'Gót chân A-sin' của Bitcoin hóa ra lại là tính năng tuyệt vời nhất của nó
Tiền điện tử phụ thuộc vào tính toàn vẹn của blockchain, nhưng các cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc, FBI hoặc các tập đoàn quyền lực có thể khiến nó rơi vào quên lãng.
Các nhà nghiên cứu bảo mật gần đây đã phát hiện ra việc một mạng botnet sử dụng biện pháp bảo vệ mới, chống lại các đòn tấn công nhằm hạ bệ chúng. Thông thường, các nhà chức trách có thể vô hiệu hóa mạng botnet bằng cách chiếm quyền điều khiển máy chủ của nó. Không có nơi nào để đưa ra định hướng, botnet sẽ trở nên vô dụng. Trong những năm qua, các nhà thiết kế mạng botnet đã nghĩ ra nhiều cách để khiến các cuộc phản công này trở nên khó khăn hơn. Và một trong những biện pháp mới đáng kinh ngạc được phát hiện gần đây là việc một mạng botnet đã sử dụng sổ cái của chuỗi khối Bitcoin. Vì blockchain có thể truy cập toàn cầu và rất khó bị gỡ xuống nên các nhà khai thác mạng botnet dường như rất an toàn.
Để có thể giải thích một cách đơn giản thì blockchains là một loại "sổ cái phân tán", bản ghi của tất cả các giao dịch kể từ khi bắt đầu, và mọi người sử dụng blockchain cần phải có quyền truy cập và tham chiếu thông qua một bản sao của nó. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó đưa tài liệu bất hợp pháp vào chuỗi khối blockchain? Điều đó có thể xảy ra vì mọi người đều có một bản sao của nó, hoặc khi hệ thống bảo mật của blockchain không còn vững chắc.
Công bằng mà nói, không phải tất cả mọi người sử dụng blockchain đều nắm giữ một bản sao của toàn bộ sổ cái. Nhiều người mua tiền điện tử như Bitcoin và Ethereum không bận tâm đến việc sử dụng sổ cái để xác minh giao dịch mua của họ. Nhiều người không thực sự nắm giữ tiền ảo một cách hoàn toàn, và thay vào đó họ tin tưởng một sàn giao dịch để thực hiện các giao dịch và giữ tiền. Nhưng mọi người cần liên tục xác minh lịch sử của blockchain trên sổ cái để hệ thống được bảo mật. Nếu họ dừng lại, thì việc giả mạo tiền kỹ thuật số sẽ trở nên đơn giản. Đó là cách hệ thống hoạt động.
Vài năm trước, mọi người bắt đầu chú ý đến tất cả những thứ được nhúng trong chuỗi khối Bitcoin. Có những hình ảnh kỹ thuật số, bao gồm một của Nelson Mandela. Có logo Bitcoin và bài báo gốc mô tả Bitcoin của người được cho là sáng lập ra nó, có nghệ danh Satoshi Nakamoto. Có những quảng cáo, và một số lời cầu nguyện. Thậm chí còn có nội dung khiêu dâm bất hợp pháp và các tài liệu mật bị rò rỉ. Tất cả những thứ này đều được đưa vào bởi những người dùng Bitcoin ẩn danh. Cho đến nay, không điều gì trong số này có vẻ sẽ đe dọa nghiêm trọng những người nắm quyền trong các chính phủ và tập đoàn.
Nhưng một khi ai đó thêm thứ gì đó vào sổ cái Bitcoin, nó sẽ trở thành bất khả xâm phạm. Việc loại bỏ một thứ gì đó yêu cầu một nhánh của chuỗi khối, trong đó Bitcoin phân mảnh thành nhiều loại tiền điện tử song song (và các chuỗi khối được liên kết). Hiện tượng này gọi là "fork". Nó từng xảy ra, nhưng chưa bao giờ vì sự ép buộc của pháp luật. Và việc fork lặp đi lặp lại sẽ phá hủy tầm vóc của Bitcoin như một loại tiền tệ ổn định.
Các nhà thiết kế của mạng botnet đang sử dụng ý tưởng này để tạo ra một phương tiện phối hợp không thể ngăn chặn, nhưng tác động của hành động này còn lớn hơn thế nhiều. Hãy tưởng tượng ai đó sử dụng ý tưởng này để trốn tránh sự kiểm duyệt của chính phủ. Hầu hết hoạt động khai thác Bitcoin ngày nay diễn ra ở Trung Quốc. Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó thêm một loạt các văn bản chống phá chính quyền Trung Quốc vào chuỗi khối blockchain?
Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó thêm vào một loại bài phát biểu chính trị mà các quốc gia như Singapore kiểm duyệt? Hay phim hoạt hình mà Disney giữ bản quyền?
Trong Bitcoin và hầu hết các blockchain công khai khác, không có một cơ quan tổ chức nào nắm vai trò trung ương quản lý đáng tin cậy. Bất kỳ ai trên thế giới đều có thể thực hiện giao dịch hoặc trở thành thợ đào tiền ảo. Mọi người đều bình đẳng ở mức độ mà chỉ cần họ có phần cứng và điện thì đều có thể thực hiện các phép tính giải mã.
