Giới trẻ Trung Quốc nghiện xem bài Tarot: Người xem cần điểm tựa để bấu víu, "thầy bói" online kiếm hàng tỷ đồng mỗi tháng
Trong khi người trẻ coi Tarot là liều thuốc giả dược để tự trấn an tinh thần thì công việc này đã đem tới khoản thu nhập khổng lồ cho các "thầy bói" online.
Dưới áp lực từ công việc và cuộc sống, giới trẻ ở đất nước tỷ dân ngày càng đặt niềm tin vào bói toán.
Ngoài 2 khía cạnh trên, họ còn muốn biết thêm những khả năng và hạn chế trong đời sống tình cảm.
Liều thuốc tinh thần từ Tarot
Năm ngoái, Lý Thái Hành đang chuẩn bị thi cao học bắt đầu chú ý đến bói bài Tarot như một cách để giải tỏa áp lực tâm lý và lấy lại sự tự tin.
Ban đầu Lý bói miễn phí trên web. Sau khi đặt câu hỏi, thầy bói giải quẻ, mỗi lần không quá 10 phút. Điều khiến chàng trai hài lòng là lần bói nào cũng cho kết quả "đỗ thạc sĩ". Từ đó, Lý bắt đầu tìm hiểu và mua tài liệu trên mạng, học cách bói bài Tarot.
Theo quan điểm của Lý, bói toán giống như giả dược (thuốc không có công dụng, không có hại chỉ để động viên tâm lý bệnh nhân). "Đôi khi căng thẳng, tôi lại tìm đến bói bài như một cách giải trí, ngay cả khi nó không chính xác", chàng trai đến từ Thượng Hải nói.
Sống tại Bắc Kinh, cô gái tên Tiểu Bình tìm đến thầy bói bởi băn khoăn giữa hai công việc sau khi ra trường. Một là công việc ở quê, suôn sẻ sẽ trở thành công chức nhà nước, hai là lời mời làm việc tại Bắc Kinh. Giữa hai cơ hội, Tiểu Bình bối rối và hy vọng ai đó có thể giúp mình. Cô liên hệ với một thầy bói trực tuyến trên Taobao, người này yêu cầu khách hàng chọn ba số từ 1-10 rồi phân tích.
"Thầy bói không quyết định giúp tôi mà chỉ phân tích ưu, nhược điểm của hai công việc", Tiểu Bình cho biết. Sau nhiều lần cân nhắc, cô đã chọn công việc ở Bắc Kinh.
Taozi (đến từ tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc) cho hay cô biết về đợt bùng phát Covid-19 sắp tới thông qua một lần đọc tarot. Giữ chặt bộ bài gồm 78 lá trong tay, cô gái 25 tuổi đã dành 5 năm để học cách dự đoán tương lai. Vào tháng 4/2021, Taozi quyết định trở thành người đọc và giải bài tarot (tarot reader).
"Tôi có thể dành gần như cả ngày để ngắm nghía chúng. Tarot là gia đình. Nó trung thành và chưa bao giờ phản bội tôi. Mọi người đang tích trữ bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh, trong khi tôi chỉ cần giữ bộ bài", Taozi nói với Sixth Tone.
Taozi là một trong số những người hành nghề xem tarot, phục vụ cho tầng lớp nhân khẩu học trẻ tuổi. Cô cho biết 90% người tìm đến mình đều thắc mắc những vấn đề liên quan đến chuyện yêu đương.
"Các cô gái gặp tôi để hỏi họ nên làm gì sau khi mối quan hệ đổ vỡ và liệu cả hai có thể quay lại với nhau hay không. Vì vậy, tôi thích chọn những chủ đề này hơn khi làm video", cô nói thêm.
Hay LongNü, một trong những "tarot reader" nổi tiếng nhất Trung Quốc, có gần 1 triệu người theo dõi trên Bilibili. Cô tính phí hơn 2.000 nhân dân tệ cho một phiên xem bói cá nhân trong 60 phút.
Vì sao giới trẻ Trung Quốc thích xem bói?
Phong thủy, bói toán, xem tướng số... đã có lịch sử lâu đời ở Trung Quốc. Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc từng làm khảo sát về các hiện tượng không xác định và nhận thấy cứ bốn người Trung Quốc thì có ít nhất một người tin vào bói toán và có tới 40% số người được hỏi đã từng xem bói.
Trương Hân, phó giáo sư Khoa Tâm lý và Khoa học nhận thức của Đại học Bắc Kinh cho biết, trên nhiều diễn đàn liên quan tới bói toán ở Trung Quốc, hầu hết người tham gia là người trẻ. Những câu hỏi họ thường đặt ra là: Có nên chia tay người yêu? Tôi có thể trụ lại làm việc ở thành phố không? Tôi phải làm gì nếu muốn tìm việc như mong muốn?...
