Giám đốc Phát triển Cấp cao Toàn cầu của Sofitel Legend, Sofitel, MGallery & Emblems tiết lộ 2 tiêu chí chọn đối tác tại Việt Nam và 3 bí quyết xây dựng thương hiệu xa xỉ của Accor

27/11/2024 08:36 AM | Sống

Đại diện Accor nhận định Việt Nam là thị trường duy nhất ở Đông Nam Á nằm trong top phát triển mạnh ở phân khúc khách sạn sang trọng. Thương hiệu này đang có kế hoạch mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam trong thời gian ngắn nhờ sự hợp tác với các chủ đầu tư siêu giàu người Việt.

Từng có 13 năm làm việc tại tập đoàn khách sạn Marriot, 9 năm tại IHG trước khi tham gia tập đoàn Accor, ông Xavier Grange – Giám đốc Phát triển Cấp cao Toàn cầu của Sofitel Legend, Sofitel, MGallery & Emblems kiêm phụ trách toàn bộ các thương hiệu cao cấp của Accor tại ở Châu Âu và Bắc Mỹ đã chia sẻ nhiều nhận định về thị trường Việt Nam cũng như phương hướng hợp tác giữa Accor và Việt Nam trong chiến lược phát triển phân khúc khách sạn xa xỉ.

1. Thái Lan, Singapore… du lịch đã ở giai đoạn bão hoà, thời gian tới, Việt Nam sẽ trở thành điểm nóng về phát triển du lịch – khách sạn của châu Á

Được biết, Tập đoàn Accor vừa kí kết hợp tác với Tập đoàn DOJI trong dự án Sofitel Diamond Crown Hai Phong, nâng tổng số khách sạn mang thương hiệu Sofitel tại Việt Nam lên 4 khách sạn. Vậy Accor nhận định ra sao về tiềm năng phát triển các thương hiệu xa xỉ tại Việt Nam, thưa ông?

Những số liệu gần đây cho thấy, Việt Nam là một trong số ít các thị trường trên thế giới đang phát triển rất nhanh chóng và mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch và khách sạn. Theo báo cáo của chúng tôi, các thị trường đang phát triển nhanh về phân khúc khách sạn sang trọng gồm có: Ấn Độ, Mexico, Trung Đông và ở Đông Nam Á chỉ có duy nhất một đại diện là Việt Nam. Có thể nói, đây là top những đất nước đang "bứt tốc" trong phân khúc này.

Vài năm gần đây, Tập đoàn Accor cũng nhận được rất nhiều yêu cầu hợp tác của các chủ đầu tư người Việt để quản lý các khách sạn, khu nghỉ dưỡng của họ. Tôi có mặt ở đây để ký kết một số dự án mới thuộc phân khúc sang trọng của Accor là Sofitel. Tập đoàn Accor đã triển khai nhiều thương hiệu xa xỉ tại Việt Nam, bao gồm các dòng Sofitel, Sofitel Legend và MGallery Collection.

Theo ông, đâu là nguyên nhân cho sự phát triển mạnh mẽ đó?

Ở khu vực Đông Nam Á, có thể nói, Việt Nam là đất nước phát triển kinh tế rất nhanh và mạnh mẽ. Bên cạnh đó, đất nước của các bạn cũng sở hữu những tài nguyên du lịch rất phong phú như các thành phố lớn giàu tính lịch sử, văn hoá hay các bãi biển đẹp, các hòn đảo nhiệt đới nguyên sơ và khu vực núi non hùng vĩ. Mỗi địa điểm này đều chứa đựng rất nhiều tiềm năng để phát triển nhiều loại hình khách sạn khác nhau: như khách sạn hiện đại ở thành phố, khu nghỉ dưỡng cao cấp ở các khu vực có cảnh quan thiên nhiên khác… Với các điều kiện tổng hợp về thiên nhiên, kinh tế, chính trị… Việt Nam cũng đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Trong khi các nước khác như Thái Lan hay Singapore… du lịch đã ở giai đoạn bão hoà, thì đây chính là thời điểm cho các nước mới như Việt Nam. Thời gian tới đây, Việt Nam sẽ trở thành điểm nóng về phát triển du lịch – khách sạn của châu Á. Theo nhận định đó, Tập đoàn Accor đang chú trọng phát triển dòng khách sạn sang trọng ở Việt Nam, trong thời gian ngắn tới đây, chúng tôi sẽ nhân đôi số lượng các khách sạn hiện có: khai trương thêm 2 khách sạn Sofitel, 5 khách sạn MGallery, nâng tổng số cơ sở mang thương hiệu Sofitel tại đây lên 4 và MGallery lên 12 cơ sở.

Giám đốc Phát triển Cấp cao Toàn cầu của Sofitel Legend, Sofitel, MGallery & Emblems tiết lộ 2 tiêu chí chọn đối tác tại Việt Nam và 3 bí quyết xây dựng thương hiệu xa xỉ của Accor- Ảnh 2.

Tiêu chí lựa chọn đối tác địa phương của Tập đoàn Accor là gì thưa ông?

Là một trong những tập đoàn quản lý và vận hành khách sạn hàng đầu, chúng tôi khá khắt khe trong việc lựa chọn đối tác địa phương. Tại Việt Nam, đối tác của Accor được lựa chọn dựa trên 2 tiêu chí chính đó là danh tiếng và chất lượng dự án. Những công ty gia đình có truyền thống lâu đời chính là bảo chứng cho sự vững chắc về khả năng tài chính và kinh doanh. Chúng tôi thích hợp tác với họ.

Tiêu chứ thứ 2 là chất lượng và vị trí của dự án. Chúng tôi nhận thấy rằng, so với các nước khác ở Đông Nam Á, chất lượng khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam vượt trội hơn hẳn. Các chủ đầu tư Việt Nam rất quan tâm tới chất lượng dự án, điều đó làm chúng tôi rất vui mừng. Một khách sạn được xây dựng tốt, toạ lạc tại vị trí đắc địa sẽ mang tới trải nghiệm tốt cho khách hàng và góp phần quảng bá được thương hiệu mạnh hơn.

Bên cạnh đó, Accor cũng quan tâm tới việc cân bằng số lượng giữa khách sạn ở thành phố và các khu nghỉ dưỡng ở điểm đến, nhằm tạo ra những lựa chọn và trải nghiệm đa dạng cho khách hàng, không chỉ là khách hàng quốc tế mà còn cả khách nội địa tại Việt Nam. Khi phát triển các dòng Sofitel, chúng tôi đặc biệt chú trọng tới yếu tố văn hoá. Như các bạn đã biết, sự kết hợp giữa tinh hoa văn hoá Pháp và bản sắc truyền thống của địa phương chính là DNA trong các sản phẩm mang thương hiệu Sofitel.

Có chiến lược tăng số lượng khách sạn tại Việt Nam, Tập đoàn Accor nhắm tới địa phương nào cụ thể không, thưa ông?

Tập đoàn Accor mong muốn có một sự hiện diện rộng khắp, cả ở các thành phố lớn, ví dụ như Hải Phòng hay các điểm đến nổi tiếng như Sa Pa hay các vùng biển. Chúng tôi có kế hoạch phát triển dòng Emblems– dòng khách sạn trên cả cao cấp ở các vùng khác nữa tại Việt Nam.

Với các dòng khách sạn xa xỉ, Accor đang nhắm tới các thị trường khách nào và có chiến lược nào để kéo họ tới Việt Nam, thưa ông?

Với dòng Sofitel, chúng tôi xác định 5 thị trường mục tiêu chính là: khách Việt Nam, khách Úc, khách Mỹ, Singapore và Pháp. Để thu hút khách tới Việt Nam là cả một quá trình marketing và truyền thông lâu dài, bao gồm nhiều hoạt động khác nhau. Nhưng chúng tôi tự hào có lượng khách hàng trung thành lớn trên khắp thế giới. Khi Accor khai trương khách sạn mới ở điểm đến mới, những khách hàng trung thành này sẽ là người được biết tới đầu tiên và có thể họ sẽ rất muốn được trải nghiệm.

2. Chất 'DNA' riêng của Accor: Yếu tố địa phương chính là thế mạnh

Giám đốc Phát triển Cấp cao Toàn cầu của Sofitel Legend, Sofitel, MGallery & Emblems tiết lộ 2 tiêu chí chọn đối tác tại Việt Nam và 3 bí quyết xây dựng thương hiệu xa xỉ của Accor- Ảnh 3.

Đã có khá nhiều thương hiệu khách sạn danh tiếng có mặt tại Việt Nam, điển hình như IHG, Marriot… Vậy Tập đoàn Accor có lợi thế gì để cạnh tranh so với các đối thủ đó, thưa ông?

Nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Marriot và IHG, tôi nhận thấy, điểm khác biệt và cũng là thế mạnh của Accor chính là yếu tố địa phương, mang bản sắc văn hoá bản địa vào trong trải nghiệm của khách hàng. Chính điều này đã tạo nên thành công của Accor trên thị trường. Cụ thể như tại Sofitel Legend Metropole Hà Nội, khách hàng tới đây không chỉ được trải nghiệm tiêu chuẩn 5 sao quốc tế của Accor mà còn có thể cảm nhận âm hưởng của thành phố. DNA của thương hiệu chính là bản sắc văn hoá địa phương kết hợp với tiêu chuẩn dịch vụ quốc tế.

Tập đoàn Accor định nghĩa như thế nào về sự xa xỉ? Và sự xa xỉ này được thể hiện ra sao trong các khách sạn của Tập đoàn, thưa ông?

Chúng tôi cho rằng, xa xỉ có nghĩa là đề cao tính cá nhân hoá, thấu hiểu từng nhu cầu, cảm xúc khác nhau của từng khách hàng để đáp ứng, phục vụ đúng. Đó là nghệ thuật để tạo nên trải nghiệm sang trọng. Từ trước khi đón tiếp một vị khách, nhân viên Accor đã nghiên cứu, tìm hiểu rất kỹ các sở thích, tính cách của họ. Ví dụ một cặp đôi sẽ thích hoa hồng đỏ hay hoa hồng trắng trong kỳ nghỉ trăng mật của mình, hay một vị khách đặc biệt có yêu cầu gì đặc biệt gì về bộ Room Amenities (bộ đồ dùng cá nhân trong phòng) hay không… Xa xỉ có nghĩa là không áp dụng một tiêu chuẩn chung nào cho các vị khách mà đáp ứng từng yêu cầu cụ thể mang tính cá nhân hoá cao.

Xa xỉ cũng có nghĩa là sự ổn định của dịch vụ. Nhiều khách sạn chỉ cung cấp dịch vụ tốt trong thời gian đầu, sau đó dần đi xuống. Nhưng Accor luôn đảm bảo phong độ về mặt dịch vụ. Sau một thời gian hoạt động, tất cả các khách sạng của chúng tôi đều được cải tạo lại để mang tới cho khách hàng trải nghiệm tươi mới và ổn định.

Giám đốc Phát triển Cấp cao Toàn cầu của Sofitel Legend, Sofitel, MGallery & Emblems tiết lộ 2 tiêu chí chọn đối tác tại Việt Nam và 3 bí quyết xây dựng thương hiệu xa xỉ của Accor- Ảnh 4.

Xa xỉ còn đến từ yếu tố con người – nhân sự trong khách sạn. Toàn bộ nhân viên của Accor đều được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản và thường xuyên bồi đắp lòng đam mê, tình yêu nghề để họ có thể mang tới cho khách hàng sự phục vụ chuyên nghiệp và tận tâm nhất.

Bên cạnh đó, Accor còn chú trọng tới việc mang đến trải nghiệm khác biệt cho khách hàng tại mỗi điểm đến. Cụ thể như với dòng MGallery, mỗi khách sạn là một phiên bản hoàn toàn mới mẻ, mang đậm dấu ấn địa phương đặc sắc trong từng thiết kế kiến trúc, nội thất hay phong cách ẩm thực… Tóm lại, trong định nghĩa của Accor, sự xa xỉ có nghĩa là chạm tới được cảm xúc của khách hàng, mang lại cho họ cảm giác thoải mái như đang ở trong chính căn nhà của mình.

Ông có nhận định ra sao về xu hướng phát triển của ngành khách sạn tại Việt Nam trong năm tới?

Trong một vài năm tới, Việt Nam vẫn nằm trong số ít các nước có đà phát triển mạnh mẽ về du lịch – khách sạn, đặc biệt là phân phúc khách sạn sang trọng. Với những tiềm năng và lợi thế của mình, đây sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với các thương hiệu và tập đoàn khách sạn lớn. Sự xuất hiện của các tập đoàn này sẽ là yếu tố mang tính đột phá góp phần thúc đẩy lượng khách tới Việt Nam nhờ các chiến dịch truyền thông, quảng bá của họ. Thời gian tới đây, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ đón tiếp thêm nhiều tệp khách quốc tế khác và khai thác tốt hơn khách hàng thuộc giới siêu giàu.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bài và ảnh: Trang Đào - Thiết kế: Hải An

Cùng chuyên mục
XEM