Grab ra mắt GrabKitchen, mô hình bếp tập trung đa thương hiệu kết hợp offline và online đầu tiên tại Việt Nam
Với dịch vụ GrabKitchen, Grab đã giải được bài toán mà chưa công ty chuyên về dịch vụ giao nhận thức ăn nào ở Việt Nam làm được: khách hàng có thể đặt nhiều món trong một đơn hàng mà không đợi quá lâu hoặc tốn vài lần tiền ship.
Sau Indonesia, Việt Nam là thị trường thứ 2 được Grab triển khai mô hình GrabKitchen, được thúc đẩy từ sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ giao nhận thức ăn GrabFood và mục tiêu phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dùng.
GrabKitchen là gì?
GrabKitchen được triển khai lần đầu tại Indonesia vào tháng 9/2018 và tới tháng 4/2019, nó được chính thức đưa vào hoạt động, 6 tháng sau, tức vào tháng 10/2019, Grab đã phát triển được 10 GrabKitchen tại những địa phương khác nhau tại Indonesia. Dự kiến, vào cuối năm 2019, số lượng GrabKitchen tại Indonesia sẽ lên con số 50. Việt Nam là quốc gia thứ 2 được Grab cho ra mắt dịch vụ này.
Trước đây, Now từng có dịch vụ Now Station, nhưng đây giống như hình thức chợ phiên - lâu lâu mới họp một lần, chứ không phải mô hình bếp tập trung như GrabKitchen.
Nôm na, GrabKitchen là mô hình bếp tập trung đa thương hiệu kết hợp offline và online đầu tiên tại Việt Nam. GrabKitchen đầu tiên của Grab tọa lạc tại quận Thủ Đức, doanh nghiệp này đã thuê/mua lại một mặt bằng, sau đó xây dựng nên một khu bếp và mời khoảng 13 thương hiệu về ẩm thực - có cả thức ăn và thức uống, đến nấu trực tiếp tại đó.
Đầu tiên, vì sao lại là Thủ Đức chứ không phải một quận trung tâm nào khác? "Chúng tôi chọn Thủ Đức vì theo những dữ liệu mà Grab thu thập được thì đơn hàng và yêu cầu về gọi thức ăn nhanh ở đây rất lớn, nhờ lượng khách hàng trẻ từ rất nhiều trường đại học tọa lạc tại đây", ông Jerry Lim – Giám đốc Grab Việt Nam cho biết.
Với GrabKitchen, người dùng có thể đặt 4 thức ăn và thức uống chỉ trong 1 đơn hàng.
Thứ hai, với dịch vụ mới này, Grab đã giải được bài toán mà chưa công ty chuyên về dịch vụ giao nhận thức ăn nào ở Việt Nam làm được: khách hàng có thể đặt nhiều món trong một đơn hàng mà không đợi quá lâu hoặc tốn vài lần tiền ship. GrabKitchen sẽ hoạt động từ 8h sáng đến 10 giờ tối.
Với mô hình GrabFood, khách hàng không thể đặt 2 thương hiệu thức ăn và đồ uống khác nhau trong 1 đơn hàng mà phải đặt 2 đơn, tức là phải chờ đợi rất lâu và tốn 2 lần tiền ship. Mà kể cả khách hàng có thể đặt nhiều món ăn trong 1 đơn của GrabFood, thì cũng phải đợi rất lâu mới nhận được hàng, vì tài xế phải chạy đi nhiều địa điểm để lấy hàng.
Trách nhiệm và quyền lợi của Grab, các đối tác và khách hàng từ GrabKitchen
Như chia sẻ của Grab, khi ra mắt dịch vụ mới này, họ không làm miễn phí mà ăn chia với các thương hiệu dựa trên doanh thu mà doanh nghiệp thu về, tuy nhiên họ lại không chịu tiết lộ phần trăm cụ thể đó là bao nhiêu.
Trách nhiệm của Grab là dùng công nghệ như big data, AI, cloud…mà họ đang phát triển cho GrabFood để tối ưu công suất hoạt động của đối tác nhà hàng/quán ăn và tài xế, cũng như giúp khách hàng có trải nghiệm dịch vụ cá nhân hóa nhiều nhất có thể, thời gian chờ đợi thức ăn ít hơn và số tiền trả cho dịch vụ rẻ hơn bình thường.
Tuy nhiên, không phải ai cũng được tham gia vào GrabKitchen mà Grab chỉ mời những thương hiệu có món ăn độc đáo, thương hiệu có nhiều yêu cầu và được khách hàng của Grab ưa chuộng, có quy trình nấu ăn chuẩn… và khi các thương hiệu đã chấp nhận tham gia vào GrabKitchen họ sẽ bị Grab kiếm soát chất lượng cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Với những nhà hàng/cửa hàng tham gia vào GrabKitchen, họ chỉ đến bếp tập trung để nấu ăn, còn những việc còn lại như marketing – sale hay logistic đã có Grab lo. Các thương hiệu ẩm thực sẽ tự sắm những dụng cụ trong nhà bếp mà Grab giao, sau đó mỗi đơn vị sẽ được Grab cung cấp một máy POS, các cửa hàng cứ dựa vào những đơn hàng tức thời mà máy POS nhả ra để ra món ăn, chờ các tài xế đến lấy.
1 căn bếp của một cửa hàng trong GrabKitchen tại Thủ Đức.
"Mình chỉ lo vòng trong, tức là nấu ăn và ra món thôi, còn vòng ngoài – như mặt bằng, giao hàng…đã có Grab lo. Khó khăn là chúng tôi sẽ bị Grab kiểm soát chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm rất chặt chẽ.
Nhưng thật ra, nghĩ lại với tôi là điều tốt. Tôi muốn ai đó kiểm soát mình, để mình không lơ là ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Muốn đi đường dài hay phát triển bền vững thì chất lượng sản phẩm phải luôn giữ vững", chị Phương Mai, chủ thương hiệu cơm văn phòng Rio chia sẻ.
Còn với đối tác tài xế, dịch vụ GrabKitchen sẽ giúp thời gian giao nhận của họ nhanh hơn 33% so với bình thường.
Cuối cùng, khi sử dụng GrabKitchen, người dùng có thể đặt cùng lúc nhiều món ăn từ nhiều thương hiệu khác nhau chỉ qua 1 đơn hàng, thời gian nhận món sẽ nhanh hơn – bảo đảm trong 30 phút như GrabFood và rẻ hơn, khi chỉ tốn 1 lần tiền ship.
Vào năm 2020, GrabKitchen sẽ có mặt ở Hà Nội và Đà Nẵng
Cũng theo ông Jerry Lim, thật ra GrabKitchen đã chạy thử nghiệm được khoảng 1 tháng và nhận được phản hồi rất tốt. Thế nên, doanh nghiệp này mới nhanh chóng đưa GrabKitchen vào hoạt động chính thức trên app của Grab.
Trong năm 2019, Grab sẽ chỉ tập trung phát triển mô hình GrabKitchen ở TP. HCM, sau Thủ Đức sẽ đến những quận có nhiều yêu cầu về giao nhận thức ăn hoặc thích đặt combo khác. Phải đến năm 2020, họ mới mở rộng thị trường ra Hà Nội và Đà Nẵng, 2 thành phố cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai dịch vụ này.