Giật mình trước nạn bạo hành trẻ em tại Hàn Quốc: 80% kẻ ra tay chính là cha mẹ ruột, án phạt rất nhẹ nhàng vì quan niệm đã ăn quá lâu trong văn hóa
Theo thống kê mới nhất từ Hàn Quốc, 80% trẻ em bị lạm dụng là nạn nhân của chính cha mẹ ruột. 10% các ông bố bà mẹ từng bị phạt về tội bạo lực với con cái, tiếp tục lặp lại hành vi ngược đãi.
Năm 2018, phim truyền hình Hàn Quốc cho chiếu một bộ phim dài tập về chủ đề lạm dụng trẻ em: Trăng đỏ, Trời xanh (Red Moon, Blue Sun). Nội dung đầy ám ảnh của nó không phải hư cấu, mà thể hiện một góc khuất đáng sợ ở xứ sở Kim chi.
80% tội phạm lạm dụng trẻ em là cha mẹ ruột
Hàn Quốc là đất nước nặng tư tưởng Nho giáo, xem trọng đến mức cực đoan lòng hiếu thảo và sự kính lễ. Không ít các bậc cha mẹ vẫn xem con cái như tài sản của riêng mình, cho bản thân cái quyền tùy tiện đối xử.
Ngày 29/9/2019, báo chí Hàn Quốc đưa tin một cậu bé qua đời sau khoảng 20h bị cha dượng đánh đập. Cả chân lẫn tay của cậu bé khi ấy vẫn còn đang bị trói. Trước đó, người cha dượng này đã bị kết tội lạm dụng trẻ em tới 3 lần. Năm 2017, hắn từng phải nhận án treo, còn cậu bé tội nghiệp được gửi đến một tổ chức bảo vệ trẻ em.
Chưa đầy một tháng kể từ khi trở về nhà, cậu bé bị bạo hành đến chết.
Ảnh minh họa
Theo công bố mới nhất từ Bộ Phúc lợi của Hàn Quốc, 80% các trường hợp trẻ em bị lạm dụng là nạn nhân của chính cha mẹ ruột. 10% các ông bố bà mẹ từng bị phạt về tội bạo lực với con cái, tiếp tục lặp lại hành vi ngược đãi.
Thống kê năm 2018 ở Hàn Quốc chỉ ra, có 30 trẻ em tử vong vì nạn lạm dụng. Trong đó, 25 trường hợp bị chính cha mẹ ruột của mình ra tay.
Trong năm 2019, ở Hàn Quốc còn 3 vụ án mạng lạm dụng trẻ em khác. Một vụ xảy ra vào tháng 7, cha ruột giết chết con sơ sinh vì tội "quấy khóc làm phiền bố chơi game". Vụ thứ 2 xảy ra vào tháng 9, cha ruột giết chết con trai 10 tháng tuổi. Vụ thứ 3 xảy ra vào mùa đông tháng 12, mẹ ruột nhốt con gái 3 tuổi trong phòng tắm, khiến cô bé chết vì bị lạnh.
Biện pháp trừng phạt quá nhẹ nhàng
Theo Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, chỉ có 1/4 các trường hợp lạm dụng trẻ em chưa gây tử vong bị kết án tù giam. 3/4 còn lại bị xử phạt hành chính hoặc án treo nhẹ nhàng. Ngay cả trong trường hợp lạm dụng khiến trẻ em tử vong, 21% hung thủ cũng tránh được án tù.
"Nếu các bậc cha mẹ ngược đãi con cái bị truy tố, những đứa trẻ bị lạm dụng cũng không biết phải đi đâu về đâu," – Kang Shin-up, luật sư hình sự phân tích. "Đôi khi, chính các em lại đưa ra yêu cầu được trở về nhà, chấp nhận bị ngược đãi tiếp".
Cũng theo Kang, quan niệm xã hội của người Hàn vẫn chú trọng bảo vệ danh dự, quyền hạn của cha mẹ hơn trẻ em. Trong Điều 915, Luật Dân sự Hàn Quốc quy định, cha mẹ được phép sử dụng các hình thức kỷ luật đối với con cái.
Trong Điều 915 cũng quy định không cho phép sử dụng các hình phạt liên quan đến bạo lực thể xác. Nó nêu rõ, trong trường hợp trẻ em bị lạm dụng gây thương tích nặng, kẻ lạm dụng bị phạt tối thiểu 3 năm tù giam.
Trong trường hợp trẻ em bị lạm dụng đến mức gây tử vong, kẻ lạm dụng có thể phải chịu án tù chung thân, hoặc chí ít cũng là 5 năm tù giam. Có điều trên thực tế, đa phần các bản án đều được giảm nhẹ hết mức có thể.
