GS Đặng Văn Ngữ - người thầy kỳ lạ 'bắt' học trò gọi bằng anh, không ngại lội suối, vào chuồng bò bắt muỗi

20/11/2023 13:50 PM | Sống

Trong quá trình nghiên cứu, GS Đặng Văn Ngữ không nề hà khó khăn, bẩn thỉu. Ban đêm, Thầy vào chuồng trâu, chuồng bò soi đèn bắt muỗi. Mưa rét, Thầy vẫn lội ra bờ suối vớt bọ gậy.

LTS: GS Đặng Văn Ngữ (1910 – 1967) là bác sĩ nổi tiếng của nền y học nước nhà, người đặt nền móng cho ngành ký sinh trùng y học. Ông được giới y học trên thế giới biết đến khi phát hiện ra loài sán Clonorchis sinensis có thể ký sinh ở tụy. Phát hiện này đã gây một tiếng vang lớn ở Việt Nam và trên thế giới.

Nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982), xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả những hồi ức ít biết về tính cách, con người của GS Đặng Văn Ngữ qua lời kể của người học trò PGS.TS Phạm Văn Thân, nguyên Trưởng bộ môn Ký sinh trùng (Đại học Y Hà Nội).

GS Đặng Văn Ngữ - người thầy kỳ lạ 'bắt' học trò gọi bằng anh, không ngại lội suối, vào chuồng bò bắt muỗi - Ảnh 1.

Ngọc Minh: Có một điều rất thú vị mà tôi biết là GS Đặng Văn Ngữ "bắt" học trò gọi giáo sư là anh?

PGS Phạm Văn Thân: Khi tôi về bộ môn, thấy các trợ lý trẻ phụ giúp cho Thầy gọi Thầy là anh nên tôi có chút giật mình. Sau đó, tôi đi hỏi mới biết Thầy "bắt" mọi người phải gọi như vậy. Thầy không muốn học trò xa cách với mình. Khi học trò gọi Thầy bằng anh, họ mới dám hỏi bộc lộ ra cái dốt, như vậy sẽ nhanh tiến bộ.

Dù Thầy "bắt" mọi người gọi bằng anh, nhưng tôi thì vẫn rất "ngượng" miệng. Tôi sợ bị Thầy "mắng" thật, nhưng không thể gọi Thầy bằng anh được.

Ngọc Minh: Khi làm việc với một vị giáo sư gần gũi như vậy chắc hẳn ông sẽ không có quá nhiều áp lực?

PGS Phạm Văn Thân: Thầy muốn học trò gọi là anh để gần gũi, tiện cho việc học hỏi. Nhưng trong công việc thì lại khác, Thầy là người cực kỳ nghiêm khắc, làm việc rất khoa học, làm phải ra làm.

Khi tới nơi làm việc thì Thầy luôn tập trung làm cho thật chỉnh chu. Nếu làm việc không tập trung, chăm chỉ, Thầy sẽ uốn nắn cho đến nơi tới chốn.

Thời đó, Thầy vừa làm việc ở Trường Đại học Y vừa làm ở Viện sốt rét ký sinh trùng nên thường phải di chuyển đi đi về về. Mỗi lần Thầy tới trường, nghe tiếng xe ô tô của Thầy từ cổng là chúng tôi phải chấn chỉnh tác phong ngồi ngay vào làm việc.

Thầy hòa đồng nhưng không hề xuề xòa, có những lỗi trong làm kỹ thuật, làm nghiên cứu khoa học, làm sai Thầy đã nhắc nhưng lần sau vẫn mắc phải thì Thầy nói rất nghiêm khắc. Thầy không phải là người nói to tiếng, quát lớn, nhưng khi Thầy "nóng" – (tức giận) nói câu nào sẽ sâu sắc câu đó, nhớ cho tới tận già.

Khi làm việc với Thầy, lúc đầu tôi còn trẻ cũng sợ, lo lắng sai sẽ bị Thầy mắng. Tất cả chúng tôi hiểu Thầy có mắng cũng là yêu thương học trò, muốn học trò tiến bộ lên.

GS Đặng Văn Ngữ - người thầy kỳ lạ 'bắt' học trò gọi bằng anh, không ngại lội suối, vào chuồng bò bắt muỗi - Ảnh 2.

