Góc nhìn từ người trong cuộc, ngoại giao kinh tế: Việt Nam thiếu gì cho cuộc đua AI toàn cầu?

30/04/2024 20:02 PM | Kinh tế vĩ mô

Các nội dung trao đổi của chuyên gia Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển – Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco Hoàng Anh Tuấn về Chiến lược phát triển Việt Nam trong kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo.

Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030 (Quyết định số 127/QĐ-TTg). Chiến lược đưa ra mục tiêu "đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0”, góp phần phát triển KT-XH và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên bản đồ AI thế giới.

Chuyên gia Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển – Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã trao đổi với Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco Hoàng Anh Tuấn về Chiến lược phát triển Việt Nam trong kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo.

Tổng lãnh sự Hoàng Anh Tuấn đã có nhiều đóng góp trong việc tiếp cận, vận động, thu hút nguồn vốn đầu tư từ các định chế tài chính, các quỹ đầu tư, các tập đoàn lớn của Mỹ để giới thiệu, xúc tiến đầu tư vào các dự án quốc gia Việt Nam.

Đặc biệt Tổng lãnh sự vừa góp công lớn vào thành tựu đưa NVIDIA về Việt Nam, mở ra cơ hội Việt Nam có tên trong bản đồ công nghệ thế giới trong những năm tới, khi thế giới bước vào kỷ nguyên AI.

Bà Nguyễn Thy Nga: Chúc mừng tổng lãnh sự đã có một kết nối rất hiệu quả cho Việt Nam thời gian qua. Về Việt Nam trước thềm 30 tháng 4, chúng ta đang ở trước Dinh độc lập, ông có thông điệp gì cho Việt Nam?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Tôi rất vui mừng quay trở lại Việt Nam vào đúng dịp chúng ta đang kỷ niệm một ngày Giải phóng Miền Nam 30 tháng 4 và ngày Lễ 1 tháng 5. Tôi có thông điệp quan trọng muốn truyền tải đến các doanh nghiệp Việt Nam, người dân Việt Nam đó là: “Thế giới chúng ta đang sống, đang chứng kiến cuộc đua vào kỷ nguyên công nghệ mới, kỷ nguyên AI, kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo. Kỷ nguyên này đang tác động và làm thay đổi bộ mặt của thế giới chúng ta, thay đổi bộ mặt các quốc gia, thay đổi bộ mặt của các doanh nghiệp, thay đổi cách chúng ta tương tác, sống và làm việc”.

Thông điệp của tôi là trong kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên tác động đến tất cả chúng ta, thì các doanh nghiệp và người dân chúng ta hãy chuẩn bị và sẵn sàng đón bắt những cơ hội mới, đây là cơ hội ngàn năm có một, là cơ hội của đời người, là cơ hội để đưa Việt Nam bắt kịp các quốc gia trên thế giới, đưa Việt Nam có tên trên bản đồ công nghệ thế giới. Tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó và tôi muốn thấy một Việt Nam phát triển, một Việt Nam hùng cường, dựa trên đôi chân công nghệ, dựa trên đôi chân trí tuệ nhân tạo của chính mình.

Góc nhìn từ người trong cuộc, ngoại giao kinh tế: Việt Nam thiếu gì cho cuộc đua AI toàn cầu?  - Ảnh 2.

Tổng lãnh sự Hoàng Anh Tuấn và chuyên gia Nguyễn Thy Nga.

NHỮNG NGƯỜI THẦM LẶNG THÚC ĐẨY NVIDIA ĐẾN VIỆT NAM

Ngoại giao Kinh tế đã dẫn đường để Việt Nam tham gia sân chơi công nghiệp bán dẫn, mở ra một giai đoạn mới trong kỉ nguyên AI.

Jensen Huang – CEO của Nvidia khi có mặt tại Việt Nam, gặp gỡ cộng đồng công nghệ trong nước đã đánh giá Việt Nam đã sẵn sàng cho công nghệ mới và Nvidia sẽ đầu tư nâng cao năng lực về con người cũng như hạ tầng cho Việt Nam. "Chúng tôi cam kết với Thủ tướng sẽ biến Việt Nam thành ngôi nhà thứ hai của Nvidia. Chúng tôi sẽ thành lập pháp nhân ở Việt Nam".

