Ý tưởng giúp bà con miền Trung làm nhà chống lũ: Nước lên, nhà cũng... lên

31/10/2016 14:07 PM | Công nghệ

"Nhà chống lũ" là chương trình kêu gọi đóng góp từ cộng đồng để xây dựng nhà chống lũ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở miền Trung.

Mỗi lần nghĩ về khúc ruột miền Trung là nghĩ về những cơ cực mà người dân nơi đây phải quanh năm gánh chịu.

Mùa nắng hạn hán nứt nẻ ruộng đồng, mùa bão tan nhà nát cửa, mưa lũ nhấn chìm hàng nghìn mái nhà ngập trong biển nước, bao nhiêu tài sản, gia súc gia cầm cũng bị cuốn trôi hết theo dòng nước xiết.

Lũ này chưa qua, bão khác lại sắp sửa ập đến. Những hình thức thiện nguyện cứu trợ đồng bào miền Trung chỉ là giải pháp tạm thời, không mang tính về lâu về dài giúp người dân.

Trước hết, bão lũ đến mà giữ được căn nhà, là có khả năng cao để giữ lại những của cải khác, thậm chí cả tính mạng con người. Vì thế một ý tưởng sáng tạo và hữu dụng giúp sức cho đồng bào miền Trung đã ra đời.

Đó chính là mô hình nhà chống lũ vô cùng phù hợp với hoàn cảnh của người dân.

Mô hình nhà phao này là sản phẩm sáng tạo của nhóm "Nhà chống lũ", bắt đầu ra đời từ năm 2014. Học tập theo cách đóng nhà bè nuôi trồng thủy hải sản, nhóm đã dựng thành công nhà chống lũ cho đồng bào miền Trung.

Đây là một dạng nhà nổi, phần trên là kết cấu nhẹ (khung gỗ/ sắt, vách, mái tôn) và dưới là thùng phuy nhựa/ sắt để giúp làm nổi cả căn nhà. Nước dâng tới đâu, nhà phao sẽ nổi lên đến đấy.

Dạng nhà nổi này cũng lấy ý tưởng từ bè chuối, bè cây của cha ông ta ngày xưa. Ở xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá, Quảng Bình, trước đây người dân cũng dùng bè cây, nhưng khi xảy ra bão lũ không thể chịu được mưa gió và không đảm bảo an toàn.

Đây là một ý tưởng hết sức thiết thực và có ý nghĩa to lớn đối với người dân vùng rốn lũ. Tất cả tài sản, lương thực quan trọng được cất vào nhà phao từ đầu mùa lũ.

Khi thấy mưa lớn kéo dài, bà con chuyển nốt những thứ cần thiết còn lại lên nhà phao. Theo như tình hình cập nhật ở một số gia đình tại rốn lũ Tân Hoá, các nhà phao đều đang vận hành rất ổn.

Đại đa số người dân đều vui mừng và yên tâm chống lũ khi có được căn nhà nổi này. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có ý kiến cho rằng nếu thay các sợi dây cáp bằng cột thép hình thì sẽ chắc chắn hơn.

Khi nước lên, nhà sẽ tự nổi theo ray thép, tính an toàn cao hơn là sử dụng các đoạn dây cáp. Cũng có người nhận định, nếu là lũ quét thì chưa chắc sợi dây cáp đã đủ lực để giằng níu căn nhà, vì thế cần nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn về mô hình nhà chống lũ này cho người dân.

Hy vọng trong thời gian tới, mô hình nhà chống lũ như này sẽ được nhân rộng trên khắp các tỉnh miền Trung, hạn chế được tối đa những thiệt hại về người và của.

Bạn đọc quan tâm có thể quyên góp, ủng hộ cho ý tưởng nhà chống lũ của nhóm bạn trẻ tại đây.

Chang Hè

Cùng chuyên mục
XEM