Còn các vaccine bất hoạt khác thì chưa có chứng cớ về hiệu quả ở trẻ em. Còn cho rằng vaccine mRNA can thiệp tới gen thì có lẽ là một hiểu lầm phổ biến. Cần nhấn mạnh rằng vaccine mRNA dùng một mảng nhỏ mRNA của con virus để sản xuất vaccine, và vì chỉ một mảng mRNA nên nó không thể tự sao chép trong cơ thể chúng ta.

Chất liệu di truyền của chúng ta (con người) là DNA, còn chất liệu di truyền của con virus là RNA. Và, mRNA không thể 'cài đặt' vào DNA được, vì hai phân tử này có cấu trúc hoá học khác nhau.

Vả lại, mRNA và DNA là hai bộ phận khác nhau của một tế bào: DNA nằm trong nhân của tế bào, còn mRNA thì ở cytoplasm của tế bào chứ không thể vào nhân của tế bào. Khi chúng ta được tiêm vaccine mRNA, thì một bộ phận của tế bào có tên là cytoplasm (tạm dịch là 'chất bào') sẽ tiếp nhận mRNA từ vaccine.

Trong điều kiện không có vaccine, tế bào chúng ta vẫn sản xuất ra hàng ngàn mRNA mỗi lần. Nhưng khi có vaccine, thì hệ miễn dịch xem như được tăng cường đội quân mRNA. Tại đây (cytoplasm), vaccine mRNA 'chỉ thị' cho tế bào chúng ta sản xuất ra một protein có tên là 'Protein S'. (Đối với con virus, protein S nằm trên bề mặt của con virus SARS-CoV-2).

Do đó, khi cơ thể chúng ta 'tiếp xúc' với con virus thì hệ thống miễn dịch nhận ra ngay đây là 'kẻ thù' và tiêu diệt ngay.

Vâng xin cảm ơn ông!

Ngọc Anh

Cùng chuyên mục
XEM