"Nói chung, người đặt câu hỏi lo lắng cho tương lai của mình, mong ai đó đưa ra lời khuyên, không chỉ để tham khảo mà còn bấu víu", phó giáo sư Trương Hân bình luận.
Cũng theo vị phó giáo sư này, việc xem bói dù trực tiếp hay trực tuyến đều nhằm đáp ứng nhu cầu tâm lý của con người. "Có một khái niệm trong tâm lý học gọi là cảm giác kiểm soát, đó là tránh những điều không chắc chắn. Những người xem bói thường đối phó với áp lực cuộc sống, áp lực càng lớn thì họ càng tin vào kết quả bói toán", ông Trương nói.
Wang Ting (22 tuổi) cho hay, các video về tâm linh mang lại niềm an ủi cho cô sau khi chia tay người yêu vào tháng 8 năm ngoái. Cô gái cũng chi hàng trăm nhân dân tệ để nghe tư vấn từ những người đọc tarot khác nhau và mua chuỗi pha lê - một phụ kiện được cho là mang lại may mắn, tình yêu.
"Tình huống được mô tả trong video khớp với câu chuyện của tôi. Tôi đã tuyệt vọng. Tôi cần một câu trả lời. Người ta nói rằng những tinh thể này có thể giúp đưa anh ấy trở lại. Tôi biết nó không đáng tin cậy, nhưng tôi cần nó để làm cho tôi cảm thấy tốt hơn", Wang bày tỏ.
Hiện có hàng trăm công ty sử dụng "phong thủy", "bói toán" và "bói bài" làm hình thức kinh doanh chính thức. Chín trang web bói toán hàng đầu nước này được đầu tư tới 10 triệu tệ (36 tỷ đồng). Có những ứng dụng xem bói có tới 14,48 triệu lượt cài đặt. Trong ứng dụng này, ngoài các mục tư vấn hỏi đáp số mệnh, tử vi còn bán những loại vòng phong thủy, dây chuyền mặt Phật... mà theo quảng cáo sẽ mang lại may mắn.
Châu Lộc Nghiêu là thầy bói bài Tarot. Anh và nhóm của mình từng tổ chức một khóa đào tạo ở Bắc Kinh, học phí 5.800 tệ mỗi người (22 triệu đồng) kéo dài trong ba ngày. Sau đó, mở tiếp lớp đào tạo giáo viên Tarot nâng cao với mức phí 14.800 tệ (hơn 53 triệu đồng). Lớp nào cũng kín học viên.
Tại nơi làm việc của Châu, mỗi ngày anh đón tiếp 7-8 khách, cuối tuần có thể gấp đôi. Khách hàng ổn định có thể mang lại cho anh hàng chục nghìn tệ mỗi tháng, vượt xa thu nhập của nhân viên văn phòng. Tuy nhiên, Châu tiết lộ thu nhập này chỉ ở mức trung bình. Một trong những "sư phụ" của anh có thể thu về 200.000 - 300.000 tệ (700 triệu-1 tỷ đồng), mỗi tháng.
Theo các nhà nghiên cứu, không thể phủ nhận bói toán và phong thủy có sự hợp lý nhất định ở góc độ tâm lý. Giống những bài kiểm tra tâm lý sàng lọc, mọi người sẽ nhận được các kết quả đánh giá và mô tả tính cách một cách mơ hồ và chung chung. Đây cũng được xem là lý do tại sao rất nhiều "nhà tiên tri" hay "thầy bói" ở Trung Quốc cố gắng lấy bằng tâm lý học.
Nhưng ngày càng xuất hiện nhiều chiêu trò gian lận đằng sau bói toán. Những người được gọi là "sư phụ" nắm bắt tâm lý hoang mang, nhức nhối của người đến tư vấn đã dùng những lời lẽ không rõ ràng để lừa đảo lòng tin, rồi lừa tiền. Gần đây, nhiều nhóm bói toán trên Douban, Taobao hay Weibo đều bị cấm cửa.
Về vấn đề này, Quách Tiểu Minh, luật sư một công ty luật ở Tứ Xuyên cho rằng, việc sử dụng bói toán để cổ vũ mê tín dị đoan, gây rối trật tự xã hội và tổn hại sức khỏe của người khác là vi phạm pháp luật. Theo luật Trung Quốc, hành vi này có thể bị giam giữ 15 ngày và phạt 1.000 tệ, còn nếu bị nghi ngờ gian lận sẽ phải xử lý hình sự.