Grab lên tiếng về quyết định điều tra bổ sung vụ việc thâu tóm Uber
Grab cho rằng, giao dịch mua lại Uber đã được tham vấn một cách cẩn trọng với các chuyên gia pháp lý và không vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Công ty này cho rằng, điểm mấu chốt có thể nằm ở sự khác biệt trong cách hiểu và giải thích giữa các bên.
Ngày 1/2 vừa qua, Hội đồng cạnh tranh đã có quyết định về việc trả lại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương hồ sơ vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi tập trung kinh tế của các bên bị điều tra, là Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam.
Sau khi nhận được thông tin này, phía Grab đã lên tiếng. Theo đó, Grab đã tiến hành giao dịch với Uber với sự tin tưởng rằng việc thực hiện giao dịch này là không vi phạm pháp luật về cạnh tranh sau khi tham vấn một cách cẩn trọng với các chuyên gia pháp lý.
Theo Grab, điểm mấu chốt có thể nằm ở sự khác biệt trong cách hiểu và giải thích của cơ quan quản lý cạnh tranh và của Grab về thị trường liên quan cũng như những đặc điểm cấu thành một thị trường cạnh tranh.
Grab đánh giá, cho đến nay, sự năng động và cạnh tranh của thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể, với hàng loạt các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia, giới thiệu thêm nhiều ứng dụng nhằm thúc đẩy tiềm năng của thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam.
Grab khẳng định, công ty vẫn luôn hợp tác đầy đủ với các cơ quan quản lý cạnh tranh trong quá trình điều tra. Trong các buổi làm việc, Grab luôn mong muốn các cơ quan chức năng sẽ xem xét đến sự hấp dẫn và năng động không ngừng của thị trường Việt Nam, nơi sự lựa chọn về phương thức di chuyển luôn nằm trong tay người tiêu dùng. Những sự lựa chọn đó có thể là giao thông công cộng, vẫy taxi trên đường, đặt xe các dịch vụ kết nối hoặc các ứng dụng gọi xe khác. Còn các đối tác tài xế tiếp tục có thể lựa chọn chuyển sang tham gia các công ty khác nếu họ cảm thấy cơ hội gia tăng thu nhập không được đảm bảo.
Trước đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã xác định vụ việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm: Hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh và hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh.
Hồi tháng 3/2018, Grab đã công bố thông tin về việc mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, Grab sẽ tiếp nhận mảng dịch vụ chia sẻ xe và vận chuyển thực phẩm trong khu vực Đông Nam Á vào hệ thống vận tải đa phương tiện và nền tảng công nghệ của Grab. Đổi lại, Uber trở thành cổ đông sở hữu 27,5% tổng số cổ phần của Grab.