Giá vàng leo lên mốc 63-64 triệu đồng/lượng, làm sao để không mua “hớ” trong ngày vía Thần Tài?

08/02/2022 11:53 AM | Kinh doanh

Ngày vía Thần Tài (tức ngày 10/1 Âm lịch), nhu cầu mua vàng luôn tăng đột biến khiến giá cả loại hàng hóa đặc biệt này thường có xu hướng tăng mạnh.

Những năm gần đây, nhiều người có xu hướng mua vàng ngày vía Thần Tài để cầu may mắn, mong một năm làm ăn phát tài, phát lộc. Vì vậy, giá vàng sau Tết luôn có xu hướng tăng cao.

Năm nay, chỉ còn 2 ngày nữa mới đến ngày vía Thần tài nhưng giá vàng đã lên cao nhất trong lịch sử, vượt mốc 63 triệu đồng/lượng.

Mở cửa thị trường sáng 8/2, giá vàng 9999 của SJC và Doji đều đang được bán ra ở mốc 63,35-63,47 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tăng chóng mặt, làm sao để không mua “hớ” trong ngày vía Thần Tài? - Ảnh 1.

Nguồn: Vietnamnet.

Trong khi đó, vào ngày vía Thần tài năm trước, giá vàng SJC ở Hà Nội được giao dịch ở 55,65 - 56,37 triệu đồng/lượng (mua - bán). Tại TPHCM, giá là 55,65 - 56,35 triệu đồng/lượng (mua - bán). Giả sử, nếu khách mua một lượng vàng SJC ở Hà Nội vào ngày vía Thần tài năm ngoái và bán trong phiên giao dịch sáng 8/2 thì đã lãi khoảng 7 triệu đồng/lượng.

Kinh nghiệm khi mua vàng ngày vía Thần Tài

Theo thông tin từ các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý, các sản phẩm bán chạy nhất vào ngày vía Thần Tài là vàng miếng và các loại nhẫn tròn trơn từ 0,5 chỉ đến 2 chỉ, trong đó loại nhẫn tròn trơn 1 chỉ bán được số lượng nhiều nhất. Loại nhẫn tròn này thường dễ đeo, lại bảo toàn giá trị và không bị lỗ.

"Nếu khách hàng mua vàng miếng nên yêu cầu xuất hóa đơn, ghi rõ seri miếng vàng...", đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vàng khuyến cáo.

Giá vàng tăng chóng mặt, làm sao để không mua “hớ” trong ngày vía Thần Tài? - Ảnh 2.

Ngoài ra, khách hàng cũng cần lưu giữ cẩn thận các chứng từ mua vàng ngày vía Thần Tài để việc bán lại sau này thuận lợi hơn. Nếu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, vàng sẽ bị mua lại với giá thấp hơn, thậm chí bị từ chối thu mua kể cả khi khách mua ở 1 cửa hàng và bán lại ở chính cửa hàng đó nếu hàng kém chất lượng sau thời gian sử dụng.

Với sản phẩm vàng miếng, cần giữ cẩn thận, không bóc xé bao bì vì khi bán lại cửa hàng sẽ trừ tiền bao bì lỗi.

Bên cạnh nhẫn tròn và vàng miếng, các doanh nghiệp còn bán nhiều mặt hàng trang sức vàng ta. Theo một người trong ngành, thường các cửa hàng sẽ tính thêm tiền công từ 200.000 đồng trở nên, ví dụ dây chuyền trơn 250.000 đồng/dây, lắc tay 300.000 đồng/chiếc... Các sản phẩm tinh xảo hơn chạm khắc hoa văn theo yêu cầu thì tiền công cũng sẽ đắt hơn.

Do đó, nếu không muốn lỗ tiền công trong trường hợp cần bán lại sau này thì khách nên ưu tiên mua nhẫn tròn và vàng miếng.

Nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo xét về khía cạnh kinh tế người dân không nên mua vàng vào ngày vía Thần Tài. Cụ thể, giá vàng trong ngày vía Thần Tài thường được đẩy lên rất cao, ngay sau đó vài ngày sẽ nhanh chóng giảm hàng trăm nghìn đồng/chỉ vàng.

"May mắn đâu chưa thấy nhưng qua ngày hôm sau đã thấy mất tiền", một chuyên gia phân tích.

Trong trường hợp muốn mua vì yếu tố tâm linh, người dân chỉ nên mua số lượng nhỏ để cầu may, tránh thua thiệt về sau. Ngoài ra, ngày vía Thần Tài mọi người sẽ đi mua vàng rất đông nên có thể đặt trước từ ngày mùng 9/1 hoặc mua vàng online để tránh cảnh chen chân.

Nhật Anh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
XEM