Giải cứu nông sản Việt thời 4.0: Vải thiều Lục Ngạn lên MoMo, giá chỉ 19.600 đồng/kg, sau 8 tiếng ‘giải cứu’ được 8 tấn, có khách mua tới 90kg
Sau 8 tiếng mở bán, người Việt đã đặt mua 8,2 tấn vải thiều Lục Ngạn, khi giá bán trên ví điện tử còn rẻ hơn giá ngoài chợ... BTC cho biết những đơn hàng dè dặt từ 5 - 10kg ban đầu đã tăng lên 30 - 50kg, thậm chí có đơn lên đến 90kg vải...
Lần đầu tiên người tiêu dùng khu vực TPHCM được trải nghiệm mua nông sản (Vải thiều Lục Ngạn và Gạo ST Xuân Hồng) ngay trên nền tảng công nghệ thanh toán của MoMo, và nhận hàng tại địa chỉ do mình chọn.
Các chương trình ủng hộ nông sản offline trước đây người dùng phải di chuyển đến các điểm bán hàng vật lý để mua/lấy sản phẩm. Với chương trình "Ủng hộ nông nông sản Việt" lần này, mọi hoạt động mua - bán truyền thống (chọn hàng, đặt hàng, thanh toán) đều được thực hiện trên môi trường online là Ví MoMo và được Saigon Co.op vận chuyển trực tiếp đến người tiêu dùng (từ 2 -3 ngày).
Trong ngày đầu mở bán (ngày 10/6/2020), đặt mua Vải thiều Lục Ngạn trên Ví MoMo sẽ được hưởng mức giá chỉ 19.600 đồng/kg - giảm đến 30% so với mức giá bán khi mua trực tiếp tại hệ thống TTTM/Siêu thị của Saigon Co.op (giá gốc 28.000 đồng/kg).
Ghi nhận cho thấy trong khoảng 3 tiếng đồng hồ đầu tiên, mỗi đơn hàng khách đặt mua trung bình từ 5kg đến 10 kg, nhưng sau đó trọng lượng trung bình của các đơn hàng đồng loạt tăng mạnh lên đến 30 – 50 kg, cá biệt có đơn hàng lên đến 90 kg.
Anh Huy nhà ở quận 5 cho biết, anh đặt 30kg để vừa mang về nhà vừa chia tặng đồng nghiệp ăn ủng hộ cho trái vải. Theo anh Huy thì mua trên MoMo rất tiện và giá mà chương trình áp dụng là rẻ. "Năm nào mình cũng mua trái vải ở siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh gần nhà vì vửa rẻ vừa ngon, nay lên MoMo thấy hàng của siêu thị nên càng yên tâm mua nhiều và còn kêu bạn bè cùng mua", anh Huy cho hay.
Ghi nhận đến khoảng 16h30 chiều nay, tổng lượng trái vải đã được bán ra trên ví MoMo là hơn 8.200 kg, gạo ST Xuân Hồng gần 200 kg.
Chương trình diễn ra từ ngày 10 đến hết ngày 30/6/2020, do ví điện tử MoMo, Báo Tuổi Trẻ & Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) thực hiện với mục tiêu cùng toàn xã hội tiếp tục ủng hộ đầu ra cho nông sản Việt sau dịch Covid-19. Trong giai đoạn đầu, vải thiều Lục Ngạn và Gạo thơm đặc biệt giống lúa ST Xuân Hồng áp dụng giao tại khu vực TPHCM.
Theo BTC, việc lựa chọn 2 sản phẩm nông sản này đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Vải thiều Lục Ngạn và Gạo thơm đặc biệt giống lúa ST Xuân Hồng là 2 loại sản phẩm nổi tiếng của nông sản Việt Nam.
Nếu trái Vải tươi là một trong những đặc sản thời vụ điển hình ở thời điểm hiện tại, thì gạo giống ST nói chung và Gạo ST Xuân Hồng là mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của vùng ĐBSCL. Hai sản phẩm này đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới nhưng hiện tại nguồn ra đang bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch Covid-19. Do đó, trái Vải và Gạo hơn lúc nào hết cần được người dân cả nước ủng hộ, vừa để tôn vinh nông sản Việt, vừa để góp phần giải quyết đầu ra, giúp nông dân yên tâm canh tác.
"Chúng tôi rất mong muốn đẩy mạnh sử dụng công nghệ 4.0 để triển khai các hoạt động vì cộng đồng. Trong chương trình này, Ví điện tử MoMo sẽ là nền tảng hiệu quả giúp tìm đầu ra cho nông sản Việt, cũng như là một kênh crowd funding cho các chương trình thiết thực hỗ trợ người nông dân. Việc hợp tác với Tuổi Trẻ và Saigon Co.op, hai đơn vị lớn đã cùng chia sẻ tầm nhìn với MoMo, giúp công nghệ đi vào cuộc sống, mang lại giá trị thực sự cho người dân Việt Nam. Chúng tôi mong rằng, tất cả khách hàng của MoMo sẽ cùng đồng hành để hỗ trợ người nông dân vững vàng vượt qua những khó khăn sau dịch Covid 19", ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo bày tỏ.
"Ủng hộ nông sản Việt" nằm trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới "Ngày không tiền mặt 2020" - khuyến khích sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử. Đây cũng là năm đầu tiên 3 đơn vị Báo Tuổi Trẻ - Saigon Co.op và Ví MoMo phối hợp tổ chức chương trình này.
Ngày không tiền mặt 2020
Ngày không tiền mặt do Báo Tuổi Trẻ khởi xướng bắt đầu từ năm 2019. Đây là ngày các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích sử dụng, người tiêu dùng sẽ hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ,... Sự kiện góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại Đề án Phát triển thanh toán không tiền mặt và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Hưởng ứng Ngày không tiền mặt 2020 nhiều chương trình sẽ được tổ chức như: Ủng hộ nông sản Việt; Tiểu thương không tiền mặt; Giải chạy bộ Online - Ngày không tiền mặt; Hội thảo Webinar về thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam; Chương trình tuần lễ không tiền mặt (10 - 16/6/2020)... Thông qua các chương trình, Ngày không tiền mặt 2020 tạo cơ hội cho người dân trên cả nước được trải nghiệm những những lợi ích mà các phương tiện thanh toán điện tử mang lại.