Ngọc Minh: Tôi nghe nói dù yêu thương học trò, nhưng giáo sư Ngữ rất nghiêm khi học trò vi phạm những quy tắc, quy định?

PGS Phạm Văn Thân: Tôi hiếm thấy ai ở vị trí Thầy lại yêu thương học trò của mình tới vậy. Tuy rất thương trò nhưng làm sai nguyên tắc Thầy cũng mắng cho té tát.

Thời điểm đó, chiến tranh nên chúng tôi thường phải đi sơ tán. Tôi nhớ có lần chúng tôi đi lên Bắc Thái (nay là Thái Nguyên và Bắc Cạn - PV) ở nhà sàn, trên ngủ, dưới nuôi trâu, bò, gà, lợn… Có rất nhiều bọ chó, bọ chét, bọ nhảy, chúng tôi và sinh viên bị cắn tới mức mất ăn, mất ngủ. Lúc đó, chúng tôi cũng tìm mọi cách để hạn chế được bọ chét như dọn dẹp vệ sinh nhưng không hạn chế được.

Do thương sinh viên và cán bộ, trưởng nhóm của chúng tôi bác sĩ Phạm Hoàng Thế có lấy một loại hóa chất diệt côn trùng (DDT) phun vào chuồng trâu, bò, gà, vịt để diệt bọ chét.

Tin này tới tai Thầy Ngữ trong một cuộc họp bộ môn. Thầy mang chuyện lấy hóa chất DDT để diệt bọ chét ra để nghiêm khắc phê bình rất nặng và nhắc nhở. Thầy tỏ ra rất bực và tức giận. Thầy nói chúng tôi rất nặng lời vì chúng tôi đã vi phạm một nguyên tắc rất lớn của Bộ Y tế. Lúc đó, tôi chỉ còn nước "độn thổ, thăng thiên" vì sợ.

Vì hóa chất DDT theo quy định của nhà nước lúc bấy giờ chỉ dành để diệt muỗi sốt rét (loại muỗi khiến nhiều người tử vong vì bệnh sốt rét). Hoá chất DDT là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống sốt rét.

Thầy nói: "Ai cho các anh mang hóa chất DDT ra phun để diệt bọ chét. Giờ đem hóa chất diệt bọ chét thì muỗi truyền sốt rét dễ kháng thuốc DTT".

Khi Thầy nói vậy tất cả mọi người đều im lặng. Tôi cảm thấy bủn rủn vì không lường tới hậu quả về sau này. Từ đó mọi người ai nấy răm rắp, không làm trái lời Thầy dặn bất cứ việc gì.

GS Đặng Văn Ngữ - người thầy kỳ lạ 'bắt' học trò gọi bằng anh, không ngại lội suối, vào chuồng bò bắt muỗi - Ảnh 3.

Ngọc Minh: Khi nhắc tới GS Đặng Văn Ngữ mọi người sẽ nhớ ngay tới thuốc kháng sinh Penicillin, nhớ tới danh hiệu người tìm ra nhiều loại ký sinh trùng, nghiên cứu vắc xin phòng sốt rét. Còn ông, ông nhớ gì nhất về giáo sư?

PGS Phạm Văn Thân: Thầy Ngữ là một nhà khoa học, đồng thời là một nhà bác học về Y; nhà nghiên cứu cực kỳ giỏi về ký sinh trùng, sinh học, vi trùng, hoá sinh… và là một người Thầy đáng kính.

Điều mà tôi vẫn luôn nể phục Thầy chính là thái độ làm việc rất nghiêm túc. Thầy là một người tỉ mỉ chính xác, không nề hà khó khăn, bẩn thỉu, lây nhiễm bệnh.

GS Đặng Văn Ngữ - người thầy kỳ lạ 'bắt' học trò gọi bằng anh, không ngại lội suối, vào chuồng bò bắt muỗi - Ảnh 4.

