Giáo dục Việt Nam chưa tốt không phải vì tiền và đây là lý do
Buổi tọa đàm “Việt Nam học được gì từ nền giáo dục Phần Lan?” diễn ra sáng 13/1 tại Học viện quản lý giáo dục đã đưa ra câu chuyện về giáo dục Phần Lan và bài toán lựa chọn, thu hút người tài trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay.
Trong buổi tọa đàm về nền giáo dục Phần Lan và câu chuyện cải cách giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều những ý kiến đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Bà Riikka Hassi, phụ trách phát triển hợp tác và triển khai đầu tư Khối giáo dục phổ thông Phần Lan đã chia sẻ quan điểm đặt chất lượng giáo viên là yếu tố nền tảng cho sự phát triển của một trong những nền giáo dục hàng đầu thế giới.
Ý kiến đưa ra nhận được rất nhiều những tranh luận từ phía các đại biểu trong đó ông Nguyễn Xuân Hoàng - Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Cổ phần tư vấn xây dựng ACH. Ông Hoàng có ý kiến về mức độ đầu tư cho giáo dục trên GDP ở Việt Nam và Phần Lan có sự khác nhau hay không và đặt ra vấn đề về thu hút người tài ở Việt Nam hiện nay.
Theo ông Hoàng chia sẻ, ông từng được đào tạo ở trình độ tiến sĩ tại Singapore. Tuy nhiên, khi về Việt Nam ông tham gia làm việc trong khối nhà nước và đã nghỉ việc sau đó một năm với lý do mức lương không đáp ứng được với yêu cầu trình độ của ông (mức lương mà ông nhận được là 3 triệu đồng cách đây 10 năm).
Vậy vấn đề tiền lương có phải là toàn bộ nguyên nhân dẫn đến thất bại trong thu hút người tài trong ngành giáo dục cũng như khối nhà nước nói riêng và Việt Nam nói chung? Trả lời ông Hoàng, bà Riikka Hassi chia sẻ, trên góc độ trong nội bộ ngành giáo dục Phần Lan thì đây không phải vấn đề cốt lõi. Mức lương mà giáo viên Phần Lan nhận được ở mức cao nhưng so sánh trong tương quan các ngành nghề khác thì đây chưa phải mức lương lý tưởng nhất.
Tuy nhiên, giáo viên ở Phần Lan luôn được đánh giá là một nghề cao quý, tất cả đều là những chuyên gia giỏi được đào tạo bài bản với trình độ từ thạc sỹ trở lên và nhận được sự tin tưởng từ phía phụ huynh, cũng như những nhà quản lý. Giáo viên phải đạt trình độ thạc sĩ trở lên mới được giảng dạy trong các trường học từ bậc tiểu học trở lên và phải trải qua quá trình tuyển chọn khó khăn.
Tuy vậy, họ sẽ không phải trải qua bất kỳ kì sát hạch nào khi đã được nhận. Họ được tự chủ trong xây dựng bài giảng cũng như có nhiều cơ hội phát triển bản thân. Đây chính là một trong những khác biệt của giáo dục Phần Lan.
PGS.TS. Lê Phước Minh cũng chia sẻ về mức đầu tư cho giáo dục ở Việt Nam vào khoảng 20% GDP trong đó ở Phần Lan là 30% GDP, đây không phải sự khác biệt quá lớn. Tuy nhiên, chia sẻ về những cản trở của giáo dục Việt Nam so với Phần Lan và yếu tố “tin tưởng” mà bà Riikka Hassi đề cập, ông cho rằng dân số đông là một trong những cản trở.
Việt Nam với mức dân số hiện nay trên 90 triệu dân trong khi Phần Lan con số này là 5,5 triệu dân là một yếu tố dẫn đến khó khăn trong quản lý. Ông đánh giá cao con người Phần Lan với tư tưởng cần cù, trung thực, và luôn tiến đến bình đẳng trong khi ở Việt Nam yếu tố trung thực còn là một vấn đề lớn.
Ông cũng nhấn mạnh việc yếu tố xuất sắc và thành công chưa được gắn liền cùng nhau. Hiện nay, một sinh viên tốt nghiệp xuất sắc chưa chắc đã thành công và ngược lại đang làm giảm đi yếu tố “tin tưởng”, có quá nhiều người thành công không dựa vào sự xuất sắc, nỗ lực làm giảm đi sự phấn đấu và niềm tin của một bộ phận người tài cũng như dân chúng.
Nhìn từ góc nhìn giáo dục suy rộng ra thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút nhân tài luôn đi liền với nhau tuy nhiên không nằm ở việc du học sinh có trở về làm việc tại Việt Nam hay không mà nằm ở việc tạo được một đội ngũ làm việc chuyên nghiệp, có năng lực và một môi trường phát triển lành mạnh.