CEO Nvidia cho biết để tận dụng làn sóng AI, các quốc gia cần ba thành phần và "Việt Nam đã có đủ". Thứ nhất là tài sản dữ liệu về ngôn ngữ, văn hóa sau hàng thập kỷ số hóa và người dân sẵn sàng sử dụng các nền tảng di động. Thứ hai là đội ngũ nhân sự, và thứ ba là hạ tầng.

Mới đây nhất, NVIDIA đã làm việc với các cơ quan Trung ương và địa phương liên quan, khảo sát các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để chuẩn bị thiết lập Trung tâm Nghiên cứu, phát triển và đào tạo về trí tuệ nhân tạo (AI); lắp đặt hệ thống siêu máy tính; chuyển một phần việc sản xuất các bộ vi xử lý hình ảnh (GPU) cho các siêu máy tính sang Việt Nam. Về đối tác Doanh nghiệp, Nvidia và FPT công bố thỏa thuận hợp tác dự án 200 triệu USD thành lập AI Factory tại Việt Nam, nơi đây tăng cường khả năng nghiên cứu, phát triển AI, hoạt động dựa trên bộ ứng dụng và khung công nghệ phát triển AI trong AI Enterprise và chip đồ họa GPU H100 Tensor Core.

Ông Keith Strier, Phó Chủ tịch Sáng kiến AI Toàn cầu của NVIDIA tuyên bố: "Công nghệ AI sở hữu tiềm năng to lớn trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và củng cố nền kinh tế cho mọi quốc gia thông qua việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, khí tượng học và sản xuất.”

Trước đó, trong chuyến thăm và làm việc tại Thung lũng Silicon (Mỹ) hồi tháng 9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao đổi với CEO Nvidia Jensen Huang về xu hướng phát triển AI toàn cầu và tiềm năng hợp tác rộng mở giữa công ty với Việt Nam.

Thông tin về NVIDIA quan tâm đến Việt Nam dày đặc trên truyền thông trong nước và thế giới. Giới phân tích nhận định, Nvidia là con sóng đẩy ngành công nghệ Việt Nam đón đầu xu hướng phát triển công nghệ của thế giới.

Phía sau những kết quả cụ thể đó, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) đã thầm lặng nỗ lực kết nối và chuẩn bị.

(Tổng hợp từ Đề án Chiến lược phát triển Việt Nam)

VỊ THẾ CỦA NVIDIA VỚI CÁC TẬP ĐOÀN CÔNG NGHỆ KHÁC

Những thông tin Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống tổng hợp từ Bloomberg Technology và WCCF Tech: Đầu 2024, Nvidia tiếp tục đạt được doanh thu cũng như lợi nhuận tăng vượt trội. Lợi nhuận của Nvidia quý IV năm ngoái tăng 769%, giá cổ phiếu tăng 10%, đưa Nvidia trở thành một trong bốn tập đoàn trị giá 2 nghìn tỷ USD, cùng với Apple, Microsoft, công ty dầu mỏ Saudi Aramco.

Điều đáng nói ở đây là chênh lệch về doanh thu đến từ mảng chip xử lý AI giữa ba tập đoàn sản xuất chip lớn nhất hiện nay. Trong năm nay, cả Intel lẫn AMD đều vẫn sẽ tụt lại khá xa so với Nvidia.

Bloomberg Technology dự báo đến hết 2024, Nvidia sẽ đem về từ 40 đến 50 tỷ USD, còn AMD và Intel thì lần lượt là 3.5 tỷ USD với MI300X, và 500 triệu USD với Gaudi 3 hay những thế hệ chip xử lý AI kế tiếp. Thậm chí chính Intel cũng đã đưa ra quan điểm dự báo tương tự khi CEO Pat Gelsinger công bố báo cáo tài chính quý I năm 2024 của Intel. Trong hai quý cuối năm 2024, Gaudi 3 mới chính thức ra mắt thị trường, đi kèm với đó là dự báo doanh thu cũng ở mức khoảng nửa tỷ USD từ con chip này. Những thông tin của Bloomberg mô tả tình hình thị trường chip xử lý AI dành cho máy chủ, và mô tả cho chúng ta thấy tác động của những sản phẩm Nvidia đang bán ra thị trường như A100, H100 hay H200, hoặc GB200 chuẩn bị ra mắt trong năm nay. Nếu con số kể trên là dự báo chính xác, thì chỉ một mảng sản phẩm chip xử lý AI, Nvidia đã đem về doanh thu gấp 80 lần so với Intel.

So sánh trên mô tả rất cụ thể vị thế của Nvidia và các công ty công nghệ như Intel ở thời điểm hiện tại.

NVIDIA đầu tư thành lập một thực thể NVIDIA tại Việt Nam, một AI FACTORY, có ý nghĩa rất lớn thúc đẩy kinh tế, là cú hích giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đón đầu xu hướng phát triển công nghệ thế giới. CEO NVIDIA Jensen Huang cho rằng: ‘Việt Nam là quốc gia duy nhất có thể tham gia đầy đủ các công đoạn của chuỗi bán dẫn’.

Việt Nam đang thiếu gì để có thể bước vào và nổi bật trong sân chơi công nghiệp bán dẫn? Các Quốc gia nào là đối thủ của Việt Nam trong thu hút hút đầu tư công nghiệp bán dẫn? Chiến lược phát triển phù hợp cho Việt Nam trong Kỉ nguyên AI.

Góc nhìn từ người trong cuộc, ngoại giao kinh tế: Việt Nam thiếu gì cho cuộc đua AI toàn cầu?  - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thy Nga: Riêng việc kết nối NVIDIA về Việt Nam, thì câu chuyện phía sau, điều gì ấn tượng nhất ông có thể chia sẻ cho những đơn vị đang mong muốn nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo và đang tìm kiếm cơ hội có thể hợp tác trực tiếp với những đối tác mà ông đã và đang liên kết cho Việt Nam?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Nhìn lại thời gian mấy tháng vừa qua chúng ta thấy các sự kiện diễn biến rất nhanh. Khi Thủ tướng Phạm Minh Chính sang Mỹ, Thủ tướng đã đến trụ sở của NVIDIA, mời ông chủ tịch Nvidia Jensen Huang đến Việt Nam, sau đấy trong vòng ba tháng, chúng tôi tiếp tục kết nối và đưa chủ tịch Nvidia Jensen Huang về Việt Nam, thu xếp cho đoàn làm việc với các Lãnh đạo và các cơ quan chính phủ, với doanh nghiệp, và người dân.

Ông Jensen Huang đã có cơ hội nhìn rõ hơn về tiềm năng của người Việt Nam, tiềm năng của các công ty Việt Nam, về quyết tâm của lãnh đạo chính phủ, các bộ ngành, trong việc thúc đẩy sự phát triển của người Việt Nam dựa trên công nghệ, dựa trên trí tuệ nhân tạo. Chủ tịch Jensen Huang cũng tận mắt thấy được sự khao khát vươn lên của người Việt chúng ta. Tại Việt Nam ông Jensen Huang tuyên bố muốn biến Việt Nam thành ngôi nhà thứ hai của NVIDIA. Tuyên bố đó không chỉ là câu chuyện với các lãnh đạo Việt Nam mà là tuyên bố tuyên bố, là cam kết trước truyền thông và các đối tác toàn cầu của NVIDIA.

Bà Nguyễn Thy Nga: Trong chuyến công tác vừa qua, hành trình chuẩn bị cho ký kết thỏa thuận hợp tác giữa NVIDIA và FPT cũng như ông đã là đấu mối kết nối những đoàn khảo sát của NVIDIA đến các tỉnh thành địa phương để đầu tư cho Việt Nam. Ông cảm nhận như thế nào về Việt Nam ở giai đoạn hiện tại, Việt Nam với chiến lược phát triển như hiện nay, với định hướng của chính phủ thì các doanh nghiệp, các cộng đồng có sẵn sàng đón nhận, bắt kịp những xu hướng mà chúng ta đang chờ đón hay không?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Tôi thấy nhìn vào Việt Nam chúng ta có thế mạnh nhất định, không chỉ NVIDIA quan tâm đến Việc Nam, mà hàng loạt các công ty công nghệ hàng đầu thế giới đều quan tâm đến Việt Nam, thế hiện qua hàng loạt chuyến thăm của các CEO và các chủ tịch các công ty công nghệ lớn đến Việt Nam, tại sao họ đến Việt Nam nhiều như thế?

