Góc khuất của những đám cưới cô dâu Việt - chú rể Trung Quốc: Bị môi giới lừa, sang đến nơi mới vỡ lẽ một điều để rồi "quay xe" ngay lập tức
Đằng sau mơ ước cưới chồng Trung Quốc của nhiều cô dâu Việt là không ít bi kịch. Có người bị lừa cưới trai trẻ, giàu có nhưng khi đến nơi mới vỡ lẽ.
Tại Trung Quốc, dân số hơn 1,3 tỷ nhưng nhiều nam giới vẫn không thể cưới vợ. Gia cảnh nghèo khó có thể chỉ là một phần, vì tỷ lệ mất cân bằng giới tính giữa nam- nữ mới là nguyên nhân chính.
Điều đó có nghĩa là số lượng nam giới ế chiếm số lượng đông đảo trong khi tỷ lệ nữ giới lại ít hơn. Cho nên, chuyện kết hôn trở thành nỗi đau đầu với những đàn ông không có tiềm lực tài chính đủ để chinh phục được trái tim các cô gái bản xứ.
Năm 2020, Wei Li là PGS Xã hội học tại Đại học quốc gia Frostburg (Mỹ) có bài bình luận về chuyện phụ nữ Việt Nam kết hôn với nam giới Trung Quốc trên trang Channel News Asia. Bài bình luận đã đưa ra nhiều điều đáng chú ý trong các đám cưới nhanh chóng sau những lần hẹn hò vội vàng thông qua các công ty môi giới hôn nhân.
Số liệu được đưa ra năm 2020 cho thấy, Trung Quốc có lượng nam giới nhiều hơn nữ giới trong độ tuổi kết hôn lên đến 24 triệu người. Điều đó có nghĩa, với nhiều nam giới ở quốc gia này, việc tìm được một cô gái để hẹn hò, yêu đương rồi kết hôn không hề dễ dàng giữa lúc tỷ lệ mất cân bằng giới tính trầm trọng.
Nhiều cô gái muốn kết hôn với người Trung Quốc thông qua dịch vụ mai mối.
Tình trạng thiếu nữ giới trầm trọng ở Trung Quốc xuất phát từ 3 thập kỷ thực hiện chính sách một con của quốc gia này. Cho dù, chính sách kế hoạch hoá gia đình giúp kiềm chế tỷ lệ sinh để phát triển kinh tế nhưng hệ luỵ nó để lại chính là chuyện thiếu nữ giới để nam giới có thể tiến tới hôn nhân.
Với sự phát triển kinh tế nhanh chóng tại các thành phố của Trung Quốc, nhiều cô gái trẻ rời quê hương với hy vọng đổi đời càng khiến đàn ông ở nông thôn khó khăn trong việc tìm vợ.
Trong khi đó, với những người đã ly hôn tại quốc gia đông dân nhất thế giới lại lâm vào cảnh không đủ khả năng để trang trải chi phí cho một đám cưới. Bởi vì, ở Trung Quốc, gia đình chú rể phải lo một căn nhà cho vợ chồng mới cưới, tặng cho gia đình cô dâu một khoản hồi môn trung bình 20.000 USD.
Theo PGS Wei Lei, các cô gái Việt Nam kết hôn với đàn ông Trung Quốc thông qua nhiều cách. Một trong đó có thể gặp nhau khi chồng làm việc tại Việt Nam. Hai nước có chung đường biên giới dài hàng ngàn km, có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ, thêm vào đó sự tương đồng về văn hoá giữa giữa 2 nước tạo điều kiện thuận lợi cho các mối quan hệ.
Những cuộc hôn nhân bi kịch
Ở một số khu vực biên giới, hơn 50% cặp đôi Việt Nam- Trung Quốc nên duyên đã biết nhau từ trước. Hôn nhân của họ êm đềm và suôn sẻ.
Tuy nhiên, không phải đám cưới nào của người Việt với nam giới Trung Quốc cũng được xây dựng từ yêu đương. Có ít nhất 5% cuộc hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam và đàn ông Trung Quốc có vợ bị bán sang Trung Quốc. Đây thường là những cô gái nghèo bị dụ dỗ đến với lời hứa về công việc có thể kiếm nhiều tiền.
Các cô gái có thể bị lừa kết hôn với người trẻ nhưng chồng lại là người nghèo, già nua (Ảnh minh hoạ).
Sau khi bước chân qua biên giới, đầu tiên họ bị bán vào các ổ mại dâm ở thành phố. Sau vài tháng hoặc vài năm bị ép bán dâm, các cô gái này bị bán cho những người đàn ông Trung Quốc nghèo khổ, già nua muốn tìm vợ.
Trong khi đó, nhiều đàn ông Trung Quốc tìm vợ thông qua các công ty chuyên môi giới kết hôn. Đây là một ngành hái ra tiền ở Trung Quốc. Sau mỗi thương vụ thành công, một công ty môi giới có thể kiếm được 4000 USD.
Một nghiên cứu từng cho biết, ở các khu vực biên giới, 10% các cuộc hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam và đàn ông Trung Quốc là thông qua các cuộc gặp online. Ở các địa phương sâu trong nội địa Trung Quốc, tỷ lệ này có thể cao hơn vì hai bên khó có cơ hội gặp nhau.
Điều đáng nói là không phải công ty môi giới hôn nhân nào cũng đưa danh tính chính xác về người chồng tương lai cho các cô gái muốn kết hôn. Họ hứa hẹn đủ điều, sẽ được cưới chồng trẻ, chưa có vợ và giàu có. Chỉ khi đến Trung Quốc, nhiều cô gái mới vỡ lẽ, chồng mình là người già nua, nghèo và thường đã có một đời vợ.
Mơ ước về cuộc sống đổi thay sụp đổ hoàn toàn khi bước chân vào cuộc hôn nhân làm cho một số cô gái quay về nước ngay trước hoặc sau khi hôn lễ được tổ chức.
Ở một góc nhìn khác, nam giới Trung Quốc tìm vợ nước ngoài cũng dễ bị lừa đảo bởi những người xấu. Báo chí Trung Quốc không ít lần đưa tin về các trường hợp lừa đảo kết hôn. Trong đó, một cô gái Việt Nam sẽ trao đổi với phía môi giới để giả vờ yêu một người đàn ông Trung Quốc. Sau khi kết hôn, cô dâu chuyển đến nhà chồng để sinh sống. Tuy nhiên, ngay sau khi nhà chồng đưa khoản tiền hồi môn thì cô dâu bỏ trốn.
Cho đến nay, nhiều người Trung Quốc vẫn đánh giá đàn ông phải lấy vợ người nước ngoài là "thất bại" do không tìm được bạn đời tại quê hương mình, nhưng khoảng 50% các cặp đôi vợ chồng Việt - Trung cảm thấy vui vì họ đang sống trong cuộc hôn nhân hạnh phúc.
"Tôi đã có vợ và một con trai. Tôi cần gì nữa chứ", anh Jin Gang, 31 tuổi, ở Hà Nam, Trung Quốc bày tỏ niềm vui khi được hỏi về cuộc hôn nhân với người vợ Việt Nam.
Có lẽ những câu chuyện như Gin Jang không phải là hiếm nhưng cũng không phải là phần lớn. Bởi, những cuộc hôn nhân không có tình yêu sẽ luôn chứa đựng nhiều bất trắc và bi kịch ít ai ngờ.