Góc nhìn Singapore: Việt Nam là lá bài chiến lược của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều

23/02/2019 15:45 PM | Xã hội

Singapore với tư cách là cựu chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, rất quan tâm đến cuộc gặp gỡ lần hai của hai nhà lãnh đạo tại Hà Nội sắp tới. Truyền thông Singapore nhận định: Việt Nam đã nổi bật lên trong vị trí đối tác quan trọng của Hoa Kỳ, với hình mẫu của một quốc gia nỗ lực mở cửa và cải cách.

 Góc nhìn Singapore: Việt Nam là lá bài chiến lược của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 1.

Vài tuần trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, cuộc gặp gỡ được mong chờ nhất giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh đã khiến cả thế giới đồn đoán.

Giống như Singapore năm ngoái, trước khi hai nhà lãnh đạo bắt tay lần đầu tiên, địa điểm gặp mặt sẽ được giữ bí mật cho đến phút cuối cùng.

Việt Nam, năm 2018 vừa qua đã tổ chức Diễn đàn kinh tế Thế giới về ASEAN, trước đó đã là chủ nhà của Hội nghị Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017. Đất nước này đã không còn xa lạ với các sự kiện lớn.

Ngoài việc nâng cao tầm vóc ngoại giao của Việt Nam, hội nghị diễn ra vào ngày 27 – 28 tháng 2 tới đây còn làm nổi bật những mối quan hệ ngoại giao mật thiết của Việt Nam với Hoa Kỳ cũng như Triều Tiên. Những mối liên kết đó đã khiến Hà Nội trở thành nước chủ nhà thích hợp nhất, vào thời điểm thế giới đang tìm kiếm những bước đi cụ thể để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

"Việt Nam đang nổi lên như một đối tác quan trọng với Mỹ ở khu vực Đông Nam Á, vào thời điểm mà phần lớn các quốc gia ASEAN quá bận rộn với việc tập trung giải quyết những vấn đề nội bộ. Do đó, việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh này sẽ nâng cao hình ảnh của Việt Nam với tư cách là một chủ nhà chiến lược quan trọng" – ông Murray Hiebert, một lãnh đạo cấp cao của chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, trụ sở tại Hoa Kỳ, trả lời The Straits Times.

Chẳng hạn, tại nước láng giềng Campuchia, các quan chức chính phủ đang vấp phải sự chỉ trích của Mỹ về việc giam giữ nhà lãnh đạo của phe đối lập vào năm ngoái. Myanmar, không khá hơn bao nhiêu khi phải vật lộn với bạo lực ở Rakhine phía Tây, đang đóng cửa với các nhà phê bình và truyền thông.

Ngược lại, Việt Nam vẫn luôn giữ mỗi quan hệ hòa hảo với Hoa Kỳ để bảo vệ thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình, và mở rộng lựa chọn ngoại giao khi cạnh tranh thương mại với Trung Quốc.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có một bước đột phá vào năm 2015 bằng chuyến thăm Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ - ông Barrack Obama tại Nhà Trắng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - người tiếp đón ông Obama tại Hà Nội năm 2016, cũng chính là nhà lãnh đạo ASEAN đầu tiên đến thăm Nhà trắng sau khi ông Trump nhậm chức vào năm 2017.

 Góc nhìn Singapore: Việt Nam là lá bài chiến lược của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 2.

Việt Nam vẫn luôn giữ được quan hệ ngoại giao tốt với Triều Tiên, hai quốc gia chưa bao giờ có xung đột. Triều Tiên đã từng hỗ trợ quân đội Việt Nam trong thời chiến. The Straits Times cho rằng: Mối quan hệ giữa Việt Nam với Triều Tiên có thể đưa Việt Nam trở thành một cố vấn đắc lực cho chủ tịch Kim Jong Un về việc mở cửa và tự do hóa nền kinh tế Triều Tiên.

Tiến sĩ Lê Thu Hương - nhà phân tích cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Australia, đã nói với The Straits Times: "Bằng cách đăng cai hội nghị và cho thấy tiềm năng của một mô hình kinh tế mở cửa và cải cách điển hình, Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Triều Tiên giải quyết các vấn đề dài hạn cả về kinh tế xã hội, vượt ra ngoài khuôn khổ những vấn đề phi hạt nhân hóa".

Mối tương quan giữa Việt Nam và Triều Tiên cũng thật là kỳ lạ.

Năm 1945, thời điểm Nhật đầu hàng quân Đồng minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa cũng chính là thời điểm Triều Tiên được giải phóng khỏi tay Đế quốc Nhật.

Trong thời điểm chiến tranh lạnh, Việt Nam đã bị chia cắt hai miền Nam Bắc ở vĩ tuyến 17 độ, phải đổ rất nhiều máu và nước mắt mới có thể giải cứu miền Nam trở thành một quốc gia thống nhất. Trong khi bán đảo Triều Tiền từ khi bị chia cắt đến nay vẫn chưa thể hàn gắn.

Dù có nhiều điểm tương đồng nhưng từ khi Việt Nam thay đổi đường lối kinh tế qua cuộc cải cách "Đổi mới" vào năm 1986, con đường mà Việt Nam đi đã hoàn toàn khác so với Triều Tiên.

Hai quốc gia đều cùng có mâu thuẫn với phía Mỹ trong quá khứ. Dù vậy, mối quan hệ Việt – Mỹ và Triều - Mỹ trong những năm gần đây quả là hai thái cực hoàn toàn khác biệt. Triều Tiên trong suốt nhiều năm vẫn chưa buông lỏng vấn đề cho phép người Mỹ đến Triều Tiên.

Các báo cáo cho thấy khách du lịch mang hộ chiếu Hoa Kỳ hầu như không được cấp Visa Triều Tiên trừ một vài trường hợp ngoại lệ từng xảy ra vào năm 1995, 2002, và 2005. Trong khi Việt Nam đón hàng triệu lượt khách du lịch từ Mỹ hằng năm, số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy du khách Mỹ đến thăm Việt Nam tăng đều qua các năm và hiện chiếm 6% tổng số khách quốc tế.

 Góc nhìn Singapore: Việt Nam là lá bài chiến lược của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 3.

Việt Nam là quốc gia có độ mở nền kinh tế cao, hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra rất mạnh và dòng vốn nước ngoài cũng chiếm phần không nhỏ trong vốn phát triển toàn xã hội. Tính đến thời điểm hiện tại Việt Nam có tới hơn chục Hiệp định thương mại tự do, trong khi Triều Tiên đến nay vẫn chỉ có một đồng minh thân cận duy nhất là Trung Quốc, dù đã nhiều lần lao đao vì những lệnh cấm vận đến từ chính đất nước này.

Những năm trở lại đây Việt Nam luôn nỗ lực tìm cách giảm khai thác than và thay thế sử dụng than bằng các nguồn năng lượng tái tạo khác, còn Triều Tiên thì vẫn phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào việc khai thác khoáng sản, chủ yếu là than. Đó không phải là con đường mà Triều Tiên có thể đi được lâu dài giữa bối cảnh Liên Hợp Quốc và hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang muốn giảm bớt các tác động môi trường đến từ ngành nhiệt điện và khai thác khoáng sản này. Cái mà Triều Tiên cần là một hướng đi khác, để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

So với ông và cha mình, hai vị cựu chủ tịch Triều Tiên là Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) và Kim Jong Il (Kim Chính Nhật), ngài Kim Jong Un cho thấy mình là người có tư tưởng tiến bộ và tích cực hơn rất nhiều. Sự chuyển mình cả về văn hóa và ngoại giao của Triều Tiên trong thời gian qua chứng tỏ Triều Tiên cũng rất mong muốn sẽ có sự thay đổi lớn để cải cách nền kinh tế. Hội nghị thượng đỉnh lần này được kỳ vọng sẽ mang lại bước đột phá không chỉ cho mối quan hệ Triều – Mỹ mà có thể với sự giúp đỡ của Việt Nam, một con đường mới sẽ mở ra cho Triều Tiên đến gần hơn với thế giới.'

Bài: Nguyễn Thái Quỳnh Trang Nguồn: The Straits Times Thiết kế: 7pm

Cùng chuyên mục
XEM