Tôi thấy câu chuyện giữa Việt Nam và Mỹ nâng cấp từ đối tác toàn diện lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là một cú hích quan trọng, nhưng đằng sau đó là việc họ nhìn thấy cái tiềm năng thật sự của chúng ta, và chúng ta có khá nhiều cái thế mạnh. Tôi tạm điểm qua các thế mạnh đó như sau.

Thứ nhất, đó là quy mô dân số. Dân số Việt Nam hiện có 100 triệu người, một thị trường lớn đang phát triển nhanh và độ tuổi dân số nước ta hiện là “độ tuổi Vàng”.

Thứ hai, chúng ta có nền tảng khoa học cơ bản mạnh. Trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam là nước có nhiều bài báo đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu trên thế giới. Ngoài ra, Việt Nam có hệ thống trường chuyên về khoa học tự nhiên mở rộng đến cấp huyện, có nhiều trung tâm viện nghiên cứu toán, lý mạnh hàng đầu trong khu vực. Tiềm năng thì chúng ta có, nhưng muốn biến những tiềm năng này thành hiện thực thì chúng ta cần có những con sếu đầu đàn, cần phải có thủ lĩnh, cần những người biết cách “nhấn nút”, khai phá tiềm năng của chúng ta, biến tiềm năng ấy thành hiện thực.

Góc nhìn từ người trong cuộc, ngoại giao kinh tế: Việt Nam thiếu gì cho cuộc đua AI toàn cầu?  - Ảnh 6.

Bà Nguyễn Thy Nga: Có những câu hỏi đặt ra về việc Việt Nam đã hợp tác như thế nào đối với những hợp tác quốc tế. Việt Nam vẫn nổi tiếng trong một số lĩnh vực, trong đó có cả các hợp tác thuộc lĩnh vực công nghệ, là đơn vị gia công, thì trong bức tranh AI liệu chúng ta có thể làm chủ được công nghệ, không chỉ là một đơn vị hợp tác như trước đây đã có?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Trong cuộc đua phát triển công nghệ trên thế giới trong hơn 50 năm qua, Việt Nam thường đi sau các nước khoảng từ 10 - 15 năm. Ví dụ như cuộc cách mạng PC (tức máy tính tính để bàn), chúng ta cũng đi sau các nước khoảng 20 năm. Trong cuộc cách mạng internet, thiết bị di động cầm tay, chất bán dẫn… chúng ta cũng đi sau nhiều so với thế giới.

Tuy nhiên, kỷ nguyên AI lại khác hẳn. Chúng ta bước vào cuộc đua AI khi cuộc đua này trên phạm vi toàn cầu vừa mới khởi động. Các nước trên thế giới tùy có nhanh chậm đôi chút nhưng nhìn chung đều ở trên cùng một mặt bằng, cùng ở vạch xuất phát. Nếu chúng ta tiến hành khởi động ngay và có bước đi đúng hướng, chúng ta sẽ nhanh chóng bắt nhịp cùng thế giới, biến nước ta từ quốc gia công nghệ nói chúng thành quốc gia khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo.

Theo góc nhìn của tôi, thủ trưởng một cơ quan nằm ở trung tâm công nghệ là Thung lũng Silicon Valley, tôi cảm nhận rằng trí tuệ nhân tạo sẽ là tương lai của thế giới. Ai làm chủ được công nghệ AI, đầu tư đúng hướng, có chính sách đúng đắn phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo thì anh đó sẽ có thể rút ngắn thời gian từ 4 - 5 năm, thúc đẩy sự phát triển của quốc gia mình.

VIỆT NAM THIẾU GÌ ĐỂ TRỞ THÀNH ĐIỂM SÁNG TRONG CUỘC ĐUA TOÀN CẦU?

Bà Nguyễn Thy Nga: Thưa ông, tôi muốn hỏi một câu hỏi ngắn gọn nhất. Việt Nam thiếu 3 yếu tố gì, để trong một thời gian ngắn khi chúng ta đang đón đầu xu hướng, chúng ta có thể nắm bắt để biến tầm nhìn, biến dự định thành hiện thực, Việt Nam có thể làm chủ công nghệ trong kỷ nguyên AI.

