Grab tố Vinasun lợi dụng vụ kiện để khai thác bí mật kinh doanh, cố tình trì hoãn ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực vận tải

18/10/2018 10:45 AM | Kinh doanh

Sau khi tạm hoãn xét xử ngày 24/9, đến ngày 17/10, Tòa án nhân dân TPHCM đã tiếp tục đưa vụ kiện giữa Vinasun và Grab ra xét xử.

Grab yêu cầu tạm hoãn phiên tòa do vắng công ty giám định thiệt hại

Tại phiên tòa 17/10, luật sư của Grab một lần nữa yêu cầu tạm hoãn phiên tòa do sự vắng mặt của một nhân chứng quan trọng là Công ty Cổ phần Thẩm định - Giám định Cửu Long, công ty giám định độc lập do tòa chỉ định.

Theo Grab, sự có mặt của Cửu Long là vô cùng quan trọng nếu tòa sử dụng báo cáo giám định thiệt hại của công ty này làm cơ sở pháp lý cho cáo buộc đòi bồi thường thiệt hại (nếu có cơ sở) của Vinasun. Grab cho rằng, báo cáo của Cửu Long chứa đựng rất nhiều khái niệm sai lầm, giả thuyết mơ hồ và phương thức tính toán sai lệch mà công ty Cửu Long sử dụng để tính toán thiệt hại, và Cửu Long cần có mặt để tòa và các bên có thể chất vấn đại diện Cửu Long, người thực hiện báo cáo giám định, để đảm bảo quyền hợp pháp của Grab cũng như đảm bảo tính đúng đắn và công bằng của việc xét xử.

Grab: Vinasun đặc biệt tò mò về hoạt động kinh doanh của Grab

Trong phiên xử ngày 17/10, luật sư đại diện của Vinasun đã chất vấn Grab. Tuy nhiên, dựa trên đa số câu hỏi của phía luật sư của Vinasun, Grab tỏ ra quan ngại đối với các vấn đề chất vấn đặt ra cho Grab, ví dụ như về chính sách bảo mật dữ liệu, hoàn toàn không liên quan đến thiệt hại mà Vinasun cáo buộc đã gây ra cho hoạt động kinh doanh của Vinasun. "Rõ ràng phía Vinasun đặc biệt tò mò về hoạt động kinh doanh của Grab và cách Grab hoạt động như một nền tảng công nghệ kết nối các hợp tác xã, đối tác tài xế và khách hàng", Grab nhận định.

Theo Grab, những thông tin này là bảo mật và không nên được chia sẻ tại một phiên xử công khai của tòa án, đặc biệt là khi chúng không có liên quan đến vụ kiện của Vinasun.

"Chúng tôi rất mong tòa xem xét đến tầm quan trọng của bảo mật kinh doanh và không cho phép những thông tin này được sử dụng như một công cụ để tiết lộ bí mật thương mại mà không xem xét, xác minh về sự liên quan giữa các câu hỏi và vụ việc đang xét xử. Nếu không, việc này sẽ gây hoang mang cho các nhà đầu tư về môi trường cạnh tranh tại Việt Nam, khi một công ty có thể sử dụng hệ thống tư pháp để ép buộc đối thủ của họ trình bày tất cả nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh trước công chúng", Grab nói.

Grab tố Vinasun cố tình làm trì hoãn việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh vận tải

Grab nhận định, phía Vinasun hiểu rằng Chính phủ và người dân đều ủng hộ lợi ích của xe hợp đồng điện tử, và Grab tin rằng phiên tòa này không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu Vinasun cố tình làm trì hoãn việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh vận tải và ảnh hưởng đến chính sách của ngành xe hợp đồng điện tử vì lợi ích riêng của mình.

Dựa trên diễn biến phiên xử 17/10, Grab cho rằng phiên tòa đã không đơn thuần chỉ là một vụ tranh chấp cáo buộc đòi bồi thường do bị sụt giảm lợi nhuận mà Vinasun khởi xướng chống lại Grab. Theo Grab, phiên tòa đang hướng đến mục tiêu xem xét lại hoạt động xe hợp đồng điện tử theo Đề án 24 - một đề án thí điểm thành công đã được Chính phủ cấp phép, chấp thuận và gia hạn, đồng thời nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của người dân.

"Nếu kết quả cuối cùng lại trở thành cơ hội để tòa án tham gia vào việc xác định khung pháp lý cho xe hợp đồng điện tử, vốn là quyền hành pháp thuộc các cơ quan Chính phủ có liên quan, phiên tòa này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu để nhiều công ty theo đuổi việc kiện tụng nhằm ngăn chặn sự tiếp nhận và phát triển cái mới, đồng thời cũng gây ra tiền lệ xấu cho môi trường đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong thời đại công nghệ. Đây là một phép thử để biết Việt Nam liệu đã sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0 hay chưa", Grab nói.

Hà My

Từ khóa:  taxi , vinasun , grab
Cùng chuyên mục
XEM