Sự sơ hở này cũng là một lỗ hổng, một lỗ hổng mở ra cánh cửa cho các mối đe dọa không đối xứng và các tác nhân độc hại trong thời gian nhỏ. Bất kỳ ai cũng có thể đưa thông tin vào chuỗi khối Bitcoin duy nhất. Một lần nữa, đó là cách hệ thống này hoạt động.
Trong ba thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến sức mạnh của các hệ thống mạng mở: blockchain , mạng xã hội, các website. Điều khiến chúng trở nên mạnh mẽ là giá trị của chúng không chỉ liên quan đến số lượng người dùng mà còn là số lượng liên kết tiềm năng giữa những người dùng . Đây gọi là định luật Metcalfe - tác động của mạng là bình phương của số nút trong mạng, ví dụ nếu một mạng lưới có 10 nút, giá trị vốn có của nó là 100 (10 x 10) - và mọi mạng mở kể từ đó đều tuân theo "lời tiên tri" của định luật này.
Khi Bitcoin phát triển, giá trị tiền tệ của nó đã tăng vọt, dù ngay cả khi việc sử dụng nó vẫn chưa rõ ràng. Không có rào cản gia nhập, không gian blockchain đã trở thành "miền Tây hoang dã" của sự đổi mới và cả vô luật pháp. Nhưng ngày nay, nhiều người nổi tiếng đã ủng hộ đề xuất Bitcoin nên trở thành một loại tiền tệ toàn cầu. Trong bối cảnh này, các mối đe dọa không đối xứng như dữ liệu bất hợp pháp được nhúng sẽ trở thành một thách thức lớn.
Bởi triết lý đằng sau Bitcoin bắt nguồn từ những ngày đầu tiên của Internet mở. Được nêu trong Tuyên ngôn Độc lập Không gian mạng năm 1996 của John Perry Barlow , đó cũng là đặc điểm của các công ty khởi nghiệp công nghệ: Mã đáng tin cậy hơn các tổ chức. Thông tin có nghĩa là miễn phí và không ai có quyền - và không nên có khả năng - kiểm soát nó.
Nhưng thông tin phải cư trú ở đâu đó. Mã được viết bởi mọi người và cho mọi người, được lưu trữ trên máy tính đặt tại các quốc gia và được nhúng trong các tổ chức và xã hội mà chúng ta đã tạo ra. Tin tưởng thông tin là tin tưởng vào chuỗi hành trình của nó, cũng như bối cảnh xã hội mà nó xuất phát. Cả mã và thông tin đều không trung lập về giá trị, cũng như không bao giờ có bối cảnh của con người.
Nhưng ngày nay, mọi xã hội đều kiểm soát thông tin mà mọi người có thể truy cập. Một số việc kiểm soát này là thông qua kiểm duyệt công khai, ví dụ như ở Trung Quốc. Một số nơi thì thông qua luật dân sự, được thiết kế bởi những người có quyền lực vì lợi ích của họ, như luật bản quyền của Disney tại Mỹ, hoặc luật bôi nhọ của Vương quốc Anh.
Bitcoin và các blockchain giống như đang trong quá trình va chạm với các luật này. Điều gì sẽ xảy ra khi lợi ích của những người quyền lực, với luật pháp đứng về phía họ, đọ sức với một hệ thống blockchain mở? Hãy tưởng tượng các kịch bản khác nhau có thể diễn ra như thế nào.
Ví dụ đầu tiên là tại Trung Quốc. Để chống lại các luận điệu mà chính quyền nước này cho là xuyên tạc trong chuỗi khối, Trung Quốc có thể ra quyết định rằng bất kỳ công ty khai thác nào xử lý khối có nội dung bị cấm sẽ được đưa vào vùng ngoại tuyến - tức IP của họ sẽ bị đưa vào danh sách đen. Điều này sẽ gây ra một đợt "hard fork" của blockchain vào thời điểm ngay trước khi nội dung bị cấm được thêm vào. Hai nhánh blockchain riêng biệt sẽ sớm xuất hiện, một đứng phía sau hệ thống Great Firewall của Trung Quốc và một ở bên ngoài. Các quốc gia khác có hệ sinh thái tương tự như Nga, Singapore... có thể cân nhắc làm theo, tạo ra nhiều sự kiện fork Bitcoin tầm cỡ quốc gia.
