Giao ngân hàng quản lý vay bảo lãnh và vay để cho vay lại sẽ giúp đảm bảo an toàn nợ công?

30/05/2017 17:01 PM | Kinh tế vĩ mô

Đây là ý kiến của Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường liên quan đến Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Tại buổi thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường đã nêu ý kiến về việc xác định rõ trách nhiệm khi vay và trả nợ vay.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong thời gian vừa qua, tình hình cho vay được thực hiện rất tốt nhờ cách làm phân tán: Bộ Kế hoạch Đầu tư quản lý vấn đề vay ưu đãi, ODA; Ngân hàng vay các tổ chức tài chính quốc tế; Bộ Tài chính quản lý các hình thức vay khác trong nước hoặc phát hành trái phiếu quốc tế.

Cách phân chia 3 mảng này có ưu điểm là tính chất chuyên sâu, tạo ra khả năng tiếp cận nguồn vốn tốt nhất. Chính vì vậy, sau khi Luật ra đời năm 2009 thì giai đoạn 2011-2015 tổng vay đã tăng cao, kết quả vay rất tốt. Vì vậy, khi chúng ta đang ở trong giai đoạn cần đẩy mạnh vốn vay thì chúng ta phân chia nhiệm vụ rất phù hợp.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, giai đoạn hiện nay chúng ta cần quản lý chặt, xem vay phải gắn với trả nợ như thế nào thay vì dồn hết trách nhiệm trả nợ về phía ngân sách.

Ông Cường nhận định, việc cho vay phải tập trung về một đầu mối, trước hết là chịu trách nhiệm trả nợ, đầu mối này sẽ xem xét vay cái gì, vay cho ai, vay thời hạn bao nhiêu để tính chuyện trả nợ.

"Trong Dự thảo hiện nay có Điều 51 quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan quản lý nợ công. Tuy nhiên, đọc Điều này không thấy trách nhiệm, mà chỉ thấy nhiệm vụ", ông Cường nói. Chính vì việc quy định trách nhiệm không đúng nên nhiều cơ quan không muốn tham gia quản lý nợ công do không rõ trách nhiệm.

Thẩm định và cho vay nên chuyển cho các ngân hàng

Liên quan đến việc trả nợ, đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ đồng tình với khoản 6 điều 5: Các đơn vị vay và cho vay thì phải có trách nhiệm trả, chứ không dùng ngân sách nhà nước để trả nợ.

Tuy nhiên, thực hiện nguyên tắc này, trong một số quy định chưa được đúng lắm. Hiện nay, có 2 khoản vay rất lớn là vay bảo lãnh và vay về để cho vay lại. 2 khoản vay này chiếm tỷ trọng rất lớn trong vay nợ công.

Trong việc phân công trách nhiệm 2 khoản vay này, hiện nay chỉ có 1 điều khoản duy nhất quy định tại khoản 2 điều 39: Ngân hàng thương mại nhận ủy quyền của Bộ Tài chính về cho vay lại thì phải chịu trách nhiệm về khoản vay này nếu như người vay không trả được nợ.

Còn tại các khoản khác, khi Bộ Tài chính ủy quyền cho vay, ủy quyền các ngân hàng chính sách cho vay, thì khi những người vay không trả được nợ thì cũng không hề quy trách nhiệm cho ai. Vậy, tiền trả nợ lấy ở đâu ra?

Đại biểu Cường cho biết, hiện nay, có một quỹ gọi là quỹ trả nợ, khi các tổ chức đi vay không trả nợ được thì lấy quỹ này ra. Khi quỹ trả nợ không đủ thì Bộ Tài chính trình Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội để bổ sung ngân sách.

"Khi các đơn vị này không trả được nợ thì cuối cùng quay lại trách nhiệm quỹ trả nợ và ngân sách, điều này vi phạm về nguyên tắc. Tôi đề nghị, đã có 2 khoản vay bảo lãnh và vay về cho vay lại, thì dứt khoát phải chuyển cho đơn vị có chức năng làm bảo lãnh và đơn vị có chức năng cho vay lại", ông Cường nói.

Ông Cường cho rằng, chức năng làm bảo lãnh và chức năng cho vay lại nên giao cho các ngân hàng. Ngân hàng nếu cho vay mà khách hàng không trả được thì phải lấy quỹ rủi ro của ngân hàng ra trả. Chức năng của ngân hàng sẽ thẩm định các khoản vay này.

"Tôi đề nghị phần về vay bảo lãnh và vay để cho vay lại sẽ phải giao cho ngân hàng đảm nhận. Nếu chúng ta làm tốt việc này thì có thể đảm bảo chỉ tiêu an toàn nợ công, không còn chịu ảnh hưởng của vay bảo lãnh và vay về cho vay lại như chúng ta hiện nay, mà chỉ còn chủ yếu là vay của Chính phủ và vay của địa phương. Quan trọng nhất của chỉ tiêu nợ công là việc trả nợ", ông Hoàng Văn Cường kết luận.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM