Giáp Tết Nguyên đán: Cả phố ngóng anh chị shipper

18/01/2023 10:14 AM | Xã hội

Chỉ còn vài ngày nữa đến Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp chuyển phát cán mốc hàng triệu đơn hàng mỗi ngày.

Cả phố ngóng anh chị shipper - Ảnh 1.

Lượng hàng giáp Tết Nguyên đán đổ về nhiều, đơn vị chuyển phát tăng khoảng 40 -50% so với ngày thường - ẢNH: VŨ TUẤN

Tìm hiểu hậu trường chuyển phát, đằng sau những hình ảnh quen thuộc shipper giao hàng là bao câu chuyện vui buồn ít được biết tới.

Căng người làm việc

22h ngày 14-1, tại bưu cục Giao Hàng Tiết Kiệm trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM) có tới hai xe tải bốc xếp hàng lên xuống khá nhộn nhịp. Với hàng đi giao tại khu vực Bình Thạnh, nhân viên để góc riêng. Còn hàng hóa cần được phân loại thì được bốc lên xe tải để chở về kho.

Cách đó khoảng 600m, ở trục quốc lộ 13 bên hông bến xe Miền Đông cũ, bưu cục Best Expess cũng "sáng đèn" rất khuya. Ở ngay cạnh đó, lại có mấy bạn trẻ đang đợi shipper đem hàng tới.

Tình trạng "khắp nơi cần shipper" những ngày giáp Tết Nguyên đán khiến anh Nguyễn Phước Bảo (shipper giao hàng quận Bình Thạnh) cho biết hơn tuần qua đội ngũ nhân viên làm việc hết công suất, "chạy nước rút phút 89" để kịp giao hàng cho hàng loạt đơn Tết.

Đây không chỉ là các kiện hàng, mà nó là cả niềm vui và sợi dây tình cảm trao gửi dịp Tết khi các đơn hàng chủ yếu là quà tặng, giỏ quà, hàng Tết... Vì vậy, theo anh Bảo, anh luôn kỹ lưỡng. Để tránh thất lạc, hầu hết các đơn vị giao nhận đang nỗ lực giao hàng liền trong ngày, ký xác nhận.

"Với những quà tặng Tết, tôi thường gọi trước khách hàng hẹn thời gian tới giao đúng người. Nếu người khác nhận, tôi thường chụp hình và yêu cầu ký giấy đầy đủ mới an tâm. Đơn hàng quà tặng hầu hết 0 đồng phí ship, nhưng khách nhận hàng vẫn lì xì vài chục ngàn rồi vỗ vai chúc "ăn Tết vui nha". Chỉ vậy thôi mà dù làm việc vất vả mấy cũng thấy vui" - anh Bảo nói.

Nỗi niềm shipper

Bưu tá, nhân viên giao hàng bị khách mắng xối xả vì lầm tưởng là lừa đảo. Có người bị khóa số vì gọi quá nhiều cho khách... chỉ là vài trong số vô vàn tình huống của shipper.

Nguyễn Tuấn Anh, bưu tá tại Bưu cục Nam Từ Liêm (Vietnam Post Hà Nội), những ngày này đến kho hàng từ sáng để xếp đồ lên xe. Chiếc xe máy sơn vàng, treo đủ thứ dây chằng, băng dính và in sẵn cả mã QR, số tài khoản để khách tiện trả tiền. Hôm nay Tuấn Anh phải giao hơn 120 đơn hàng (ngày thường chỉ khoảng 70 đơn hàng) nên vừa đi vừa cầu trời không gặp... tắc đường, dễ bị khách mắng.

"Alô, cháu chào bác! Bác có gói bưu phẩm..." - Tuấn Anh chưa nói dứt câu thì đầu bên kia vang lên choang choang: "Thôi ngay cái trò ấy đi! Anh có muốn tôi báo công an gô cổ anh vào không? Tôi không mua hàng hay đặt hàng gì cả, lấy đâu ra bưu phẩm"...

Cậu bưu tá dở khóc dở cười nhắn tin giải thích là bưu tá, gói bưu phẩm là do một công ty gửi tặng khách hàng, lúc ấy khách mới ậm ừ nhận hàng. "Bị khách dọa, mắng là chuyện như cơm bữa anh ạ! - Tuấn Anh cười.

Nhưng thế vẫn may mắn. Bưu tá Xuân Nam đã bị tổng đài khóa số điện thoại vì khách báo cáo là số điện thoại quảng cáo, làm phiền. "Tôi phải liên tục gọi điện để hẹn khách, đi cùng một tuyến đường, nếu không hẹn trước thì chúng tôi phải quay lại rất mất thời gian. Nhiều cuộc gọi khách không nghe máy nên phải gọi nhiều lần, dễ bị đưa vào danh sách spam" - Nam giải thích.

Anh bưu tá vừa mất thêm 2 giờ đồng hồ mang giấy tờ ra phòng giao dịch để xin cấp lại sim điện thoại. Đơn hàng chất đống, hôm ấy tối mịt Nam mới về đến nhà.

Cả phố ngóng anh chị shipper - Ảnh 2.

Dây chuyền chia, chọn bưu phẩm tự động để tránh... tắc hàng củaVietnam Post - Ảnh: V.T.

Bùng nổ đơn hàng, cán mốc triệu đơn

Hiện nay mức cước giao hàng mà đơn vị đang áp dụng cho các shop online dao động từ 15.000 - 28.000 đồng/đơn nội thành, 5.000 - 10.000 đồng/km về các huyện. Khá rẻ, cộng với xu hướng mua sắm online nên đơn hàng ngày càng nhiều.

