Góc nhìn khác về cơn điên của vàng: Giá vẫn thấp hơn 21% so với đỉnh năm 1980, vàng thế giới vẫn đang rẻ và có thể lập đỉnh tiếp!?
"Giá vàng đang ở mức đỉnh cao nhất của thời đại, nhưng, nếu xét đến yếu tố lạm phát, giá vàng sau khi điều chỉnh lạm phát hiện vẫn thấp hơn 21% so với mức đỉnh của cơn sốt mua vàng năm 1980", báo cáo của VDSC cho biết.
Giá vàng – cơn đau đầu của các nhà phân tích
Nhiều nhà phân tích đang phải đau đầu với đà tăng bền bỉ của giá vàng thế giới trong giai đoạn đầu năm 2024, báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết.
Trong nước, sáng 11/5, giá vàng SJC bán ra đã leo lên mức 92,4 triệu đồng/lượng. Trên thế giới, giá vàng đã tăng hơn 12% so với đầu năm và xấp xỉ bằng mức tăng của cả năm 2023 (13%).
"Hành vi của thị trường vàng hiện tại có nhiều điểm thú vị đáng xem xét", báo cáo của VDSC cho biết.
Mô hình phân bổ lợi suất của vàng (GRAM) do Hội đồng Vàng thế giới xây dựng giúp bóc tách được động lực tạo ra mức tăng giá của vàng trong các tháng đầu năm nay.
Đầu tiên, câu chuyện thường được nhắc đến khi so sánh vàng với các kênh tài sản khác là vàng không tạo ra lợi tức như trái phiếu, cổ phiếu… Vì vậy, xét về chi phí cơ hội so với các tài sản có lợi tức cố định như trái phiếu chính phủ (TPCP), vàng sẽ tăng giá khi lãi suất thực giảm.
Do đó, mối tương quan giữa giá vàng và lợi suất TPCP Mỹ sau khi điều chỉnh lạm phát (TIPS) thường là nghịch biến. Thực tế, mối liên hệ này có vẻ đã bị cắt đứt hoàn toàn kể từ đầu năm 2023 khi lợi suất TIPS liên tục tăng cùng chiều với giá vàng.
Thứ hai, lý giải ở động lực đến từ chi phí cơ hội trên cơ sở xem xét tương quan của vàng với các đồng tiền khác, nổi bật là USD thì vàng thường tương quan nghịch biến với đồng USD do vàng và USD được coi là hai tài sản thay thế nhằm hướng đến kênh trú ẩn an toàn.
Vàng được giao dịch bằng USD, khi USD tăng giá thì người mua phải mất chi phí nhiều hơn để mua vàng, vì vậy làm cản trở động lực tích trữ vàng. Mối tương quan này cũng không còn giải thích được đà tăng của giá vàng trong các tháng đầu năm nay khi USD và vàng cùng mạnh lên.
Cuối cùng, rủi ro địa chính trị (chẳng hạn như căng thẳng leo thang ở khu vực Trung Đông) và yếu tố mang tính động lượng và xu hướng được coi là hai yếu tố thúc đẩy đà tăng giá vàng trong tháng 3/2024. Tuy nhiên, đến tháng 4/2024, yếu tố động lượng và xu hướng đã không còn đi theo hướng có lợi cho giá vàng, trong khi đó, tác động từ rủi ro địa chính trị lên giá vàng thu hẹp.
Kết quả là phần lớn đà tăng của giá vàng trong 3 tháng gần đây được giải thích bằng "yếu tố chưa được giải thích cụ thể trong mô hình", vốn chưa cập nhật chỉ số đo lường sức mạnh trong nhu cầu vàng liên tục đến từ Trung Quốc
Giá vàng thế giới sẽ tiếp tục lập đỉnh?
Nhìn về triển vọng giá vàng thế giới, nhiều nhà phân tích khẳng định rằng việc tích trữ vàng của NHTW là một xu hướng dài hạn và còn kéo dài trong bối cảnh các NHTW tìm kênh trú ẩn an toàn, giảm sự phụ thuộc đồng USD trong bối cảnh nợ công của Mỹ ngày càng tăng cao.
Đồng thời, yếu tố bất ổn địa chính trị do căng thẳng leo thang ở một số khu vực trên thế giới và việc đối đầu giữa các nhóm quốc gia cũng là một động lực không bàn cãi.
Tính đến cuối tháng 3/2024, dự trữ vàng của Trung Quốc là 2.262,4 tấn, tương đương 4,6% tổng lượng dự trữ ngoại hối của nước này. Trường hợp của Trung Quốc hiện tại có thể liên hệ với Nga, liên tục từ năm 2006 đến trước khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra, Nga đã liên tục tăng dự trữ vàng với quy mô chưa từng có. Xu hướng tăng dự trữ vàng của Trung Quốc chỉ mới được tăng cường từ cuối năm 2022 đến nay, mặc dù quy mô dự trữ vàng của Trung Quốc tương đương Nga nhưng mới chỉ bằng khoảng 28% dự trữ vàng mà Mỹ nắm giữ.
Như vậy, việc tích trữ vàng của Ngân hàng TƯ Trung Quốc (PboC) có thể còn lâu mới kết thúc. Trong khi đó, bất chấp giá tăng cao kỷ lục, lượng cầu vàng của người dân Trung Quốc vẫn tăng mạnh, được hỗ trợ bởi tâm lý muốn bảo vệ tài sản trong bối cảnh các kênh tài sản khác như chứng khoán hay bất động sản tại nước này suy giảm.
"Nhu cầu tích trữ vàng của Trung Quốc có lẽ chỉ dừng lại khi nền kinh tế và thị trường bất động sản của nước này thể hiện đà phục hồi rõ nét".
"Trong ngắn hạn, động lực tăng của vàng đã chững lại, tuy nhiên, yếu tố dài hạn đang ủng hộ vàng trở lại đà tăng giá", báo cáo của VDSC nói thêm.
Theo phân tích từ VDSC, giá vàng đang ở mức đỉnh cao nhất của thời đại, nhưng, nếu xét đến yếu tố lạm phát, giá vàng sau khi điều chỉnh lạm phát hiện vẫn thấp hơn 21% so với mức đỉnh của cơn sốt mua vàng năm 1980.
Soi chiếu từ góc nhìn lịch sử, khi vàng được coi là tài sản chống lại rủi ro lạm phát thì giá vàng thế giới vẫn đang rẻ và có cơ hội thiết lập các mức đỉnh tiếp theo. Do đó, kịch bản dự báo giá vàng thế giới tăng đến mốc $2.700-$3.000/ounce của một số tổ chức tài chínhcó xác suất xảy ra tương đối cao.
Phân tích triển vọng giá vàng thế giới có thể lý giải được đà tăng của giá vàng trong nước trong thời gian qua. Tuy nhiên, điều này lại không giúp lý giải tại sao giá vàng trong nước lại chênh lệch nhiều với giá thế giới, báo cáo của VDSC cho hay.
Trong bối cảnh giá vàng miếng trong nước liên tục tăng, giá chênh lệch cao so với giá vàng thế giới, mới đây Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.