Giải mã nguyên nhân thôi thúc các "cá voi bí ẩn" gom gần 700 tấn vàng kể từ đầu năm đến nay
Bên “khát” vàng là các thị trường mới nổi đang chịu những tác động tiêu cực từ đà tăng giá mạnh mẽ của đồng USD.
Năm 1968, sàn giao dịch vàng London Bullion Market đóng cửa trong 2 tuần. Nguyên nhân là do sàn giao dịch kim loại quý lớn nhất thế giới đã hết sạch vàng sau 5 tháng các NHTW châu Âu điên cuồng tích trữ vàng sau khi Mỹ phá giá đồng USD. Chính cuộc khủng hoảng này gieo mầm cho sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods (mà trong đó nhiều đồng tiền trên thế giới được neo vào USD, USD lại được neo vào vàng).
Thời gian gần đây, các NHTW trên toàn thế giới lại đang một lần nữa ồ ạt tích trữ vàng. Chỉ trong quý III, 400 tấn vàng đã được chuyển tới kho dự trữ của họ. Tổng cộng từ tháng 1 đến tháng 9, nhóm này đã mua 670 tấn – mức cao chưa từng thấy kể từ sự kiện kể trên. Dù các NHTW không chính thức công bố con số nhưng tất cả các bên đều dự đoán chỉ có các NHTW mới có đủ tiềm lực để mua số lượng lớn đến vậy.
Trong tháng 5, Thổ Nhĩ Kỳ mua gần 20 tấn chỉ trong 1 lần. Sức mua của Ấn Độ và Qatar cũng mạnh không kém. Hiện vàng đang chiếm khoảng 2/3 tổng dự trữ của Uzbekistan, trong khi chỉ vài tháng trước nước này lên kế hoạch giảm một nửa số vàng nắm giữ.
Dù luôn “chìm nghỉm” khi mọi thứ tốt đẹp (vì gần như không sinh lời), vàng sẽ ngay lập tức tỏa sáng trong thời kỳ biến động và lạm phát cao như hiện nay. Còn về dài hạn, vàng vẫn được coi là nơi cất giữ giá trị. Và bởi vì vàng không gắn với bất kỳ nền kinh tế riêng lẻ nào, thứ tài sản này gần như miễn nhiễm với khủng hoảng tài chính và các biến động chính trị.
Trong bối cảnh hiện nay, các NHTW cho rằng họ đang mua được vàng với giá rẻ. Giá vàng đã giảm 3% kể từ đầu năm đến nay, nhiều người kỳ vọng giá sẽ sớm phục hồi.
Tuy nhiên, giống như trong quá khứ, mua những thỏi vàng cũng là 1 cách để tích trữ thêm USD. Lần này, bên “khát” vàng không phải là châu Âu mà là các thị trường mới nổi đang chịu những tác động tiêu cực từ đà tăng giá mạnh mẽ của đồng USD.
Họ cần USD để nhập khẩu và trả các khoản nợ nước ngoài. Nhưng dự trữ ngoại hối của họ phần lớn là trái phiếu kho bạc chứ không phải những đồng bạc xanh thực sự. Ngược với đà tăng của USD, khi mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, giá trị của các tờ trái phiếu lại giảm. Do đó các NHTW mua thêm vàng như 1 cách để bù đắp vào phần hao hụt hơn là họ dự đoán Fed sẽ kiểm soát lạm phát thành công.
Ngoài ra còn có một số động cơ khác. Vàng là 1 cách tốt để né tránh lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga. Kể từ tháng 3, phần lớn dự trữ của Nga đã bị đóng băng trong khi các ngân hàng bị ngắt kết nối khỏi hệ thống thanh toán quốc tế.
Gần như không có NHTW nào giữ đồng rúp làm đồng tiền dự trữ ngoại hối. Còn đối với những nước xưa nay vẫn có mối quan hệ làm ăn với điện Kremlin – từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Turkmenistan, vàng trở thành một phương tiện trao đổi. Chính nhóm các thị trường mới nổi này là những người mua vàng nhiều nhất hiện nay.
Đây không phải là chuyện mà phương Tây có thể can thiệp. Vàng Nga bị cấm giao dịch tại thị trường London, nhưng không ai có thể can thiệp vào vàng dự trữ của Nga (vốn phần lớn được lấy từ các mỏ của chính Nga). Đến nay NHTW Nga cũng đã ngừng tiết lộ chi tiết họ đang nắm giữ bao nhiêu vàng.
Việc vận chuyển những thỏi vàng vật lý rất phức tạp, nhưng phương Tây không thể theo dõi hết những giao dịch như vậy và điều đó hữu ích cho cả 2 bên. Theo Hội đồng vàng thế giới, những người mua ẩn danh chiếm tỷ trọng rất lớn.
Vị thế của USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đang ít nhiều suy suyển trước sự trỗi dậy của vàng. Tuy nhiên, tin mừng là không có đồng tiền nào khác mạnh lên. Tỷ trọng của nhân dân tệ gần như không tăng, còn euro, yên Nhật và bảng Anh thậm chí còn suy giảm. Các NHTW đang lên cơn sốt vàng, nhưng cấu trúc của toàn hệ thống sẽ không hề thay đổi, kể cả trong dài hạn.
Tham khảo The Economist