Khi từ vùng kháng chiến về tiếp quản Trường Đại học Y Hà Nội, thiếu giáo viên nên nên Thầy không chỉ dạy chuyên ngành ký sinh trùng, còn dạy sinh lý, sinh vật… Thầy Ngữ là người đầu tiên yêu cầu phải dạy toán thống kê cho sinh viên Đại học Y Hà Nội. Thầy muốn sinh viên và cán bộ giỏi khoa học cơ bản, làm nghiên cứu tốt thì phải biết thêm toán thống kê.

Khi dạy học trò và đồng nghiệp, Thầy cũng luôn yêu cầu trước tiên khi xét nghiệm con gì hoặc xét nghiệm bệnh phẩm (máu, phân, đờm, nước tiểu…) thì phải quan sát bằng mắt, tay và các giác quan khác, sau đó mới dùng tới máy móc. Thầy nói: "Kính hiển vi của người làm ký sinh trùng trước tiên chính là mắt. Phải dùng mắt quan sát là con gì, đặc điểm và tính chất ra sao, màu sắc như thế nào, sau đó mới phẫu tích rồi mới dùng tới kính lúp cuối cùng là kính hiển vi".

Ngọc Minh: Muốn tìm gặp giáo sư Ngữ, thường mọi người nói rằng họ chỉ cần tới hai nơi: labo nghiên cứu/phòng xét nghiệm và nơi chăn nuôi súc vật. Có phải vậy không?

PGS Phạm Văn Thân: Thầy là một người rất đam mê nghiên cứu, và luôn đau đáu làm vắc xin sốt rét. Vì vậy, tìm Thầy vào ban ngày chỉ cần đến labo hoặc trên giảng đường. Còn ban đêm Thầy sẽ vào chuồng trâu, chuồng bò soi đèn bắt muỗi. Hay như trời mưa rét, Thầy vẫn lội ra bờ suối để vớt bọ gậy. Thầy làm việc một cách rất say sưa không để ý người khác nhìn vào mình.

Có lần, Thầy nghe tin nông dân ở vùng Nam Định lội ruộng bị viêm, ngứa chân rất nhiều. Thầy nghi ngờ nguyên nhân có thể do một loại ký sinh trùng hoặc vi trùng nào đó gây ra. Thầy đã tới tận nơi xắn quần lội xuống ruộng để thử xem. Sau này, Thầy và các cộng sự cũng tìm ra được con sán máng vịt gây phù chân, viêm chân, ngứa cho người dân và dạy họ cách cách phòng bệnh.

GS Đặng Văn Ngữ - người thầy kỳ lạ 'bắt' học trò gọi bằng anh, không ngại lội suối, vào chuồng bò bắt muỗi - Ảnh 5.

Ngọc Minh: Ký sinh trùng là một chuyên ngành vất vả và ít danh tiếng, ông cũng từng không muốn theo. Khi làm việc với GS Đặng Văn Ngữ, ông đã thay đổi như thế nào?

PGS Phạm Văn Thân: Đúng là khi được biết mình được phân về học chuyên khoa ký sinh trùng, tôi không muốn theo. Nhưng khi được học và làm việc với Thầy Ngữ, tôi càng thấy nể phục Thầy, yêu tâm và yêu nghề dần.

Tôi tự hỏi mình: Từ năm 1936 Thầy đã tự nguyện vào bộ môn ký sinh trùng tại Trường Y Khoa Đông Dương (tiền thân của trường Đại học Y Hà Nội). Sau này, Thầy được đi học tại Nhật, làm với người Nhật, người Mỹ. Đáng ra ở vị trí như Thầy khi về nước sẽ có cơ hội kiếm được nhiều tiền và dễ nổi tiếng hơn, nhưng Thầy vẫn theo đuổi ngành ký sinh trùng. Tôi tự suy nghĩ kỹ lại và quyết tâm theo học Thầy.

Ngọc Minh: Điều gì khiến ông nể phục nhất ở giáo sư Đặng Văn Ngữ?

PGS Phạm Văn Thân: Tôi nể phục Thầy rất nhiều thứ. Nhưng đặc biệt là tính nhân đạo, yêu nước của một người trí thức. Thầy học và làm ở Nhật Bản, có rất nhiều cơ hội phát triển, nhưng bỏ dở việc nghiên cứu để về tham gia phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp.

