Giảng viên cấp cao đại học RMIT: Tương lai tươi sáng cho du lịch Việt sau Covid-19
Tốc độ lây lan khủng khiếp của COVID-19 trên toàn cầu gây ra thiệt hại đáng kể với nhiều lĩnh vực, trong đó du lịch - một trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, giảng viên cấp cao Ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, các nước có ngành du lịch phục hồi nhanh chóng sau COVID-19 sẽ là những quốc gia có chính phủ đặt sức khỏe và phúc lợi của người dân lên hàng đầu, đồng thời ngăn chặn vi rút lây lan thành công.
"Trong suốt thời gian dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam luôn đặt an toàn và sức khỏe người dân lên hàng đầu và đây là điều hết sức quan trọng với ngành du lịch lấy con người làm trọng tâm", Tiến sĩ nói. "Chính quyền địa phương cũng đưa ra nhiều sáng kiến giúp hỗ trợ các doanh nghiệp có thể nhanh chóng quay lại hoạt động ngay khi đại dịch qua đi. Điều này sẽ dễ thực hiện hơn nhiều so với việc phải khôi phục lại toàn bộ nền kinh tế nếu không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào".
Tiến sĩ Ribeiro, người phụ trách mảng nghiên cứu về du lịch và khách sạn thuộc Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam, cho biết việc chính phủ xử lý đại dịch COVID-19 nhanh chóng và hiệu quả có thể biến Việt Nam thành điểm du lịch ở khu vực châu Á Thái Bình Dương được ưa thích hơn so với các quốc gia như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông và Úc.
Ông chia sẻ rằng, "với một số người, dịch chuyển và du lịch là nhu cầu chứ không phải là thú vui xa xỉ. Khách du lịch không chỉ đến những đất nước có phong cảnh đẹp và thú vị nhất trên thế giới, mà sẽ chủ yếu đến nơi an toàn nhất. Và Việt Nam hiện đang làm rất tốt và minh chứng rằng đây là một trong những điểm đến an toàn nhất thế giới".
Chỉ trong vài tháng qua, lượng khách du lịch đến Việt Nam đã giảm từ hàng triệu người xuống con số không. Tiến sĩ Ribeiro nhấn mạnh rằng sự suy giảm nhanh chóng đã và sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp du lịch, đồng thời ảnh hưởng đến sinh kế của hàng trăm, hàng ngàn người Việt Nam.
Tiến sĩ Ribeiro hoan nghênh sáng kiến mới đây nhất của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói hỗ trợ tín dụng lên tới 300 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp, và Bộ Tài chính cũng đưa ra gói hỗ trợ lên tới 180 nghìn tỷ đồng với cùng mục đích.
"Tôi nghĩ đây là một sáng kiến tuyệt vời, không chỉ tác động tích cực ngay lập tức vào thời điểm này, mà cũng sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong tương lai, không chỉ với ngành du lịch, mà còn cả nền kinh tế nói chung", ông nói.
"Trong khi đây thật sự là một việc chưa từng có tiền lệ, tuy nhiên, lịch sử ngành du lịch từ năm 1945 đến nay cho thấy, dù ngành du lịch dễ bị khủng hoảng theo chu kỳ, ngành cũng hồi phục nhanh hơn và mạnh mẽ hơn bất kỳ lĩnh vực kinh tế nào khác".
Là một học giả có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, Tiến sĩ Ribeiro tin tưởng rằng một số biện pháp dưới đây có thể giúp giảm bớt tác động tiêu cực của COVID-19 tại Việt Nam.
Thứ nhất, tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan chuẩn bị đưa các hoạt động du lịch quay lại từ từ và an toàn.
Thứ hai, giảm thuế cho doanh nghiệp du lịch và khuyến khích lãnh đạo doanh nghiệp không sa thải nhân viên mà đào tạo lại để họ sẵn sàng quay lại làm việc một khi đại dịch qua đi.
Thứ ba, đa dạng hóa thị trường du lịch chính trong nước. Vì đại dịch COVID-19 cho thấy rõ ràng rằng việc phụ thuộc vào hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ không bền vững về lâu dài.
Thứ tư, học hỏi từ những nơi khác như Bali, Indonesia hay New Orleans (Mỹ), các nơi từng phải đối phó với những thảm họa nghiêm trọng.
Thứ năm, bắt đầu dần các chiến dịch marketing nhẹ nhàng sử dụng truyền thông mạng xã hội và quảng cáo nhắm đến khách du lịch tiềm năng hay khách du lịch có khả năng quay trở lại Việt Nam nhưng không thể đến vào thời điểm này.