Giàu như vợ sếp lớn ngân hàng
Không những mạnh tay bỏ ra hàng trăm tỷ đồng gom cổ phiếu, "phu nhân" của các sếp ngân hàng còn ở vị trí khá cao trong top 100 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.
Thời gian gần đây, không chỉ các lãnh đạo ngân hàng đã quyết định xuống tiền để mua vào cổ phiếu mà hàng loạt lệnh đăng ký mua từ các cổ đông nội bộ, trong đó vợ các lãnh đạo ngân hàng mạnh tay bỏ ra hàng trăm tỷ để gom cổ phiếu đã tác động tích cực đến thị trường. Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng mạnh đồng thời khối lượng giao dịch tăng vọt.
Tại VPBank, sau hơn 2 tháng lên sàn, cổ phiếu VPB đã chính thức vượt ngưỡng 40.000 đồng/cổ phiếu và trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất dòng ngân hàng. Vốn hóa VPB chính thức vượt 60 ngàn tỷ đồng. Thông tin về giao dịch cổ phiếu tại ngân hàng cũng trở nên sôi động hơn.
Mới đây, lần đầu tiên vợ ông Nguyễn Đức Vinh Tổng giám đốc VPbank (người chưa từng nắm bất kỳ một cổ phần nào tại ngân hàng kể từ khi gia nhập) đã công bố việc đầu tư cổ phiếu.
Cụ thể, bà Đỗ Quỳnh Ngân - vợ của Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu VPB. Thời gian giao dịch dự kiến từ 19/10 – 17/11/2017 bằng phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Nếu giao dịch thành công, bà Ngân sẽ nắm 0,67% vốn của ngân hàng VPBank. Với giá cổ phiếu VPB trên sàn hiện hơn 41.000 đồng/cổ phiếu, để sở hữu 10 triệu cổ phiếu đăng ký thì bà Ngân dự kiến sẽ phải bỏ ra không dưới 400 tỷ đồng. Nếu mua thành công số cổ phần này, vợ ông Nguyễn Đức Vinh cũng sẽ lọt top 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Trước đó, vợ của Chủ tịch Ngô Chí Dũng là bà Hoàng Anh Minh đã đăng ký mua vào 63 triệu cổ phiếu VPBank, chiếm tỷ lệ 4,62% vốn điều lệ ngân hàng. Sau khi hoàn tất giao dịch, tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của vợ ông Dũng sẽ tăng lên 4,829%.
Với mức giá hiện tại, số tài sản của ông Dũng tính theo giá cổ phiếu VPBank là 2.895 tỷ đồng. Với khối tài sản này, nếu sắp xếp theo danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán thì ông Dũng đang đứng vị trí thứ 12, còn vợ ông đứng thứ 14.
Cùng thời điểm đó, vợ Phó Chủ tịch Bùi Hải Quân cũng đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,36% lên 4,72%. Trước đó, mẹ và vợ của Phó Chủ tịch Lô Bằng Giang cũng đã đăng ký mua vào 111,8 triệu cổ phiếu, tương đương 8,4% vốn điều lệ của VPBank. Hiện bà Nguyễn Thu Thủy - vợ ông Lô Bằng Giang đứng ở vị trí 25 trong danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán với khối tài sản trên 1.900 tỷ đồng.
VIB là ngân hàng đầu tiên lên sàn năm 2017 với giá khởi điểm 17.000 đồng/cổ phiếu. Đến nay, giá cổ phiếu này đã tăng lên hơn 21.000 đồng/cổ phiếu.
Theo thông tin về giao dịch của cổ đông nội bộ, bà Trần Thị Thảo Hiền, vợ ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB mới đây đã đăng ký mua vào hơn 27,9 triệu cổ phiếu bằng phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trong thời gian từ ngày 18/9 đến 17/10. Số cổ phần bà Hiền muốn mua vào tương đương 3,95% vốn tại VIB hiện nay.
Với thị giá giao dịch hiện tại của cổ phiếu VIB vào khoảng 21.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến bà Trần Thị Thảo Hiền sẽ phải chi ra số tiền gần 600 tỷ đồng để trở thành cổ đông tại VIB. Hiện ông Vỹ đang đứng ở vị trí 72 và vợ ông đứng ngay sau trong top 100 người giàu nhất thị trường chứng khoán.
Một ngày trước ngày chào sàn, vợ của Chủ tịch ngân hàng LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng và Tổng giám đốc Phạm Doãn Sơn đã đăng ký mua tổng cộng 1,5 triệu cổ phiếu với thời gian giao dịch từ 10/10 đến 10/11.
Với xu thế "nhà giàu" quay lại đổ tiền vào ngân hàng được chuyên gia trong ngành lý giải ngành ngân hàng đã tích cực hơn, đã qua giai đoạn sóng gió, nên giờ đây làn sóng đầu tư vào ngân hàng dường như đang hồi sinh trở lại.
Xét trong bức tranh chung của thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng tăng tốt hơn nhiều và nhiều giai đoạn đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Khối lượng giao dịch ở các cổ phiếu ngân hàng cũng khá ấn tượng, trong đó có vài cổ phiếu còn nằm trong top đầu về thanh khoản. Hơn nữa không chỉ có nhà đầu tư nội mua cổ phiếu mà khối ngoại cũng mạnh tay gom hàng. Do đó với tư cách là các cổ đông nội bộ của ngân hàng, vợ của các sếp ngân hàng tất nhiên cũng không thể đứng ngoài dòng chảy của thị trường.