Giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô: “Túi tiền quốc gia” được, mất bao nhiêu?
Giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% xuống khoảng 7% đối với xe 9 chỗ và khoảng 1% đối với xe tải dưới 5 tấn, tổng số thuế nhập khẩu giảm 5.231 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp thu được do tăng sản lượng 535 tỷ đồng.
Dự thảo về chính sách thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô giai đoạn 2018-2022 mới được Bộ Tài chính công bố đã đưa ra 2 phương án giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô .
Theo phương án 1, giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% xuống khoảng 7% đối với xe dưới 9 chỗ và khoảng 1% đối với xe tải dưới 5 tấn.
Phương án 2, giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% xuống 9 - 11% đối với xe dưới 9 chỗ và 7,9% đối với xe tải dưới 5 tấn.
Đánh giá tác động trực tiếp đến thu ngân sách nhà nước, do thực hiện 1 trong 2 phương án giảm thuế nhập khẩu linh kiện nêu trên, Bộ Tài chính cho biết, việc giảm thuế suất nhập khẩu đối với linh kiện ô tô thì sẽ tăng sản lượng sản xuất, lắp ráp trong nước.
“Các doanh nghiệp tiếp tục duy trì và mở rộng sản xuất, qua đó góp phần tăng thu về thuế thu nhập doanh nghiệp”, Bộ Tài chính đưa ra dự báo.
Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở khảo sát sơ bộ về lợi nhuận của 4 mẫu xe (xe grand I10, xe Kia morning, xe Thaco Frontier K190 và xe Vios) và nếu tính theo sản lượng sản xuất lắp ráp của kế hoạch giai đoạn 2018-2022 của từng doanh nghiệp thì dự kiến số thuế thu nhập doanh nghiệp tăng thêm 3 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia chương trình cũng sẽ tăng lên.
Theo đó, tác động đến thu ngân sách cho cả xe dưới 9 chỗ, loại dung tích xi lanh dưới 2.000 cc và xe tải dưới 5 tấn cho cả giai đoạn 2018 – 2022 được tính toán ở phương án 1, tổng số thuế nhập khẩu giảm 5.231 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp thu được do tăng sản lượng 535 tỷ đồng.
Với phương án 2, tổng số thuế nhập khẩu giảm 3.505 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp thu được do tăng sản lượng 535 tỷ đồng.
Dự thảo của Bộ Tài chính cũng đánh giá tác động giảm thu thuế nhập khẩu do việc giảm thuế suất ATIGA xuống 0% đối với xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN.
Từ năm 2018, khi thuế nhập khẩu đối với xe con giảm từ 30% xuống 0%, xe tải nhẹ và xe pick up giảm từ mức 5% xuống 0% thì dự kiến tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu đối với dòng xe dưới 9 chỗ sẽ tăng trên 40%/năm và dòng xe tải dưới 5 tấn (bao gồm cả xe pick up) là 30%.
Theo đó, số thu thuế nhập khẩu đối với xe ô tô nguyên chiếc từ ASEAN dự kiến giảm hàng năm tương ứng như sau: xe dưới 9 chỗ giảm cho giai đoạn 2018 – 2022 là 13.069 tỷ đồng, xe tải dưới 5 tấn và xe pickup là 9.187 tỷ đồng. Tổng giai đoạn 2018-2022 cho cả 2 nhóm xe chở người dưới 9 chỗ và xe tải dưới 5 tấn (bao gồm cả xe pickup) là 22.256 tỷ đồng.
“Như vậy, trường hợp không thực hiện phương án nào nêu trên thì số thu thuế nhập khẩu đối với xe ô tô nguyên chiếc cũng sẽ giảm khoảng 22.256 tỷ đồng trong 5 năm 2018-2022”, Bộ Tài chính đưa ra tính toán.
Bộ Tài chính đặt giả thiết, nếu thực hiện giảm thuế nhập khẩu MFN đối với linh kiện ô tô thì các doanh nghiệp trong nước sẽ tăng sản lượng sản xuất lắp ráp xe ô tô nguyên chiếc trong nước. Lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước tăng lên thì sẽ giảm bớt được nhu cầu nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN (số thuế nhập khẩu đối với xe ô tô nguyên chiếc giảm ít hơn).
“Việc giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô cũng làm giảm số thu thuế nhập khẩu nhưng số giảm thu (giảm từ 14% xuống 0%) sẽ ít hơn so với số giảm thu từ việc giảm thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc (giảm từ 30% xuống 0%), đồng thời số thu ngân sách nhà nước sẽ được bù đắp một phần do tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp và còn có các tác động gián tiếp tích cực đến kinh tế xã hội trong nước”, Bộ Tài chính cho hay.