Giới đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu công nghệ
Chỉ số US Dollar Index đạt mức tăng cao nhất sau 2 thập kỷ, qua đó đe dọa triển vọng kinh doanh của các tập đoàn công nghệ do chi phí bị đẩy cao.
Các nhà sản xuất phần mềm vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ đà lao dốc của cổ phiếu công nghệ mới đây lại tiếp tục bị giáng thêm một đòn đau. Nguyên nhân chủ yếu là bởi tập đoàn Microsoft vừa đưa ra lời cảnh báo về rủi ro sóng gió sắp xảy ra trong giới Big Tech.
Nhà sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới này đã hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận trong quý II/2022, đồng thời cho biết việc đồng USD phục hồi là một trong những yếu tố khiến lợi nhuận tập đoàn lao dốc xuống mức 460 triệu USD. Thông báo khiến giới đầu tư khá bất ngờ, trong khi hợp đồng tương lai trên rổ Chỉ số S&P 500 lao dốc.
Theo Bloomberg, Chỉ số US Dollar Index đã tăng hơn 7% so với mức thấp nhất hồi tháng 1/2022. Tháng trước, chỉ số này cũng ghi nhận mức cao nhất sau 2 thập kỷ, qua đó đe dọa triển vọng kinh doanh của các tập đoàn công nghệ do chi phí bị đẩy cao.
“Việc đồng USD tăng giá sẽ là chủ đề được lặp đi lặp lại trong nhiều công ty phần mềm lớn, vì hơn ⅓ doanh số của họ đến từ thị trường nước ngoài”, Anurag Rana, nhà phân tích cấp cao của Bloomberg Intelligence cho biết.
Ngoài ra, đà tăng vọt của lợi suất kho bạc Mỹ nhờ kỳ vọng về một chính sách thắt chặt của Cục dự trữ Liên bang Mỹ FED càng khiến các nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu công nghệ. Tính từ đầu năm nay, quỹ ETF về công nghệ-phần mềm mở rộng đã mất 26% giá trị, trong khi Chỉ số S&P 500 giảm 14%. Cổ phiếu Microsoft cũng giảm 1,7% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, sau lời cảnh báo của đại diện tập đoàn.
Microsoft vừa đưa ra lời cảnh báo về rủi ro sóng gió sắp xảy ra trong giới Big Tech
Tập đoàn Salesforce hồi đầu tuần này cũng đưa ra cảnh báo về đà tăng đồng USD, đồng thời dự báo kết quả kinh doanh quý sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng đến hết tháng 6. Theo Brendan McKenna, chiến lược gia tại Wells Fargo, những tập đoàn tiếp xúc với nhiều loại tiền tệ như Salesforce sẽ cần phải xem xét các chiến lược phòng ngừa rủi ro, trong bối cảnh đồng USD đang phục hồi nhanh hơn đáng kể so với hầu hết các nước phát triển và thị trường mới nổi.
Hiện tại, các nhà phân tích vẫn lạc quan về tương lai phố Wall, song đối với một số nhà đầu tư, vẫn còn quá nhiều rủi ro để rót tiền trở lại vào cổ phiếu công nghệ, dù đây được cho là thời điểm thích hợp để bắt đáy các mã Big Tech.
“Chúng hấp dẫn hơn nhiều so với trước đây. Giá rẻ có thể sẽ càng trở nên rẻ hơn khi tỷ giá tăng cao”, Stephen Hoedt, Giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu cổ phiếu tại Key Private Bank nhận định.
Được biết, những lo ngại xoay quanh quyết sách của FED nhằm kiềm chế lạm phát đã khiến đồng bạc xanh của Mỹ trở thành kênh đầu tư trú ẩn an toàn. Giá loại tiền tệ này trong phiên giao dịch ngày 12/5 vừa qua đã chạm mức kỷ lục trong gần 20 năm qua.
Trước sự hoảng loạn của giới đầu tư, Bộ trưởng Tài chính Mỹ bà Janet Yellen đã lên tiếng trấn an và khẳng định FED có khả năng làm giảm lạm phát mà không đẩy nền kinh tế rơi vào rủi ro suy thoái. Nguyên do là bởi cơ quan này được hỗ trợ bởi một loạt yếu tố, bao gồm thị trường lao động tăng trưởng mạnh mẽ, chi tiêu hộ gia đình cân đối và tỷ lệ nợ thấp.
Theo Bloomberg, Chỉ số US Dollar Index đã tăng hơn 7% so với mức thấp nhất hồi tháng 1/2022
Mới đây, chỉ số US Dollar Index tiếp tục diễn biến tích cực sau khi Mỹ công bố báo cáo việc làm khả quan hơn so với kỳ vọng. Theo ông Michael Pearce, chuyên gia cấp cao tại Capital Economics, dữ liệu việc làm vượt trên dự báo là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế vẫn còn sức bật trong bối cảnh lực lượng lao động bắt đầu phục hồi.
Theo: Bloomberg