Grab sắp sửa ra mắt dịch vụ đi chung xe đạp ở Đông Nam Á?
Không chỉ có dịch vụ vận chuyển bằng xe máy và ô tô, mà Grab có vẻ như sắp sửa ra mắt dịch vụ đi chung xe đạp. Theo phân tích, dịch vụ đi chung xe đạp của Grab rất khả thi, đặc biệt là với việc Grab đang đầu tư mạnh vào xe đạp oBike.
Theo Tech Crunch, tuần trước, một cư dân ở Singapore đã chia sẻ những bức ảnh về xe đạp Grab Cycle – mang logo oBike – được đưa lên một xe tải. Hiện tại, Grab từ chối bình luận khi được hỏi về việc tích hợp hai dịch vụ, tuy nhiên sẽ không phải là quá ngạc nhiên vì Grab là nhà đầu tư của oBike. Và việc Grab ra dịch vụ đi chung xe đạp là điều có thể xảy ra.
Tuyên bố đưa ra mới đây còn cho biết oBike sẽ tích hợp GrabPay, dịch vụ thanh toán di động của Grab, vào ứng dụng oBike. “Hai công ty công nghệ cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau trong nhiều sáng kiến chung nữa, để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông theo yêu cầu tại Singapore. Chi tiết của những sáng kiến này sẽ được tiết lộ trong những tuần tới”, oBike nói trong tuyên bố.
Có vẻ mối tích hợp này sẽ diễn ra đầu tiên tại Singapore, nhưng oBike hiện đã có mặt ở nhiều thị trường Đông Nam Á khác, vì vậy khả năng cao là dịch vụ đi chung xe đạp của Grab sẽ mở rộng.
oBike đã gây được 50 triệu USD từ các nhà đầu tư và tuyên bố đã có 10 triệu người dùng. Tuy nhiên, những con số ấn tượng trên đều trở nên bình thường khi so với các "con kỳ lân" (tên gọi về những startup xuất sắc có giá trị trên 1 tỷ USD) Trung Quốc là Ofo và Mobike, hay công ty đã gọi được gần 2 tỷ USD vốn và mở rộng đến 200 thành phố trên thế giới.
Theo Tech Crunch, sự kết nối chặt chẽ của Grab với oBike diễn ra với xu hướng các công ty đi chung xe sử dụng cả phương tiện vận chuyển là xe đạp, và dịch vụ này thực sự thú vị ở một số khía cạnh.
Chẳng hạn, oBkie sẽ cạnh tranh với Ofo và Mobike, trong khi chính Ofo lại được Didi Chuxing chống lưng…, và Didi Chuxing lại cũng là một nhà đầu tư của Grab. Mối quan hệ Didi-Ofo không được tốt lắm, khi tuần qua Didi ra mắt một dịch vụ sẽ đe dọa đến Ofo.
Hiện tại Uber vẫn chưa cung cấp dịch vụ chia sẻ xe đạp, nhưng người đứng đầu Uber châu Á từng nói rằng hãng đang tìm kiếm các lựa chọn trong lĩnh vực này.
Gần đây, Uber đã nhận được khoản đầu tư lớn từ SoftBank, biến SoftBank trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Uber. Với diễn biến này, SoftBank đang có những động thái để Uber rút khỏi các thị trường châu Á , và tập trung vào các thị trường khác như Mỹ, châu Âu, Mỹ Latin và Australia. Chiến lược này được cho là có lợi cho SoftBank. Bởi vì SoftBank cũng đầu tư rất mạnh vào các đối thủ của Uber ở châu Á, đặc biệt là Grab. Nếu Uber rút khỏi thị trường châu Á, đó sẽ là một bước chuyển biến lớn của hãng dịch vụ đi chung xe này.