Giải mã phiến đá phủ bụi nghìn năm: Chìa khóa mở toang bí mật của Ai Cập cổ đại

14/10/2022 22:35 PM | Sống

Ai Cập cổ đại luôn có sức hút mạnh mẽ đối với trí tưởng tượng của mọi thế hệ nhưng lại bị chôn vùi trong tầng tầng lớp lớp quá khứ bởi hằng hà sa số nguyên nhân.

Bí mật bị phủ bụi ngàn năm

Phần lớn những thông tin hiện hữu như một sự đương nhiên về xác ướp, kim tự tháp và lăng mộ thực tế đã bị bao phủ trong im lặng qua nhiều thế kỷ cho đến khi những chiến binh Pháp tình cờ phát hiện ra một phiến đá khắc vào năm 1799.

Hãng tin CNN cho biết, phiến đá khắc ba kiểu chữ viết cổ khác nhau, được tìm thấy khi quân đội của hoàng đế Napoléon đào nền móng của một pháo đài ở Rosetta, nay là El-Rashid, Ai Cập. Tảng đá đã cung cấp chìa khóa để giải mã chữ tượng hình - hệ thống chữ viết của người Ai Cập cổ đại - và mở ra những bí mật của một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới.

Vào thời đó, không ai có thể đọc được những hình ảnh và biểu tượng gọn gàng được khắc trên tảng đá hay viết trên các cuộn giấy cói được phát hiện trong các ngôi đền dọc sông Nile - mặc dù các học giả Ả Rập thời Trung cổ và lữ khách thời Phục hưng đã coi đó là niềm đam mê.

Nhà Ai Cập học Ilona Regulski nói rằng ngay cả những người lính cũng ngay lập tức nhận ra tầm quan trọng của các tấm khắc.

Sau khi Napoléon thất bại trong việc cầm quân, quân đội Anh đã xuất hiện ở khu vực này và họ đã vận chuyển phiến đá, được làm bằng một loại đá tối màu, giống granit đến Anh và nó được đưa đến Bảo tàng Anh vào năm 1802. Bảo tàng Anh sau đó đã gửi bản sao phiến đá tới các nhà Ai Cập học trên khắp châu Âu nhằm tìm sự trợ giúp giải mã bí mật từ cộng đồng chuyên gia.

"Trong vòng hai năm sau khi phát hiện ra phiến đá, mọi quốc gia châu Âu đều sở hữu một bản sao của nó", chuyên gia Regulski tiết lộ, các học giả đều rất ý thức làm việc khẩn trương bởi vì mọi người đều muốn đẩy nhanh quá trình giải mã câu đố.

Một phiến đá phủ bụi nghìn năm được kỳ vọng mở toang bí mật của Ai Cập cổ đại - Ảnh 1.

Văn bản ghi dấu ấn của người Ai Cập cổ đại. Ảnh: CNN

"Tôi nghĩ đối với nhiều học giả vào thời điểm đó, không quan trọng ai sẽ là người đầu tiên, miễn là giải mã được, bởi vì họ hy vọng việc này sẽ cung cấp nhiều thông tin chính xác hơn về Ai Cập cổ đại".

Tảng đá có ba kiểu chữ viết bằng hai ngôn ngữ khác nhau - 14 dòng chữ tượng hình chính thức, 32 dòng bằng ngôn ngữ thông dụng (sử dụng trong đời sống hàng ngày ở Ai Cập cổ đại được giản hóa) và 54 dòng chữ bằng ngôn ngữ Hy Lạp cổ đại và chỉ có một trong ba kiểu chữ được giải mã vào thời điểm đó. Đó là một sắc lệnh hàng loạt được thông qua vào năm 196 TCN bởi một hội đồng các linh mục để đánh dấu kỷ niệm đầu tiên ngày đăng quang của Ptolemy V Epiphanes, 13 tuổi.

Hy vọng còn hé lộ nhiều thông tin thú vị

Một thanh niên người Pháp tên là Jean-François Champollion đã tạo ra bước đột phá lớn. Champollion lần đầu tiên nghiên cứu chữ viết năm 17 tuổi, chọn tập trung vào những chữ tượng hình khoanh tròn được cho là tên của những nhân vật quan trọng của Ai Cập.

"Người thanh niên bắt đầu vào năm 1808 nhưng sau đó nản lòng vì quá khó. Anh ta phàn nàn rằng các bản sao chép không đẹp. Vì vậy anh ấy đã xem một số thứ khác nhưng cũng vẫn nản lòng. Và sau đó anh ta nói, OK, tôi sẽ từ bỏ mọi thứ", Regulski nói.

Chán nản, Champollion tạm dừng nỗ lực của mình và chọn đắm mình trong tiếng Coptic, một ngôn ngữ sống có nguồn gốc từ Ai Cập cổ đại.

Ở Anh, đối thủ chính của Champollion trong cuộc đua giải mã phiến đá cũng tập trung vào phần ngôn ngữ thông dụng, Tiến sĩ Thomas Young đã chứng minh rằng phần này được tạo thành từ từ tượng thanh và từ tượng hình (từ hoặc ý). Tuy nhiên, ông vẫn không tin rằng trong văn tự tượng hình có một thành phần ngữ âm.

Champollion đã công bố bước đột phá quyết định của mình vào tháng 9/1822, chứng minh rằng đó là một ngôn ngữ tượng thanh, chứ không chỉ là một kiểu chữ viết.

"Điều rất quan trọng mà Champollion phát hiện ra và phân biệt anh ta với bất kỳ ai khác trước anh ta là anh ta nhận ra rằng nó không chỉ là chữ cái mà còn là một hệ thống lai hoặc hỗn hợp. Có những ký tự là các từ đơn hoàn chỉnh, nhưng cũng có những ký tự là các chữ cái riêng lẻ và tất cả chúng phát huy tác dụng trong một chỉnh thể", chuyên gia Regulski giải thích.

Tảng đá trên đã được trưng bày tại Bảo tàng Anh từ năm 1802 và hiện nay các nhà Ai Cập học đã tiếp tục kêu gọi dự án giải mã ký tự còn lại của nó.

Theo An An

Cùng chuyên mục
XEM