Ông Hoàng Anh Tuấn: Thiếu thì thiếu rất nhiều, nhưng tôi nghĩ có ba vấn đề quan trọng mà Việt Nam cần phải tập trung đầu tư ngay từ lúc này.

Yếu tố đầu tiên là khả năng tính toán, trong tiếng anh là computing power. Tức là phải có máy tính, mà hệ thống máy tính ở đây chính là hệ thống siêu máy tính, tạo ra nền tảng AI và tôi nghĩ đấy là cái thiếu quan trọng nhất. Công ty NVIDIA sở dĩ trở thành công ty hàng đầu thế giới, bởi vì họ sở hữu 4/6 hệ thống siêu máy tính mạnh nhất thế giới. Câu chuyện đầu tư này không chỉ là câu chuyện đầu tư ban đầu, mua một hệ thống siêu máy tính là xong, mà cần phải đầu tư liên tục và lâu dài để duy trì năng lực tính toán quốc gia.

Yếu tố thứ hai là về con người, con người ở đây chính là đội ngũ chuyên gia làm về AI, chuyên viết phát triển phần mềm, biết cách sử dụng trí tuệ nhân tạo để không bị dẫn dắt bởi trí tuệ nhân tạo mà chúng ta phải làm chủ “cuộc chơi” AI.

Yếu tố thứ ba là “xóa mù” về AI, tức tăng cường giáo dục để nâng cao sự hiểu biết và nhận thức về trí tuệ nhân tạo ở tất cả các cấp. Muốn trí tuệ nhân tạo đi vào cuộc sống thì từ lãnh đạo cấp cao quốc gia, lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các tập đoàn lớn, các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu phải hiểu rõ và đi đâu trong việc ứng dụng AI. Đây sẽ là những người đi tiên phong trong lĩnh vực AI, thúc đẩy để biến Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp về AI. Với sức ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo như vậy, nếu không đủ hiểu biết thì làm sao chúng ta có thể dẫn dắt được người dân bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên AI.

Góc nhìn từ người trong cuộc, ngoại giao kinh tế: Việt Nam thiếu gì cho cuộc đua AI toàn cầu?  - Ảnh 7.

Bà Nguyễn Thy Nga: Với yếu tố như ông nói về mô hình quản trị, về tăng nhận thức toàn dân đến các khối cấp lãnh đạo từ trên xuống dưới liên quan đến quản trị về công nghệ AI. Tôi nghĩ đó cũng là cách thức mà chúng ta đã làm tương tự đối với quản trị chuyển đổi số, đối với đổi mới sáng tạo, đối với khởi nghiệp, vân vân. Trong quá trình tiếp cận quản trị chính sách đối với chủ thể khác nhau.

Ví dụ như đối tượng liên quan đến quản lý nhà nước, đối tượng liên quan đến các thành tố khoa học, các thành tố liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp. Mỗi thành tố có một cách tiếp cận khác nhau, làm sao chúng ta có thể thống nhất từ tầm nhìn cho đến hiện thực, từ chính sách cho đến cuộc sống.

Làm sao để liên kết từ các khối cơ quan đưa ra những hoạch định chính sách, đến các khối điều hành, sau đó là các nhà khoa học nghiên cứu và các doanh nghiệp có thể ứng dụng khoa học như thế nào? Đào tạo nguồn nhân lực ra sao? Vậy làm sao chúng ta có thể liên kết như thế nào giữa các thành tố? Làm sao để tất cả các thành tố có thể giao tiếp với nhau cùng một ngôn ngữ, và để quá trình liên kết thúc đẩy AI diễn ra nhanh hơn?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Có nhiều cách làm, theo kinh nghiệm quốc tế của tôi thì đầu tiên chính là thông tin tuyên truyền. Để cho mọi người biết rằng AI đang đóng vai trò quan trọng như thế nào, đó là đưa các ứng dụng thực tế về AI, các câu chuyện thành công về sử dụng AI trong các lĩnh vực từ giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, quản lý doanh nghiệp, quản lý thành phố thông minh... để tạo tác động lan tỏa. Cần phải thấy rằng xu hướng phát triển sắp tới của thế giới là xu hướng phát triển dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo. Khi đã trở thành xu hướng toàn cầu thì ta không thể không theo vì nếu chậm chân sẽ bị lỗi nhịp phát triển. Câu chuyện ở đây không còn là việc có tham gia hay không tham gia vào tiến trình phát triển AI, mà là nên bắt đầu và tiến hành như thế nào. Nếu tham gia sớm và chủ động thì cơ hội đến với chúng ta sẽ nhiều và lớn hơn. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam là quốc gia mở, một quốc gia hội nhập sâu và rộng ở phạm vi khu vực và thế giới nên khó có thể đứng ngoài xu hướng phát triển lớn trên thế giới như vậy. Cần thấy rằng trí tuệ không phải là công nghệ bình thường, mà là liên quan đến sức mạnh kinh tế quốc gia, an ninh quốc gia, quốc phòng và vị thế của quốc gia.