Đa phần hung thủ lạm dụng trẻ em là chính cha mẹ ruột
Nhiều lỗ hổng đáng ngại trong hệ thống bảo vệ trẻ em
Tại Hàn Quốc, Cơ quan Bảo vệ Trẻ em Quốc gia và Bộ Phúc lợi chỉ thụ lý các vụ báo cáo lạm dụng trẻ em có bằng chứng rõ ràng. Quy tắc thông thường là khi công dân gọi tố cáo, cảnh sát phụ trách mới vào cuộc. Họ cử đến hiện trường một nhân viên đặc biệt từ cơ quan bảo vệ trẻ em trong khu vực. Người này chịu trách nhiệm bảo vệ nạn nhân là trẻ em trong suốt quá trình điều tra.
Từ năm 2000, khi Bộ Phúc lợi được thành lập, các cơ quan bảo vệ trẻ em địa phương chuyển sang ủy thác hoạt động cho các tổ chức tư nhân. Nhân viên thuộc các tổ chức này sẽ thế chân, theo cảnh sát đến hiện trường, nhưng không có quyền đưa ra quyết định. Nếu cha mẹ lạm dụng không cho phép can thiệp, họ cũng bó tay. Dù là người đứng đầu tuyến bảo vệ trẻ em, nhân viên tổ chức bảo vệ không có thẩm quyền.
Luật pháp Hàn Quốc cho phép cha mẹ phạt con cái, miễn không phải là bạo lực thể xác
Ở Hàn Quốc, báo cáo tỷ lệ lạm dụng trẻ em cực thấp, chỉ 3,4 trên 1000 trường hợp (ở các quốc gia phát triển là 9-10/1000). Song, con số này không phản ánh đúng thực tế. Người Hàn Quốc rất e dè trong việc "xen vào chuyện dạy dỗ con cái của nhà người khác". Đa phần họ cứ lờ đi, coi "thương cho roi cho vọt" là lẽ đương nhiên.
Theo một đạo luật đặc biệt của Hàn Quốc vào năm 2014, kẻ lạm dụng trẻ em bị cách li với nạn nhân từ 1-4 năm. Khi thời gian cách li đã hết, các tổ chức bảo vệ không có quyền từ chối trả trẻ em về nhà.
Quy định của Hàn Quốc không bao gồm việc cho phép theo dõi cha mẹ lạm dụng. Mặc dù các nhân viên thuộc tổ chức bảo vệ trẻ em có trách nhiệm gọi điện thoại kiểm tra, nhưng nếu bậc phụ huynh từ chối hợp tác, họ cũng chẳng thể làm gì. Ngay cả biết rõ kẻ lạm dụng chỉ vờ đối xử tử tế, họ cũng không được phép xông vào nhà bắt quả tang.
Lỗ hổng trong xử lý tội phạm lạm dụng trẻ em thúc đẩy sự gian trá, lặp lại hành vi bạo ngược
Chính phủ Hàn Quốc phân tích, đưa trẻ em bị lạm dụng trở về nhà là giải pháp hài hòa nhất. Cha mẹ và con cái có thể tha thứ và cảm thông cho nhau, hóa giải hiểu lầm, ngày càng yêu thương hơn. Có đến 81% các vụ lạm dụng trẻ em đều được giải quyết bằng việc, trả trẻ em trở về với người bảo hộ.
Về phần cha mẹ phạm tội lạm dụng, họ cũng phải đáp ứng điều kiện thay đổi tâm tính. Tuy nhiên, sự thay đổi ấy là thật tâm hay giả tạo thì không có biện pháp nào xác nhận. "Khi cha mẹ gây tổn hại cho con cái, mối quan hệ giữa họ với đứa trẻ không đơn thuần là phụ mẫu với con em, mà là giữa hung thủ và nạn nhân," - Lee Soo-Jun, giáo sư tâm lý tội phạm cảnh giác.
"Cách duy nhất để ngăn chặn hành vi lạm dụng trẻ em là đưa cảnh sát trở lại tuyến đầu," – Lee khẳng định.
Hiện tại, Cơ quan Bảo vệ Trẻ em Quốc gia vẫn là tổ chức nhận báo cáo, tiến hành điều tra sơ bộ, quyết định trường hợp nào mới bị truy tố, sau đó gửi cho bên cảnh sát. Phía cảnh sát Hàn Quốc tiếp tục sàng lọc, lựa chọn nên đưa ra tòa hay chỉ cảnh cáo, nhắc nhở.
(Theo Koreaherald)