Ký sinh trùng là ngành học và làm rất vất vả, khổ cực lên rừng xuống biển, hàng ngày tiếp xúc với phân, côn trùng, bọ chét, muỗi, ruồi nhặng… không phải ai cũng muốn học. Thầy thương người dân bần hàn nên mới sẵn sàng chịu khó, chịu khổ. Chúng tôi vẫn luôn gọi vui GS Ngữ là "Thầy thuốc chân đất", không ngại leo núi, xuống ruộng, thức đêm vào chuồng gia súc.

Từ Nhật về Thầy đã nghĩ ngay ra việc chế tạo thuốc Penicillin (một loại kháng sinh) cứu chữa cho thương binh và những người bệnh, góp phần thành công cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Và sau này, Thầy đã thành lập Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương vì trên 80% người dân Việt Nam nhiễm bệnh ký sinh trùng lúc bấy giờ.

Ở Việt Nam có nhiều bệnh ký sinh trùng nhưng bệnh sốt rét là bệnh gây tác hại nhất cho sức khỏe của bộ đội và dân chúng, tác hại tới kinh tế xã hội nên Thầy muốn tìm một phương pháp phòng chống sốt rét có hiệu quả hơn. Thầy đã nghĩ tới việc nghiên cứu vắc xin phòng sốt rét.

Để bắt được muỗi, đêm hôm Thầy và nhóm nghiên cứu vào rừng làm mồi cho muỗi đốt rồi bắt. Mỗi khi Thầy bắt được muỗi về, Thầy thường vui lắm. Lúc đó, Thầy lại vào phòng thí nghiệm dùng kim bóc tách để quan sát nghiên cứu tỉ mỉ, ghi chép.

Ở Thầy, tôi thấy được sự tôn sư trọng đạo với người đã từng dạy mình. Tôi nhớ lần Thầy tìm ra được một loại muỗi mới tại Quảng Ninh, đặt tên là Anopheles Galliard (Galliard là Hiệu trưởng Đại học Y Khoa Đông Dương). Ông Galliard cho rằng nên đặt tên là Anopheles Ngữ, nhưng Thầy Ngữ không chịu. Và sau đó hai Thầy trò đã đặt tên là muỗi Anopheles Galliard et Ngữ. Hiện nay, theo thống nhất, quốc tế đã đổi tên thành A.alongensis (VENHUIS,1940).

Đối với học trò, Thầy luôn tận tâm hết mực chỉ dạy. Đối với gia đình, dù vợ mất sớm nhưng Thầy vẫn thờ vợ, nuôi các con và không đi bước nữa.

GS Đặng Văn Ngữ - người thầy kỳ lạ 'bắt' học trò gọi bằng anh, không ngại lội suối, vào chuồng bò bắt muỗi - Ảnh 6.

PGS.TS Phạm Văn Thân thắp hương cho Thầy Đặng Văn Ngữ. Ảnh: NVCC

Ngọc Minh: Để nghiên cứu vắc xin sốt rét, có phải giáo sư Ngữ đã tiêm thử nghiệm trên chính cơ thể mình?

PGS Phạm Văn Thân: Cách đây gần 60 năm, Thầy Ngữ đã nghĩ ra cách làm vắc xin sốt rét từ kháng nguyên (ký sinh trùng sốt rét)... Mới đây, tôi thấy Tổ chức Y tế Thế giới cũng làm như cách Thầy Ngữ đã làm để tạo ra vắc xin sốt rét và hiện đang tiêm ở các nước Châu Phi và có kết quả.

Để có một kháng nguyên đặc hiệu, Thầy nghiên cứu rất kỹ về vi sinh, hóa sinh, miễn dịch. Sau khi tìm tòi, Thầy phát hiện  kháng nguyên tốt nhất là ký sinh trùng sốt rét trong tuyến nước bọt của muỗi (thoa trùng). Thầy và đoàn nghiên cứu đã đi vào những vùng có sốt rét nặng để bắt và mổ muỗi lấy được thoa trùng làm kháng nguyên (vắc xin).