Giao Hàng Nhanh, công ty chuyển phát có quy mô tại Việt Nam, đã thông báo chạm mốc "cháy hết mình" khi đạt 3,5 triệu đơn/ngày. Đây là con số kỷ lục với doanh nghiệp trong mùa Tết khi tung ra chương trình 15.500 đồng/đơn hàng.

Theo các đơn vị chuyển phát, cột mốc xử lý 2 - 3,5 triệu đơn/ngày khá ấn tượng, có thể sau Tết sụt giảm nhưng cho thấy nhu cầu mua sắm, gửi hàng hóa của người dân vẫn sôi động sau dịch. Dù vậy, số lượng hàng hóa phải chuyển đến tay khách theo yêu cầu từ các kênh mua sắm trực tuyến, kênh bưu kiện cá nhân... vào dịp Tết tăng quá nhanh nên nhiều nhà cung cấp dịch vụ phải ngừng tiếp nhận đơn hàng.

Các đơn vị chuyển phát ở Hà Nội những ngày cận Tết cũng hoạt động 200% công suất. Nhiều bưu cục của Viettel Post từ chối phóng viên đến chụp ảnh vì... hàng nhiều quá không có chỗ đứng.

Trung tâm khai thác vận chuyển và kho vận khu vực phía Bắc của Vietnam Post chỉ tắt điện mùng 1 Tết. Ông Võ Đình Nguyên, giám đốc trung tâm, cho hay trong những ngày cận Tết, công nhân ở trung tâm làm việc bằng 200% công suất. Các xe chuyển hàng chạy liên tục từ Quảng Bình trở ra. Dự kiến đến chiều 30 tháng chạp, các lái xe mới được nghỉ, và sáng mùng 2 tết đã khai xuân.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhiều đơn vị đã đầu tư dây chuyền hiện đại hơn. Như Trung tâm khai thác vận chuyển và kho vận Vietnam Post đã đưa vào vận hành dây chuyền chia chọn bưu phẩm tự động. Mỗi giờ, dây chuyền này tự động phân loại, chia, chọn 24.000 bưu phẩm. Công nhân làm việc ở dây chuyền chỉ việc dùng máy quét mã vạch, việc còn lại có máy móc lo.

"150 công nhân của chúng tôi phải làm việc ba ca. Như mọi năm, sau ngày 25 tháng chạp lượng hàng hóa sẽ giảm xuống, nhưng thư báo và công văn vẫn phải thông suốt. Chúng tôi động viên anh em lái xe luôn túc trực, sẵn sàng chuyển phát hỏa tốc để đảm bảo đường thư lúc nào cũng thông suốt" - ông Nguyên nói.

Nhiều nơi phụ thuộc shipper

NinjaVan, J&T Express thông báo đơn hàng trước ngày 19-1 sẽ được lấy/giao trước Tết đối với nội tỉnh. Còn với đơn hàng liên tỉnh, chỉ đơn trước ngày 17-1 mới được lấy/giao trước Tết.

Dù nhiều bưu cục tại TP.HCM và Hà Nội vẫn mở cửa từ 30 Tết đến mùng 3 nhằm phục vụ nhu cầu giao nhận của khách nhưng các shipper đã có lịch nghỉ Tết, được các công ty công bố, hầu hết từ 20 hoặc 21-1.

Lịch nghỉ Tết của các công ty giao nhận đã ảnh hưởng ngay lập tức đến các sàn giao dịch thương mại điện tử, đơn vị bán lẻ. Từ 24 Tết, khi dạo chợ trực tuyến mua sắm Tết, khách hàng thường nhận được thông báo hàng hóa nếu giao nhận theo gói tiêu chuẩn sẽ phải mất 8-9 ngày (qua Tết mới có thể nhận hàng). Một số trường hợp đặc biệt, nếu muốn nhận hàng sớm hơn thì phải chọn gói dịch vụ "hỏa tốc", giao hàng gấp... hoặc phải thỏa thuận trực tiếp với người bán.

Chỉ có những sàn thương mại điện tử lớn có đội ngũ giao nhận riêng như Lazada, Tiki... mới chủ động hơn trong giao nhận hàng hóa mua sắm trực tuyến dịp cận Tết.

Đổ tiền vào công nghệ để bớt nhầm lẫn

Ông Lê Văn Quốc Khánh, giám đốc vận hành Ninja Van Việt Nam, cho hay đã đầu tư 9 kho trên toàn quốc, trong đó 2 tổng kho tại Hà Nội và TP.HCM, gần 800 trạm giao nhận và hơn 4.700 phương tiện. Với nỗ lực thông suốt hàng hóa từ nhà bán hàng đến tận tay khách hàng, ông Khánh cho rằng với các nhà bán hàng online thì tỉ lệ hoàn hàng cao là nỗi lo lớn. Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tỉ lệ hoàn hàng cao là nhân viên giao nhận không thực hiện đúng quy trình.

Để giải quyết vấn đề này, Ninja Van tung ứng dụng Alo Ninja để quản lý giao tiếp giữa shop, khách và tài xế. Bên cạnh đó, dịch vụ Ninja Fulfillment giúp chủ cửa hàng xử lý lưu kho và đóng gói đơn với số lượng lớn cùng mức giá cạnh tranh. Mỗi ngày, công ty ship 2 triệu đơn hàng.

Theo Công Trung - Vũ Tuấn

Cùng chuyên mục
XEM