Google cần một nhà lãnh đạo xứng đáng hơn "ông bù nhìn" Larry Page?
Sau những scandal về bảo mật dữ liệu hay cuộc biểu tình tại trụ sở, người xuất hiện trước công chúng là CEO Sundar Pichai của Google. Còn CEO Larry Page của công ty mẹ Alphabet lại hoàn toàn im lặng, có phải công ty đang cần một nhà lãnh đạo khác?
Hàng ngàn nhân viên Google trên thế giới rời khỏi văn phòng để biểu tình trên đường phố hôm thứ 5 tuần trước, không chỉ là sự phản đối về vấn đề lạm dụng tình dục trong công ty , mà còn là phản ứng quyết liệt về khả năng xử lý của những nhà lãnh đạo cấp cao.
Không ai khác đó chính là những Giám đốc điều hành của Google và công ty mẹ Alphabet. Khi cuộc biểu tình diễn ra ngay tại trụ sở công ty ở California, nếu như CEO Sundar Pichair lại đang tham gia một hội nghị công nghệ ở New York với lời thú nhận: "Chúng tôi không phải lúc nào cũng đúng" , liệu những nhà lãnh đạo khác đang "trú chân" tại trụ sở Google hay Alphabet sẽ làm gì?
Tại sao chỉ có Sundar Pichai lên tiếng, còn những người khác như CEO Larry Page của công ty mẹ lại hoàn toàn im lặng? Chưa kể những hành động và cách xử lý của Page với hàng loạt scandal diễn ra gần đây cũng khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi: "Liệu đây có phải là thời điểm mà Alphabet của Google nên tìm một nhà lãnh đạo khác?"
CEO Larry Page đang nằm trong tình trạng báo động
CEO Larry Page của Alphabet - công ty mẹ của Google. |
Đây không chỉ là lần đầu tiên CEO Larry Page lấy tiền ra để "lấp liếm" những scandal về đạo đức tại công ty mình.
Ngoài việc, "cha đẻ" Android - Andy Rubin được đưa 90 triệu USD để rời khỏi công ty vì bị phát hiện có hành vi quấy rối tình dục với nhân viên nữ của Google (Theo The New York Times).
Page đã từng chống lại những người khác để khen thưởng Anthony Levandowski - người giúp thúc đẩy dòng xe tự trị của Google. Trong khi đó, Levandowski đã kiện công ty vì những quy tắc sai trái trong khi làm ra dòng xe tự lái, khi xe gây ra một tai nạn nghiêm trọng cho đồng nghiệp và va chạm với những phương tiện khác (theo một báo cáo gần đây ở New Yorker). Thậm chí, Levandowski còn thành lập các công ty riêng có khả năng cạnh tranh trực tiếp với Google.
Thế nhưng, CEO Larry Page vẫn đảm bảo Levandowski sẽ được "đền bù" xứng đáng và Google sẽ mua lại các công ty riêng của anh. Không những thế cách hành xử của Page đối với những vấn đề khác cũng trở nên vô tránh nhiệm hơn bao giờ hết.
Từ việc công cụ tìm kiếm của Google bị kiểm duyệt tại Trung Quốc hay cung cấp công nghệ AI cho quân đội Mỹ và những bảo mật cho người dùng khi Google+ chính thức bị sập, CEO Larry Page đều không hề lên tiếng và vắng mặt trong những báo cáo của công ty trước công chúng. Rõ ràng những "tai tiếng" mà Google đang phải gánh chịu đều đến từ cách hành xử thiển cận và vô trách nhiệm này.
Sự thật và hậu quả
Điều gì đến rồi sẽ đến, hành động "bồi thường" của Page dành cho Andy Rubin đã bị bại lộ, dẫn đến cuộc biểu tình lớn nhất từ trước đến giờ. Nhiều công nhân cũng phản ứng dữ dội về sự phát triển của công cụ tìm kiếm dù bị kiểm duyệt, một trong số đó đã rời bỏ công ty. Đồng thời công ty đang đối mặt với các vụ kiện khác và sự điều tra của chính phủ trong việc xử lý lỗ hổng bảo mật của Google+.
Một bằng chứng nữa trong sự yếu kém về quản lý này là ngày càng có thêm nhiều sự giám sát về quyền lực và trách nhiệm của Google từ các nhà hoạch định chính sách. Chỉ trong vòng 2 năm qua, công ty đã bị phạt 2 triệu USD từ Ủy ban Châu Âu vì tham gia vào chống cạnh tranh, đồng thời một khoản tiền phạt không hề nhỏ sắp tới vì những phát tán thông tin sai lệch của Google làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Thông thường, khi một công ty phải đối mặt với những vụ bê bối như vậy thì CEO ở cấp độ cao nhất phải là người phát ngôn công khai. Bởi một trong những vai trò mà một CEO phải chịu trách nhiệm thay cho công ty, chính là trấn an các nhà đầu tư, làm dịu bớt căng thẳng cho các nhà quản lý khác và nhân viên của mình.
Tuy nhiên, CEO Larry Page dường như quên mất điều đó và ông đang tự đánh mất mình với tư cách là khuôn mặt đại diện của Alphabet. Thay vào sự vắng mặt đó, CEO Sundar Pichai đang trở thành người đại diện cho công ty.
Pichai là người đã phát hành bản tuyên bố xin lỗi toàn bộ nhân viên về cách xử lý cáo buộc về quấy rối tình dục, ông cũng là người tham gia vào cuộc điều trần của Thượng viện trong tháng 9 vừa qua. Rõ ràng vị trí của Larry Page tại Google cũng như Alphabet đang bị lung lay.
Việc thay thế lãnh đạo của Alphabet sẽ đơn giản hơn nếu đó là một start-up bình thường nhưng trên thực tế đây là một trong những công ty mạnh nhất trên thế giới. Công ty đang được vận hành bởi hàng chục nghìn người, giữ độc quyền và thống lĩnh trong nhiều thị trường cũng như lưu trữ kho dữ liệu khổng lồ của hàng tỷ công dân trên thế giới. Không những thế Google hay Alphabet đang định hình cách chúng ta nghĩ và thế giới xung quanh sẽ diễn ra như thế nào.
Song tất cả những gì mà "gã khổng lồ về tìm kiếm" đang làm là gì? Thờ ơ với những hành động cáo buộc tình dục ngay cả với chính nhân viên của mình, vô trách nhiệm với sự bảo mật của người dùng trên mọi nền tảng của mình.
Có lẽ Alphabet đang cần một nhà lãnh đạo xứng đáng hơn, chứ không phải là "ông bù nhìn" Larry Page hiện nay.