Vì không biết vắc xin vừa làm (kháng nguyên) có gây ra tác dụng nguy hiểm cho tính mạng không, Thầy đã tiêm vào cơ thể mình để thử phản ứng. Khi tiêm không gặp phản ứng, Thầy mới tiếp tục tiến tới bước thử với 2 nhóm: Một nhóm tiêm giả dược và một nhóm tiêm kháng nguyên. Nhóm tiêm kháng nguyên ít người mắc sốt rét, còn nhóm tiêm giả dược thì đều mắc và nặng.

Dù đã có sự thử nghiệm trên chính bản thân mình và nhóm nhỏ nghiên cứu, nhưng chưa đủ độ lớn để kết luận tác dụng của vắc xin vì số mẫu thử còn nhỏ. Do vậy, để có thể tiếp tục nghiên cứu với hy vọng sản xuất được vắc xin phòng chống sốt rét, Thầy đã xin đi B (vào chiến trường Thừa Thiên Huế) vùng có sốt rét rất nặng.

Khi Thầy đi B, cũng không nói rõ mục đích của chuyến đi ở đâu và bao lâu. Trước đó, chúng tôi chỉ nghe loáng thoáng, không dám hỏi trực tiếp Thầy. Khoảng ít lâu sau, chúng tôi nhận được tin dữ Thầy đã hy sinh, ai cũng xót xa và thương tiếc Thầy.

GS Đặng Văn Ngữ - người thầy kỳ lạ 'bắt' học trò gọi bằng anh, không ngại lội suối, vào chuồng bò bắt muỗi - Ảnh 7.

Ngọc Minh: Trong công việc, giáo sư Ngữ là người nghiêm khắc nhưng trong cuộc sống thì ra sao?

PGS Phạm Văn Thân: Thầy sống giản dị nhưng chỉn chu và liêm khiết, trong tất cả các giáo sư ngành Y thời đó mà tôi biết.

Cùng thời với Thầy, các giáo sư đầu ngành có biệt thự, villa cuộc sống  khá phong lưu. Còn thầy Ngữ chỉ ở nhà tập thể do trường phân, ăn bếp ăn tập thể. Đôi khi chúng tôi thấy tủi thân vì Thầy mình nghèo quá. Nhưng nghĩ kỹ lại thấy tự hào: Thầy mình là một Trí thức nghèo (Bần Nho) nhưng nhiều chữ (Hàn sĩ).

GS Đặng Văn Ngữ - người thầy kỳ lạ 'bắt' học trò gọi bằng anh, không ngại lội suối, vào chuồng bò bắt muỗi - Ảnh 8.

Sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng Thầy Ngữ vẫn rất quan tâm tới mọi người. Tôi nhớ lúc đi sơ tán, nước nấu ăn dùng là nước suối (chưa kịp đào giếng). Nên những đợt mưa lũ, nước suối đục nhiều cát và sạn nhưng vẫn phải dùng nước đó để nấu ăn. Mọi người ăn cơm có sạn và cát đều nhăn mặt, riêng Thầy Ngữ vẫn ăn 2 bát cơm như bình thường và đủng đỉnh đứng dậy không kêu ca một câu.

Sau đó, Thầy nghĩ cách giải quyết để có nguồn nước sạch để dùng. Về sau, chúng tôi cũng đào được giếng có nước sạch nấu ăn, ai cũng mừng.

Ngày đó, Thầy Ngữ thường ăn tập thể ở bếp ăn Viện sốt rét Ký sinh trùng. Khi ăn cùng mọi người, Thầy quan sát suất cơm của mình khác với mọi người, có nhiều thức ăn hơn. Thầy nhắc nhở cấp dưỡng: "Không được làm như thế, lính tráng có suất".

Ngọc Minh: Tôi nghe nói dù giản dị nhưng đi đâu giáo sư cũng vẫn phải tươm tất.

PGS Phạm Văn Thân: Đúng vậy, dù sống giản dị đi đâu quần áo của Thầy luôn gọn gàng. Tôi nhớ có lần quần Thầy bị rách lỗ chỗ vài nơi chưa kịp may vá, Thầy dùng băng keo phòng thí nghiệm dán lại dùng tạm. Quần áo Thầy mặc chỉ có vài bộ nhưng lúc nào cũng phẳng phiu, ngay cả khi không có người phụ nữ nâng khăn sửa áo.

