Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ tác động ra sao tới nhóm ngân hàng, cổ phiếu nào hưởng lợi?

12/01/2022 13:52 PM | Kinh doanh

Nhiều nhóm ngành sẽ hưởng lợi từ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lớn nhất lịch sử vừa được thông qua. Nhóm ngân hàng được chuyên gia cho rằng sẽ có ảnh hưởng tích cực gián tiếp.

Chiều 11/1, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với 424/426 số ĐHQH tham gia biểu quyết tán thành.

Nghị quyết không đề cập tổng quy mô gói chính sách tài khoá, tiền tệ (gồm các nguồn huy động quỹ ngoài ngân sách). Nhưng theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi phát biểu bế mạc kỳ họp bất thường lần này, quy mô gói chính sách tài khoá, tiền tệ được Quốc hội thông qua khoảng 350.000 tỷ đồng để chủ động phòng, chống dịch và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Theo Nghị quyết, gói giải pháp tài khoá gồm miễn, giảm thuế phí, đầu tư phát triển và một số chính sách tài khoá khác. Trong đó, riêng chính sách tăng chi cho đầu tư, phát triển (y tế, an sinh xã hội, việc làm, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng...) từ nguồn ngân sách là 176.000 tỷ đồng trong hai năm (2022-2023). Ngoài ra, chính sách tài khoá cũng gồm khoản chi cho miễn giảm thuế, trong đó giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang có mức thuế suất 10%, trừ lĩnh vực viễn thông, bảo hiểm, ngân hàng, khai khoáng...

Chính sách tiền tệ sẽ tập trung giải pháp để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ lãi suất, tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1% trong 2 năm; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất vay với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục được tái cấp vốn để cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng có một số nhóm ngành và cổ phiếu sẽ được hưởng lợi từ gói hỗ trợ này, trong đó, ngành ngân hàng sẽ được hưởng lợi gián tiếp.

Các nhóm hưởng lợi trực tiếp từ gói đầu tư hạ tầng – giao thông có thể kể đến xây dựng hạ tầng (PC1, TCD, LDG, FCN,...), vật liệu xây dựng (HT1, BCC, HPG, HSG,...). Nhóm hưởng lợi từ gói du lịch - hạ tầng chuyển đổi số ngoài các doanh nghiệp du lịch (SKG, VJC, HVN, VTR,...) còn có công nghệ viễn thông (FPT, CMG, CTR,...)

Ngoài ra, theo Yuanta, các nhóm ảnh hưởng tích cực gián tiếp như: Bất động sản dân cư (KDH, NLG, VHM, HDC, HDG), Bất động sản khu công nghiệp (TIP, SZC, LHG, KBC, D2D) theo xu hướng hạ tầng hoàn thiện; Bán lẻ - hàng tiêu dùng (DGW, MWG, FRT, PET) theo xu hướng việc làm hồi phục kích thích tiêu dùng.

Yuanta cũng cho rằng các ngân hàng (TCB, CTG, VCB, MSB, VIB) cũng được hưởng lợi gián tiếp nhờ gia hạn các quy định về cơ cấu nợ xấu, động lực kích thích tín dụng, giảm chi phí hoạt động.

Trong khi đó, báo cáo mới đây của BSC nhận định, gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các khoản vay thương mại của doanh nghiệp thuộc đối tượng thụ hưởng có quy mô 40 nghìn tỷ trong 2 năm, quy mô này sẽ có ảnh hưởng đến khoảng 10% dư nợ tín dụng của nền kinh tế trong 2 năm. Cùng với việc tiết giảm chi phí của các Ngân hàng, gói hỗ trợ này cũng sẽ góp phần giảm chi phí cho vay từ 0,5% - 1% theo định hướng của Chính phủ qua đó hỗ trợ doanh nghiệp thuộc đối tượng vượt qua khó khăn.

Theo Thu Thuỷ

Cùng chuyên mục
XEM