Do đó, tôi thấy cần có thông tin tuyên truyền rộng rãi, đặc biệt các lợi ích của AI trong ứng dụng thực tế, để người dân thấy được trí tuệ nhân tạo không còn là cái gì đó viển vông nữa mà trên thế giới người ta đã làm rồi, các quốc gia khác và chính mình cũng đã và đang áp dụng rồi.

Điểm nữa quan trọng là chiến lược quốc gia về phát triển và ứng dụng AI. Chúng ta đã có chiến lược về phát triển về AI giai đoạn 2020 - 2030, được Thủ tướng ký và ban hành năm 2021. Nhưng chúng ta cũng thấy rằng trí tuệ nhân tạo đang phát triển rất nhanh về mặt công nghệ, về mặt tiếp cận, về mặt ứng dụng cho nên chúng ta cần bám sát và cập nhật theo xu hướng phát triển về trí tuệ nhân tạo thông qua cải tiến chính sách định kỳ.

Góc nhìn từ người trong cuộc, ngoại giao kinh tế: Việt Nam thiếu gì cho cuộc đua AI toàn cầu?  - Ảnh 8.

Bà Nguyễn Thy Nga: Đại hội XIII của Đảng đã đề ra “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ” trong các hoạt động ngoại giao kinh tế. Các địa phương, doanh nghiệp đã liên kết nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế, tăng cường kết nối đối tác, mở rộng xuất khẩu, thu hút FDI có chất lượng, hợp tác khoa học công nghệ…”

Cuộc đua công nghệ toàn cầu đang nóng lên và Việt Nam có cơ hội đặc biệt để khẳng định vị trí đón đầu trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn. Ước tính ngành bán dẫn toàn cầu sẽ cần thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip. Chính phủ Việt Nam đang có chiến lược đào tạo nhân lực cho ngành, và tin tưởng rằng nguồn nhân lực chính là lợi thế lớn nhất và nổi bật nhất của Việt Nam so với các quốc gia, nền kinh tế khác trên thế giới. Và ngoại giao Kinh tế là cầu nối để dẫn nguồn Việt Nam đến với những xu thế toàn cầu.

Góc nhìn từ người trong cuộc, ngoại giao kinh tế: Việt Nam thiếu gì cho cuộc đua AI toàn cầu?  - Ảnh 9.

Các nội dung trong cuộc trao đổi được các chuyên gia Kinh tế cao cấp của Chương trình Vòng tròn Chính sách liên kết phát triển. Các chuyên gia (từ trái qua phải): Viện trưởng Nguyễn Thy Nga, Chuyên gia Võ Trí Thành, Chuyên gia Vũ Đình Ánh, Chuyên gia Vũ Thị Hải Phượng, Chuyên gia Nguyễn Thanh Lâm.

Nội dung trên được trích dẫn trong cuộc trao đổi thuộc chuỗi đối thoại Vòng Tròn Chính Sách là chương trình phối hợp giữa Đề án Chiến lược Phát triển Việt Nam và Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống.

Viện trưởng Nguyễn Thy Nga là host của chương trình, buổi trao đổi với tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco ông Hoàng Anh Tuấn về Chiến lược Phát triển Việt Nam trong Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo (AI), người quan trọng thầm lặng trong kết nối nâng tầm Việt Nam trong cuộc đua toàn cầu là cuộc đối thoại độc quyền và duy nhất của Tổng lãnh sự trong hoạt động kết nối Nvidia về Việt Nam thời gian qua.

 

 

Chuyên gia Nguyễn Thy Nga

Cùng chuyên mục
XEM