Giữ được lạm phát nhưng xuất hiện nỗi lo cho năm kế tiếp?
Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% là khả thi, theo nhiều ý kiến của chuyên gia. Tuy nhiên, việc điều chỉnh để giữ được mức này gây ra sự quan ngại nhất định.
TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết dù CPI tháng 7 đã có dấu hiệu giảm nhiệt, cụ thể là 0,09% so với tháng 6 và là tháng giảm đầu tiên sau khi chỉ số này tăng liên tục kể từ tháng 4 – tháng 6 (lần lượt là 0,08% - 0,05% - 0,61%) nhưng áp lực điều hành giá của Chính phủ vẫn rất lớn.
Dư địa so với mục tiêu lạm phát cả năm được ông Long nhấn mạnh là còn rất ít. Việc CPI tháng 7 giảm (có thể sang tháng 8 tiếp tục giảm) là theo quy luật giảm giá vào giữa năm. Trong khi đó, khi sang tháng 9, tức bước vào mùa giáo dục, cũng như các tháng cuối năm, xu hướng sản xuất, tiêu thụ tăng mạnh có thể đẩy CPI tăng thêm.
Lạm phát, bên cạnh đó, còn đối diện với rủi ro lớn đến từ giá dầu, tỷ giá hay thiên tai - vốn thường xuất hiện nhiều vào nửa cuối năm.
Do vậy, để giữ được mục tiêu 4% đã đề ra, cần một sự quyết tâm điều hành rất lớn. Hiện tại, ông Long cho rằng Chính phủ đã có sự kiểm soát nhất định. Ví dụ việc giá điện không tăng trong năm 2018, đẩy nhanh giảm giá một số mặt hàng thiết yếu, trong đó có giá dịch vụ y tế.
Theo ông Ngô Trí Long, dù gặp nhiều khó khăn và rủi ro như đã phân tích, nhưng khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4% vẫn có thể được thực hiện.
Tuy nhiên, một số biện pháp như không tăng giá điện, cũng chỉ là tạm thời, áp dụng cho năm 2018. Ông Long cho rằng nếu nhiều yếu tố về giá bị "ép", "nén" lại trong năm nay để đảm bảo cho mục tiêu của năm 2018 rất có thể sẽ gây đột biến, đẩy áp lực cho năm tiếp theo. "Đó mới là điều quan trọng", ông Long nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính cũng đồng quan điểm với TS. Ngô Trí Long khi cho rằng lạm phát sẽ được kiểm soát trong mục tiêu đề ra.
Theo ông Độ, xăng dầu và giá thịt lợn có thể là ẩn số sẽ ảnh hưởng tới lạm phát cuối năm. Tuy nhiên, ông cho biết nếu 2 mặt hàng này tiếp tục tăng mạnh lên đến 80 – 90 USD/thùng (đối với giá dầu) và 50.000 – 60.000 đồng/kg (giá thịt lớn) thì mục tiêu lạm phát dưới 4% vẫn có thể đạt được, nhưng phải trong điều kiện tỷ giá được giữ ổn định.
Vị chuyên gia này nhận định trong khi lạm phát đang ở mức cao, việc tỷ giá bị tăng lên, đồng nghĩa là đổ thêm dầu vào lửa.
Mới đây, Ban chỉ đạo điều hành giá đã đưa ra thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo, về công tác điều hành.
Kết luận nhấn mạnh đến việc các cơ quan có liên quan đẩy nhanh việc giảm giá của các mặt hàng thiết yếu. Đơn cử Bộ NN&PTNN phải có biện pháp cụ thể để bình ổn giá mặt hàng thịt lợn, tổ chức triển khai thực hiện ngay việc rà soát để cập nhật thông tin, nắm bắt hiện trạng số lượng đàn lợn, tổng lượng cung thịt lợn, trên cơ sở đó có kịch bản và đề xuất biện pháp điều hành cung cầu cụ thể báo cáo Chính phủ, Ban chỉ đạo.
Đối với các mặt hàng nông sản khác, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, kiểm soát chặt chẽ cung cầu, tăng cường công tác dự báo để có ứng phó kịp thời với các biến động bất thường từ thị trường cũng như tình hình thiên tai, bão lụt có thể xảy ra.
Hay Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, trích lập và sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá linh hoạt với liều lượng thích hợp. Trường hợp có biến động lớn về giá xăng dầu cần phải tính đến việc tạm không trích quỹ trong một thời gian để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng còn yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng. Điều tiết tốt lượng tiền trong lưu thông, đảm bảo thanh khoản thông suốt. Thực hiện đồng bộ các biện pháp để ổn định tỷ giá, điều hành lạm phát cơ bản năm 2018 khoảng 1,6%.