Giải mã chiến lược giúp Techcombank đạt CASA kỷ lục ngành ngân hàng: Đổ hàng trăm triệu đô cho công nghệ, chính sách cashback hấp dẫn khó chối từ

03/03/2022 08:01 AM | Kinh doanh

Giai đoạn 2016-2020, Techcombank đã đầu tư 300 triệu USD và trong giai đoạn 2021-2025 sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào công nghệ. Chi phí này giúp cải thiện cơ sở hạ tầng, giao diện và trải nghiệm của người dùng, góp phần tăng tỷ lệ CASA theo thời gian.

Công ty chứng khoán Rồng Việt vừa có báo cáo cập nhật hoạt động của Techcombank. Chứng khoán Rồng Việt nhận định, áp lực trên diện rộng lên NIM (Net Interest Margin) có thể sẽ diễn ra ở hầu hết các ngân hàng.

Những áp lực đó bao gồm: Mức lãi suất liên ngân hàng cao hơn có nghĩa là chi phí lớn hơn để đảm bảo các tỷ lệ theo quy định vào cuối tháng; Mảng CASA ngày càng cạnh tranh, đặc biệt là với sự tham gia của các ngân hàng quốc doanh vào chương trình miễn phí các loại phí; Lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ tăng chậm để tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phục hồi; Lãi suất huy động đang chịu áp lực do tăng trưởng huy động không như kỳ vọng.

Tuy nhiên, với Techcombank, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng NIM vẫn có thể sẽ được duy trì ở mức cao nhờ đa dạng hóa cơ cấu nguồn huy động vốn sang nguồn lực từ các định chế tài chính quốc tế với lãi suất tương đối thấp, và tận dụng các khoản tiền gửi ngắn hạn để gia tăng nắm giữ tài sản dài hạn - chuyển dịch kỳ hạn.

Không phải ngẫu nhiên mà CASA Techcombank tốt nhất hệ thống: Nhà băng này đã chi 300 triệu USD và sẽ rót thêm 500 triệu USD chỉ để đầu tư vào công nghệ - Ảnh 1.

Về CASA, cơ cấu kỳ hạn của cơ sở tiền gửi tại Techcombank đã liên tục thay đổi theo hướng tăng tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi có kỳ hạn ngắn suốt 6 năm qua. Kết hợp với việc lãi suất huy động niêm yết giảm, lãi suất huy động bình quân cũng như lợi suất bình quân tiền gửi có kỳ hạn của Techcombank giảm dần và xuống mức thấp nhất ngành trong quý 4/2021, vượt qua cả Vietcombank.

Đồng thời, việc tăng lãi suất tiền gửi niêm yết ở một số kỳ hạn trong tháng 12 năm 2021, và với việc lãi suất bình quân trên tiền gửi có kỳ hạn đột ngột giảm trong quý 4/21 (xuống 3,8%) cho thấy xu hướng liên tục dịch chuyển tiền gửi sang kỳ hạn ngắn hơn.

Để tăng CASA, đầu tư và khuyến mãi là 2 cách quan trọng mà Techcombank đang sử dụng.

Về đầu tư, theo Chứng khoán Rồng Việt, Techcombank đã chi 300 triệu USD trong giai đoạn 2016 - 2020 và sẽ chi thêm 500 triệu USD trong giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư vào công nghệ. Con số này bằng 1/6 tổng chi phí lãi ước tính của Techcombank trong giai đoạn 2016-2025. Những khoản chi phí này cũng đã cải thiện cơ sở hạ tầng, giao diện và trải nghiệm của người dùng, dẫn đến cơ sở khách hàng được mở rộng, tỷ lệ CASA tốt hơn và lượng tiền gửi không kỳ hạn hoạt động trên mỗi khách hàng cá nhân cao hơn theo thời gian.

Về khuyến mãi, Techcombank sử dụng chiến lược "hoàn tiền" - cashback để thúc đẩy người dân tăng cường thanh toán qua Techcombank. Để thực hiện hoạt động này hàng ngày, khách hàng bán lẻ phải nạp tiền và duy trì số dư ở mức bền vững theo nhu cầu. Rồng Việt ước tính rằng chi phí hoàn tiền tương đương với việc trả lãi suất bổ sung 0,3-0,6% (quy năm) cho các khoản CASA, bên cạnh lãi suất niêm yết cho tiền gửi không kỳ hạn là 0,03% mỗi năm.

Như vậy, Techcombank được xem như trả thêm lãi suất 0,34% trên mức 0,03% niêm yết cho CASA vào năm 2020. Con số này cho năm 2021 là 0,43%. Tỷ lệ CASA khách hàng bán lẻ đã tăng từ 27,5% vào năm 2019, lên 38,9% vào năm 2020 và 45,2% vào năm 2021, so với mức 15-16% của toàn ngành năm 2021.

Các chi phí đầu tư và khuyến mãi này rất cần thiết trong việc giúp ngân hàng ổn định và phát triển cơ sở tiền gửi không kỳ hạn, qua đó, đòn bẩy NIM thông qua chuyển dịch kỳ hạn. Miễn là ngân hàng duy trì các chương trình khuyến mãi hấp dẫn và dẫn đầu cuộc đua công nghệ, rủi ro lãi suất sẽ được phòng ngừa ở mức độ tương đối.

Rồng Việt kỳ vọng CASA của Techcombank sẽ đạt được mục tiêu trung hạn (55%) vào năm 2024. Lãi suất huy động tiền gửi bình quân dự kiến ở mức 2,1% vào năm 2022-2023 nhờ đà tăng của CASA và nguồn huy động vốn khác.

Theo báo cáo tài chính, số dư tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi ký quỹ cuối năm 2021 của Techcombank đã tăng lên 158.900 tỷ đồng (tăng 24% so với năm 2020). Tỷ lệ CASA tại thời điểm 31/12/2021 đạt 50,5%, cải thiện đáng kể so với mức 46% năm 2020 và là mức cao kỷ lục trong hệ thống ngân hàng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Techcombank duy trì vị trí quán quân về tỷ lệ CASA.

Hà My

Từ khóa:  Techcombank
Cùng chuyên mục
XEM