Giáo sư "quần đùi" Trương Nguyện Thành: Thi rớt mà nghĩ do mình dốt, startup thất bại mà nghĩ do mình là kẻ thất bại thì cuộc đời bạn coi như xong rồi!
Giáo sư có tiếng tại Mỹ Trương Nguyện Thành mới đây cảnh báo một hiện tượng tâm lý, một loại tâm lý có thể gọi là "độc hại" khi gặp khó khăn – Tâm lý tuyệt vọng, bất lực. Một người U60 đau lưng phải đi khòm nghĩ mình già rồi, một bạn trẻ thi rớt nghĩ mình ngu dốt, hay một bạn startup thất bại nghĩ mình là kẻ thất bại thì cuộc đời "xong" rồi. Nhưng nếu nghĩ rằng mình có thể thay đổi, làm tốt hơn thì bạn có thể thành công…
Đứng giữa một loạt slogan "Chúng ta có thể" của chương trình Gala Cất cánh cuối năm 2019, Giáo sư có tiếng tại Mỹ Trương Nguyện Thành – hiện là Phó Hiệu trưởng ĐH Văn Lang (TPHCM) chia sẻ trải nghiệm của chính mình, khi tuổi trẻ cũng như bao người khác, sẵn sàng đánh đổi sức khỏe để theo đuổi sự nghiệp.
Tuổi trẻ bán sức khỏe để theo đuổi sự nghiệp, công việc thể chất nặng nhọc nhất là… đi toilet và lời cảnh tỉnh của bác sỹ
"Suốt bao nhiêu năm tập trung nghiên cứu khoa học và giảng dạy, tôi tạo dựng cho mình một thương hiệu, một chỗ đứng trong làng khoa học. Nhưng đến một ngày, tôi ngồi trong phòng khám bác sỹ ở tuổi 51".
"Bác sỹ nhìn tôi với đôi mắt lo âu và nói: "Tôi có một tin thực sự không vui cho anh. Với bệnh sử của gia đình anh, ba anh chết vì đột quỵ năm 48 tuổi, mẹ anh chết vì tiểu đường và gan năm 62 tuổi. Năm nay anh 51 tuổi, và đường máu anh đang rất cao"", GS. Thành kể lại.
Ảnh minh họa.
Với các dấu hiệu Cholesterol trong máu rất cao, huyết áp rất cao, cộng với tiền sử gia đình, GS. Thành được thông báo ông có nguy cơ đột quỵ bất kỳ lúc nào.
"Tôi ra về. Ngồi trong chiếc xe hơi ba chục phút bàng hoàng, không thể lái xe nổi. Tôi ngồi đó cầm vô lăng, nghĩ rằng nếu mình đột quỵ thì cuộc đời tôi không còn gì phải lo nữa, nhưng con tôi còn trẻ, sẽ sống sao?"
Có nghiên cứu cho rằng nếu như một người có khả năng hít đất 4 chục cái thì nguy cơ đột quỵ rất thấp. Tôi thử hít đất. Chỉ được có 8 cái. 8 cái với 4 chục xa lắm"
"Suốt mấy mươi năm, công việc nặng nhọc nhất là dùng cái đầu. Công việc nặng nhọc nhất dùng thể chất là… đứng dậy khỏi bàn làm việc và đi vệ sinh. Những người làm trong môi trường văn phòng có thể hiểu được điều này", Giáo sư Thành nói.
Thể dục thể thao vốn là điều ông không để ý trong mấy chục năm nay, là vùng an toàn của vị giáo sư dồn hết thời gian cho công việc. Nhưng việc đứng trước ngưỡng cửa tử buộc ông phải thay đổi, với hy vọng nếu tập thể dục, biết đâu lại có thể được đồng hành cùng con khi nó trưởng thành.
"Tôi lên mạng coi các nghiên cứu khoa học về thể dục. Có nghiên cứu cho rằng nếu như một người có khả năng hít đất 4 chục cái thì nguy cơ đột quỵ rất thấp. Tôi thử hít đất. Chỉ được có 8 cái. 8 cái với 4 chục xa lắm".
"Ở thời điểm đó, tôi phải đặt vào mình một niềm hy vọng. Hy vọng chứ không phải ảo vọng, rằng 1 tháng tới nếu tôi hít đất được 9 cái, tháng tới làm 10 cái, và nếu tôi siêng năng thì có thể đạt được mục tiêu", GS. Thành nói.
Đừng để rơi vào tâm lý BẤT LỰC, thi rớt mà nghĩ là do mình ngu dốt, startup thất bại do mình là kẻ thất bại thì sẽ cuộc đời bạn xong rồi!
Giáo sư Trương Nguyện Thành nổi tiếng vì mặc quần đùi lên giảng bài cho các em.