Cách tiếp cận của Disney sẽ diễn ra theo cách khác. Hãy tưởng tượng tập đoàn truyền thông khổng lồ này thông báo họ sẽ kiện bất kỳ ISP nào lưu trữ nội dung có bản quyền, bắt đầu với các mạng lưu trữ của các thợ mỏ lớn nhất. Nên biết rằng Disney đã kiện để thực thi quyền sở hữu trí tuệ của mình ở Trung Quốc trước đây. Sau một số áp lực pháp lý, các mạng lưu trữ này sẽ phải cắt đứt mối liên kết với các thợ đào tiền ảo nói trên. Các công ty khai thác sẽ phải tự thiết lập lại trên một mạng khác, nhưng Disney vẫn giữ áp lực. Cuối cùng, những người khai thác tiền ảo bị đẩy ngày càng xa khỏi các nhà cung cấp mạng chính thống và buộc phải sử dụng cách khai thác thông qua một dịch vụ ẩn danh như Tor. Điều đó sẽ gây ra sự chậm trễ tương đối lớn trong mạng Bitcoin vốn đã rất chậm (do bản chất toán học). Disney có thể tiếp tục tấn công các hệ thống của Tor, khiến mọi thứ càng thêm đình trệ. Một thứ tưởng bền vững như blockchain có thể dần bị diệt vong như vậy.
Và tiếp đó là các nội dung khiêu dâm bất hợp pháp và dữ liệu mật bị rò rỉ. Những thứ này đã tồn tại trên chuỗi khối Bitcoin hơn 5 năm và chưa gây ra ảnh hưởng lớn gì. Cũng giống như ví dụ về mạng botnet, có thể do chúng không đe dọa các cấu trúc quyền lực hiện có với tác động đủ lớn để bị yêu cầu gỡ xuống. Nhưng điều này có thể sẽ dễ dàng thay đổi nếu Bitcoin trở thành một cách phổ biến để chia sẻ các tài liệu như lạm dụng tình dục trẻ em. Chỉ cần có những hình ảnh bất hợp pháp này trên ổ cứng của bạn, đó sẽ là một trọng tội và có thể gây ra hậu quả đáng kể cho bất kỳ ai liên quan đến Bitcoin.
Cho dù kịch bản nào xảy ra, đây chính là gót chân A-sin (Achilles'heel) của Bitcoin, với tư cách là một loại tiền tệ toàn cầu.
Nếu một mạng mở như blockchain bị đe dọa bởi một tổ chức quyền lực - các nhà kiểm duyệt của Trung Quốc, luật sư của Disney hoặc khi FBI đang cố gắng hạ gục một mạng botnet nguy hiểm - thì nó có thể phân mảnh chuỗi khối thành nhiều mạng. Đó không chỉ là một sự phiền toái mà còn là một rủi ro tồn tại đối với Bitcoin.
Giả sử Bitcoin được phân mảnh thành 10 blockchain nhỏ hơn, ví dụ như theo địa lý: một ở Trung Quốc, một ở Mỹ... Những đoạn này có thể giữ lại người dùng ban đầu của chúng và theo logic thông thường, sẽ không có gì thay đổi. Nhưng, luật của Metcalfe ngụ ý rằng giá trị tổng thể của các đoạn blockchain này cộng lại sẽ chỉ bằng một phần mười so với ban đầu. Đó là bởi vì giá trị của một mạng mở liên quan đến số lượng người mà bạn có thể giao tiếp và, trong một chuỗi khối, là người bạn có thể giao dịch. Vì tính bảo mật của đồng Bitcoin đạt được thông qua các phép tính tốn kém, các blockchain phân mảnh cũng dễ bị tấn công hơn theo cách thông thường, bởi một kẻ tấn công có tổ chức. Điều này đặc biệt dễ xảy ra nếu các chuỗi khối blockchain nhỏ hơn đều sử dụng cùng một hàm băm.
Các loại tiền tệ truyền thống thường không dễ bị tổn thương bởi các loại mối đe dọa bất đối xứng dạng này. Không có cuộc tấn công quy mô nhỏ khả thi nào chống lại USD hoặc hầu như bất kỳ loại tiền tệ định danh nào khác. Các định chế và niềm tin mang lại giá trị cho đồng tiền là rất sâu sắc, bất chấp các trường hợp siêu lạm phát về tiền tệ .
Các cuộc tấn công đáng chú ý duy nhất chống lại tiền tệ định danh chỉ xuất hiện dưới hình thức làm tiền giả. Nhưng các cuộc tấn công dạng này dễ bị cản trở, bởi những kẻ làm giả yêu cầu phải có thiết bị chuyên dụng và dễ bị cơ quan pháp luật phát hiện và bắt giữ. Hơn nữa, hầu hết các đồng tiền ngày nay - ngay cả khi nó trên danh nghĩa là tiền tệ định danh - không tồn tại ở dạng giấy.
Bitcoin đã thu hút một lượng lớn người theo dõi và ủng hộ, vì tính cởi mở và miễn nhiễm với sự kiểm soát của chính phủ. Mục tiêu của nó là tạo ra một thế giới thay thế sức mạnh văn hóa bằng sức mạnh mật mã: xác minh bằng mã chứ không phải tin tưởng vào con người.
Nhưng tính năng đó cũng là một lỗ hổng. Chúng ta thực sự không biết điều gì sẽ xảy ra khi hệ thống tin cậy của con người xung đột với việc xác minh không dựa trên sự tin cậy của blockchain. Nhưng nếu mọi chuyện tiếp tục tiếp diễn như hiện tại, chúng ta sẽ được chứng kiến sự thành công, hay thất bại, của nó trong một tương lai không xa.