Giá vàng thế giới rớt thê thảm, vàng trong nước hôm nay có thể "bốc hơi" trên dưới 1,5 triệu đồng/lượng

13/03/2020 08:36 AM | Xã hội

Giá vàng thế giới giảm mạnh từ 1.640 USD xuống dưới 1.580 USD/ounce trong phiên giao dịch đêm qua.

Giá vàng trên thị trường thế giới sụt mạnh trong phiên giao dịch ngày 12/3, chạm mức thấp nhất trong vòng 5 tuần trở lại đây dù Fed có các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn cho thị trường tài chính (bơm 500 tỷ USD) trong nỗ lực nhằm giúp thanh khoản vốn eo hẹp trong những ngày gần đây.

Tổng thống Mỹ Trump hôm qua tuyên bố đình chỉ các chuyến bay từ châu Âu đến Mỹ trong 30 ngày, trong một phần của nỗ lực đối phó với sự lây lan của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, chính quyền của ông cũng tạo điều kiện về tài chính đối với những người lao động mắc bệnh, phải chăm sóc người khác khi virus corona lây lan hoặc phải cách ly. Dẫu vậy, những bước đi này cũng không thể thuyết phục được nhà đầu tư, khi họ mong đợi những bước đi mạnh mẽ hơn về tài chính nhằm kiểm soát đà tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới.

Đóng cửa phiên, giá vàng giao tháng 4 giảm 43,2 USD xuống 1.598,7 USD/ounce. Giá vàng giao ngay trong khi đó giảm thê thảm hơn, xuống đến 1.575 USD/ounce tức giảm 65 USD so với mở cửa phiên.

Sáng nay 13/3 trên thị trường châu Á, giá vàng hồi phục nhẹ và hiện giao dịch quanh 1.578 - 1.579 USD/ounce. Với mức giá này quy đổi theo tỷ giá của Vietcombank, giá vàng thế giới hiện chỉ tương đương 44,4 triệu đồng/lượng.

Trong ngày hôm qua 12/3 giá vàng trong nước neo cao hơn vàng thế giới 1 triệu đồng/lượng, mua vào ở mức 46,8 - 46,9 triệu đồng/lượng và bán ra từ 47,3 - 47,5 triệu đồng/lượng. Nếu biến động giá với thế giới được bám sát và khoảng cách được duy trì thì giá vàng trong nước hôm nay có thể lùi về 45,5 triệu đồng/lượng, tức sẽ điều chỉnh giảm trên dưới 1,5 triệu đồng/lượng.

 Giá vàng thế giới rớt thê thảm, vàng trong nước hôm nay có thể bốc hơi trên dưới 1,5 triệu đồng/lượng  - Ảnh 1.

Giá vàng giảm sâu trong ngày 12/3

Thị trường chứng khoán Mỹ hôm qua sụt giảm mạnh, chỉ số công nghiệp Dow Jones có ngày giao dịch thảm hại nhất kể từ năm 1987. Các chỉ số khác của thị trường chứng khoán Mỹ cũng đều rơi vào "thị trường gấu" - giảm hơn 20% so với mức đỉnh trong vòng 1 tháng qua.

Đại dịch Covid-19 đang là nguyên nhân của mọi vấn đề hoảng loạn trên thị trường tài chính toàn cầu. Bài phát biểu của Văn phòng Tổng thống Trump với các công dân Mỹ hôm 11/3 dường như gây thêm khó chịu trên thị trường khi ông tuyên bố không có biện pháp kích thích kinh tế lớn nào. Cũng trong ngày 11/3, giải đấu bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA đã phải đình chỉ mùa giải vô thời hạn sau khi một cầu thủ mắc phải coronavirus. Tập đoàn CME đã đóng cửa các sàn giao dịch, tuy nhiên, hầu hết các thị trường tương lai đã giao dịch điện tử trong nhiều năm. Ngôi sao điện ảnh Tom Hanks và vợ của anh tuyên bố trên Twitter rằng họ đã thử nghiệm dương tính với căn bệnh này.

Ở một diễn biến khác, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong phiên họp ngày hôm qua 12/3 đã công bố các biện pháp kích thích tiền tệ để chống lại các tác động kinh tế tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 gây nên. Tuy nhiên, các động thái ấy chưa đủ để "làm ấm" cho thị trường bởi với lãi suất đã ở dưới 0, ECB giờ đây bị hạn chế hơn trong việc lựa chọn các biện pháp kích thích. Tại thời điểm này, một số nhà kinh tế đang dự báo GDP của khu vực đồng Euro sẽ giảm 1,2% trong năm 2020.

Theo H Kim

Cùng chuyên mục
XEM