Giáo sư Thành cũng bày tỏ rằng, chính hy vọng trên đã tạo động lực cho ông để sáng sáng dậy tập thể dục. Tập thể dục đối với một người đàn ông ngoài 50, mấy chục năm không vận động mệt mỏi lắm, nhức lắm. Và ông luôn tạo động lực cho bản thân từ niềm hy vọng vào tương lai, tin rằng mình sẽ hít đất được 40 cái/ngày và sẽ thoát khỏi nguy cơ đột quỵ như cha mình.
Ông cũng cảnh báo một hiện tượng tâm lý, một loạt tâm lý có thể gọi là "độc hại" khi gặp khó khăn – Tâm lý tuyệt vọng, bất lực.
Nếu tôi chấp nhận là tôi già rồi thì chỉ có đường đi xuống, giống như việc bạn thi rớt, và bạn nghĩ rằng bạn ngu, thì không có gì thay đổi cả
Cách đây 2 năm, sau một chuyến đi bộ trong núi về, sáng dậy ông thấy lưng ê ẩm, khi cúi xuống nghe một tiếng bựt. "Hình như là 1 sợi gân ở bắp thịt sau đứt", ông tự nhủ. Và vì quá đau, ông phải đi khòm lưng cả 2 tuần lễ.
"Vợ tôi mỗi lần thấy tôi đi vậy cằn nhằn: "Ông xã à, ông già rồi, gần 6 chục tuổi rồi. Ở Việt Nam, những người 6 chục tuổi bắt đầu đi gậy. Ông xã cần cẩn thận, đừng làm những gì nặng nhọc". Tôi suy nghĩ và tìm hiểu thì đây gọi là tâm lý bất lực. Tức, nếu tôi chấp nhận là tôi già rồi thì chỉ có đường đi xuống, giống như việc bạn thi rớt, và bạn nghĩ rằng bạn ngu dốt, thì không có gì thay đổi cả".
"Nhưng bạn cho rằng chỉ là 1 bài thi có lẽ do mình chuẩn bị chưa đầy đủ, lần sau chuẩn bị tốt hơn, có thể đậu. Hoặc bạn đi làm khởi nghiệp mà thất bại, bạn nghĩ bạn là con người thất bại, thì thế là xong cuộc đời của bạn rồi. Bạn không thay đổi được gì nữa. Nhưng nếu nghĩ rằng: Lần đầu tiên làm không được tốt lắm, tôi làm lần sau có thể thành công, câu chuyện sẽ khác", Giáo sư Thành nói.
Sự vụ đau lưng ấy, ông Thành với thân hình cứng đơ, chỉ cúi được một góc chừng 45 độ.
"Tôi đã không rơi vào tâm lý bất lực. Nếu tôi không suy nghĩ được như vậy, hôm nay tôi đã không làm được như vầy", vị Giáo sư 59 tuổi vừa nói vừa "xoạc" 2 chân thẳng trên sân khấu.
"Lúc trước tôi chỉ với tới đây (ông cúi một góc 45 độ), chứ không thể với được tới đây (ông cúi gập người chạm tay vào mũi bàn chân). Đó là 2 năm trước. Trời lạnh chắc quý vị cũng muốn biết giờ tôi hít đất được bao nhiêu cái?".
Vị giáo sư sang Mỹ từ những năm 1980s cởi áo vest trên sân khấu, bên trong là chiếc áo polo màu xanh thiên thanh, và cúi xuống hít đất trong tiếng đếm của mọi người dưới khán đài.
Ảnh chụp từ clip.
Người thấy chuẩn bị bước vào giai đoạn U70 ấy hít đất trên sân khấu được 50 cái.
"Nếu một ông giáo già, tuổi sắp bước sang U70 làm được như vậy, tất cả U60, U50, U40, U30 đều có khả năng làm được như vậy. Và khi mỗi một người Việt Nam có thể làm được một điều kỳ diệu như vậy, đất nước Việt Nam sẽ làm được điều kỳ diệu", Giáo sư Thành nói.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý về ý chí "Tôi có thể". Khi còn trẻ, cũng như nhiều người khác, ông thường chia sẻ với các bạn rằng điều quan trọng nhất là có một ý chí "Tôi có thể".
"Nhưng gần bước sang U70, tôi mới nghiệm rằng: Cuộc đời có quá nhiều thứ mình có thể làm, mà 1 ngày chỉ có 24 tiếng đồng hồ. Cho nên điều quan trọng hơn là biết nói "Tôi có thể, nhưng điều này tôi không làm"", Giáo sư Thành chia sẻ.
Tức, không chỉ biết phá vỡ giới hạn của bản thân, bước qua vùng an toàn để nói "Tôi có thể", khi những điều "có thể làm" quá nhiều, bạn cần biết những gì ưu tiên trong cuộc sống và biết nói "Không" để dành quỹ thời gian cho những việc mình thấy ý nghĩa hơn.