Ngọc Minh: Thầy Ngữ còn là một người rất dí dỏm và tính ý.

PGS Phạm Văn Thân: Thầy đúng là một người tài giỏi và cũng rất tinh tế. Tôi nhớ có lần Thầy lên khu sơ tán họp bộ môn, ngay hôm đó vào buổi sáng nên ai cũng đói. Có gánh bán bánh sắn đi qua, Thầy gọi vào mua cho mỗi người 2 cái. Tôi ăn và một số người ăn hết suất, Thầy nhìn thấy cô Nguyễn Thị Minh Tâm ăn chỉ hết một chiếc bánh và còn lại một chiếc trên bàn. Cô Tâm thì to béo, ngồi cạnh cô Tâm là thầy Thế gầy gò. Thầy Ngữ nhắc cô Tâm ăn hết suất đi.

Lúc đó, thầy Thế mới nói đùa: "Chị Tâm người to nhưng bụng bé anh ạ". Thầy Ngữ cầm chiếc bánh sắn để sang chỗ thầy Thế, nói: "Vậy cậu người bé nhưng bụng to, ăn đi cho nó ngược lại". Tất cả mọi người phá lên cười vui vẻ.

Thầy nghiêm khắc là vậy nhưng rất tôn trọng cá tính của mọi người. Thầy Ngữ không hút thuốc lá, nhưng thời đó thì rất nhiều người hút thuốc. Thầy có nhắc mọi người: "Ai hút thuốc thì xuống sân hút, không hút trong phòng nghiên cứu". Lúc đó, GS Đỗ Dương Thái, phó chủ bộ môn và là trợ lý cho Thầy Ngữ cũng vui tính, có nói: "Vậy, thưa anh, anh cho em đứng dưới sân suốt cả ngày". Sau đó, Thầy Ngữ cười nói: "Thế thì tôi thua cậu rồi".

GS Đặng Văn Ngữ - người thầy kỳ lạ 'bắt' học trò gọi bằng anh, không ngại lội suối, vào chuồng bò bắt muỗi - Ảnh 9.

Ngọc Minh: Mọi người nói Thầy Ngữ không chỉ nghiêm khắc với học trò mà cả với con cái.

PGS Phạm Văn Thân: Tôi không rõ mọi người cảm nhận về Thầy ra sao. Nhưng trong những năm tôi được học tập và làm việc cùng Thầy, cảm nhận của tôi là Thầy rất yêu con, nghiêm và rất tôn trọng con.

Mọi người có kể lại với tôi có lần chị Quý (con gái thứ 3 của Thầy) đã lớn nhưng đi ngủ Thầy vẫn dùng tay mình làm gối đầu cho con. Mọi người đùa Thầy chiều con quá, Thầy nói: "Mẹ nó mất sớm, cái gì tôi làm thay được cho mẹ nó thì tôi cố gắng làm".

Thầy quyết chí nuôi dạy các con nên người. Có lần Cụ giáo Kế (anh cả của Thầy Ngữ) muốn Thầy từ bỏ Đại học Y Đông Dương về Huế để làm việc và phụng dưỡng cha mẹ. Thầy trả lời cụ Kế: "Em sẽ đền đáp công ơn cha mẹ bằng việc quyết nuôi dạy 3 con nên người".

Chuyện ấy đã trở thành hiện thực, các con của thầy đều học hành thành đạt, có người nổi tiếng trong nước và thế giới (Như Đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh, Nguyên Chủ tịch Hội điện ảnh VN, Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực Văn học Nghệ thuật năm 2007); Con gái Đặng Nguyệt Ánh, TS Điện tử hạt nhân ở Đức, đã từng là cộng tác viên khoa học tại Viện Dubna (Liên Xô cũ); Con út Đặng Nguyệt Quý đã học tại Đại học tổng hợp Leningrad (Liên Xô cũ).

Cảm ơn PGS.TS Phạm Văn Thân chúc ông có thật nhiều sức khoẻ!

GS Đặng Văn Ngữ - người thầy kỳ lạ 'bắt' học trò gọi bằng anh, không ngại lội suối, vào chuồng bò bắt muỗi - Ảnh 10.

Theo Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM