Giải vô địch ném điện thoại thế giới sắp diễn ra, nên chọn loại nặng hay nhẹ?
Giải vô địch ném điện thoại thế giới đã được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 3/2017.
Giải vô địch ném điện thoại thế giới là cơ hội để mọi người có thể phô bày khả năng "phi" điện thoại với khoảng cách xa nhất. Ngoài ra, một trong những hạng mục chấm giải còn đánh giá phong cách hay "xì tai" ném điện thoại của thí sinh.
Theo công bố của ban tổ chức, giải đấu sẽ chính thức mở lại sau hơn 2 năm trì hoãn vào ngày 11/3 năm sau. Địa điểm tổ chức tại Savonlinna, Phần Lan.
Nhiều người tin rằng, những chiếc điện thoại có trọng lượng nặng sẽ dễ dàng bay xa hơn. Tuy nhiên một số khác lại tin rằng, một chiếc điện thoại nhẹ dễ ném xa hơn nhiều.
Thông tin chương trình được đăng tải tại đây . Với mỗi cá nhân đăng ký tham gia chương trình sẽ phải mất một khoản phí 11,17 USD. Một nhóm ném theo phong cách tự do là 30,15 USD.
Được biết, giải đấu độc đáo này được tổ chức lần đầu tiên tại Phần Lan vào năm 2000. Ý tưởng về cuộc thi xuất phát từ một trung tâm tái chế rác thải và một công ty dịch thuật địa phương.
Tiêu chí chấm giải dựa chủ yếu vào khoảng cách và kỹ thuật ném của thí sinh. Có 4 hạng mục bao gồm ném truyền thống, tự do, ném theo nhóm và hạng mục dành riêng cho trẻ em. Đặc biệt, giải đấu không hạn chế lứa tuổi tham dự.
Điện thoại sử dụng trong giải đấu có trọng lượng từ 220 gram - 400 gram. Tất cả đều do nhà tài trợ cung cấp. Trong quá trình ném, thí sinh phải luôn giữ vững vị trí trong khu vực ném. Nếu vượt quá giới hạn, thí sinh đó coi như bị loại.
Lưu ý rằng, những chiếc điện thoại sử dụng trong giải đấu đều có sẵn pin như một chiếc điện thoại thông thường.
Kết quả từ giải đấu gần đây nhất ghi nhận, người đàn ông Bỉ có tên Dries Feremans là người ném điện thoại xa nhất. Khoảng cách kỷ lục của ông hiện là 110,42 mét.
Trong khi đó đối với nữ, người đang nắm giữ kỷ lục ném xa nhất là Tereza Kopicova, một công dân Cộng hòa Séc. Cô ném được điện thoại với khoảng cách lên tới 60,24 mét trong giải đấu diễn ra vào năm 2012.
Tham khảo Mobilephonethrowing, Wikipedia