Google thu về được hơn 1 tỷ USD tiền quảng cáo nhờ "gã khổng lồ" du lịch Booking.com
Theo báo cáo thu nhập Quý 3 vừa qua, Google đã nhận được hơn 1 tỷ USD tiền quảng cáo từ trang web đặt chỗ du lịch nổi tiếng Booking.com. Thế nhưng, đằng sau con số lợi nhuận này là mối quan hệ phức tạp của 2 "gã khổng lồ".
Thứ 2 vừa qua, theo báo cáo thu nhập và ước tính của các nhà phân tích, Google đã thu về được hơn 1 tỷ USD tiền quảng cáo từ "gã khổng lồ" du lịch Booking Holdings.
Booking Holdings là công ty sở hữu các doanh nghiệp ở Châu Âu như trang web đặt phòng nổi tiếng Booking.com, Priceline và Kayak, cho biết đã chi 1,3 tỷ USD cho "hiệu suất tiếp thị" trong Quý 3 vừa qua - tăng từ 1,2 tỷ USD so với 1 năm trước đó.
Những chi tiêu này "chủ yếu liên quan đến việc sử dụng các công cụ tìm kiếm trực tuyến là Google và các dịch vụ trực tuyến khác". Trong đó, Google đóng vai trò quan trọng trong ngân sách quảng cáo của Booking nhờ những tìm kiếm của khách du lịch sẽ được dẫn đến đường link của trang Booking.com.
Ví dụ, với những từ khóa như "Chuyến bay đến New York" hay "Khách sạn ở Luân Đôn" trên Google, cũng làm tăng lưu lượng truy cập không chỉ cho Booking.com mà còn cho các nền tảng du lịch khác như Expedia, TripAdvisor, Trivago và thậm chí cả các dịch vụ của Google.
Mark Mahaney, một nhà phân tích tại RBC Capital Markets, ước tính rằng chỉ riêng khu vực phía bắc, 80% chi phí tiếp thị sẽ được Booking chuyển sang cho Google - con số này tương đương với 1 tỷ USD và chiếm hơn 3,6% trong tổng doanh thu quảng cáo trong Quý 3 của Google.
Còn Mahaney - người được xếp hạng với tỷ lệ "mua" khá cao trên Booking.com, cho biết trong một e-mail: "Tôi chắc chắc rằng Booking.com là một trong 5 khách hàng trực tiếp hàng đầu của Google trên phạm vi toàn thế giới".
Thế nhưng, đây không hẳn là điều có lợi đối với Google, bởi nhờ số lượng người truy cập hoặc chi tiêu ngày càng tăng thì vô hình chung Booking vừa là khách hàng lớn, lại vừa trở thành đối thủ "đáng gườm" của "gã khổng lồ" tìm kiếm.
Ví dụ như khi người dùng tìm kiếm từ khóa cho các chuyển đi như "chuyến bay từ San Francisco đến Chicago", hàng loạt các đường link vừa dẫn đến Booking.com, vừa dẫn đến các sản phẩm "tìm kiếm" con tương tự của Google như Google Flights và Google Hotels. Các sản phẩm này sẽ hiển thị trang web cho phép người dùng nhập ngày và giờ, để đặt chỗ cho những chuyến đi của mình.
Còn trong báo cáo hàng quý gần đây nhất của mình, Booking thậm chí còn đề cập đến Google 52 lần và nhấn mạnh vào "nguy cơ" phụ thuộc vào Google như "một phần quan trọng" trong lượt truy cập và đặt chỗ của công ty. Vậy giữa 2 "gã khổng lồ" này, ai mới là kẻ có lợi hơn?
Giữa Google và Booking.com, ai là "kẻ" có lợi hơn?
"Các thay đổi về việc tìm kiếm của Google về du lịch, bao gồm thứ tự của các kết quả tìm kiếm. Thường thì những trang thuộc sở hữu của Google sẽ được hiện lên top đầu, vị trí này có thể gây bất lợi và ảnh hưởng đến khả năng hiệu quả lưu lượng truy cập đến các trang web của chúng tôi", phía Booking cho biết.
Không thể phủ nhận được tầm quan trọng của thị trường tìm kiếm về du lịch đối với Google, theo ước tính của Skiff, chi tiêu quảng cáo cho du lịch chiếm 12% tổng doanh thu quảng cáo của công ty vào năm ngoái. Đây là lý do vì sao dù để các trang web kiếm tiền trên nền tảng của mình nhưng Google vẫn ưu tiên dịch vụ của mình hơn.
Trên thực tế, mô hình doanh thu của Google khác với của Booking. Nếu như các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) bị hạn chế việc đặt phòng trên các trang web của mình. Thì Google lại được kiếm tiền từ quảng cáo dù cùng một danh sách tìm kiếm từ các trang web và thậm chí "gã khổng lồ" tìm kiếm còn không phải trả tiền cho các công cụ riêng của mình.
Một trong những nguy cơ khác mà Booking trích dẫn, là dựa vào việc mọi người sử dụng nền tảng Android phổ biến trên điện thoại thông minh, Google có thể làm nổi bật các sản phẩm như ứng dụng Google Trips hoặc ưu tiên tìm kiếm của mình trên di động. Không những thế gần đây Google đã cung cấp dịch vụ tìm chuyến bay và khách sạn với nhiều ưu đãi hơn trên các hệ điều hành smartphone.
Thế nhưng, các nhà điều tiết của Châu Âu đang để mắt đến vấn đề này, đầu năm nay, Google đã bị Ủy ban Châu Âu phạt 5 tỷ USD về cách thức hoạt động của các gói ứng dụng. Tuy nhiên, báo cáo thu nhập từ Booking vào thứ 2 vừa qua được coi là một cái nhìn đầy tươi sáng hơn cho cả 2 "gã khổng lồ".
CEO Glenn Fogel của Booking Holdings cho biết: "Giữa chúng tôi là mối quan hệ cộng sinh tuyệt vời giúp cải thiện khả năng của nhau và chúng tôi rất hài lòng về điều đó". Cổ phiếu của Booking Holdings đã tăng 4,2% tương đương với 1.949 USD vào hôm thứ 3 vừa qua, sau khi công báo doanh thu và đã tăng 12% trong năm nay.