Giá thuê hàng nghìn USD/tháng nhưng nhiều cửa hàng trên đường Phan Xích Long phải ngưng hoạt động vì dịch Covid-19
Đường Phan Xích Long được mệnh danh như "phố Wall ở Sài Gòn" khi hội tụ tất cả các dịch vụ ăn uống, giải trí và mua sắm cho người dân. Tuy nhiên hiện tại nhiều cửa hàng tại đây phải đóng cửa vì ế ẩm, kinh doanh không đủ trả tiền thuê mặt bằng.
Những ngày qua, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng đến rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong cuộc sống. Ở TP. HCM, nơi được xem là "đầu tàu" về nền kinh tế của cả nước nhưng cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh.
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay các hộ kinh doanh tại nơi có nền kinh tế phát triển nhất cả nước chỉ làm ăn cầm chừng, thậm chí đã đóng cửa.
Con đường Phan Xích Long không còn nhộn nhịp như trước vì nhiều cửa hàng đã ngưng hoạt động vì bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cửa hàng lớn phải trả lại mặt bằng, giờ chủ nhà đang rao bảng cho thuê nguyên căn.
Qua ghi nhận thực tế, dễ nhận thấy nhất là nhiều cửa hàng trên các con đường nổi tiếng về sự sầm uất nhộn nhịp đã chấp nhận rời bỏ thương trường. Trên đường Phan Xích Long - được mệnh danh là "phố Mỹ" giữa Sài Gòn với sự phát triển vượt bậc, là con đường "trọng điểm" của quận Phú Nhuận về phát triển kinh tế nhưng hiện tại đã rơi vào tình trạng đìu hiu.
Cửa hàng ăn uống, thời trang trên đường Phan Xích Long đã đóng cửa kín mít, bên ngoài dán thông báo trả mặt bằng, hoặc sang quán. Có cửa hàng đã ngưng hoạt động cả tuần nay và chủ nhà đã dán thông báo cho thuê mặt bằng nhưng hiện tại vẫn chưa thuê để tiếp tục kinh doanh.
3 cửa hàng liền kề nhau đều đồng loạt trả lại mặt bằng trong thời gian dịch Covid-19.
Căn nhà này đang được chủ cho thuê lại tầng trệt và lửng nhưng chưa có người thuê lại để kinh doanh.
Do các cửa hàng đã trả mặt bằng, đóng cửa đã lâu nhưng chưa có ai thuê lại dọn dẹp nên phía trước ngổn ngang rác thải. Nhìn vào bên trong qua cửa kính, một quán cafe trước đó vẫn hoạt động xuyên Tết để kiếm thêm doanh thu nhưng giờ phải đóng cửa, trả mặt bằng vì ế ẩm.
Đang đi dạo tìm mặt bằng phù hợp trên đường Phan Xích Long, anh Linh (quận Phú Nhuận) cho biết hiện tại mình cũng đang thuê mặt bằng trên đường này buôn bán nhưng thở dài vì ế khách. "Buôn bán ế lắm, từ sau Tết đến giờ lỗ phải bỏ tiền túi ra bù lỗ thêm để cầm cự tạm đến hết mùa dịch. Kinh doanh lời không đủ trả tiền thuê mặt bằng mà, cửa hàng tôi thuê mấy nghìn USD/tháng nhưng ế khách lắm", anh Linh than thở.
Trước đây căn nhà này là quán ăn Nhật Bản, giờ đây đã đóng cửa trả mặt bằng cho chủ nhà.
Theo anh Linh, hầu hết các cửa hàng lớn trên đường này đều thuê lại mặt bằng với giá từ 2.000 - 4.000 USD/tháng, cửa hàng nào quy mô, vị trí đẹp thì tầm 5.000 USD/tháng. "Thấy con đường này đẹp và nhộn nhịp vậy thôi chứ kinh doanh khó khăn lắm, tháng nào cũng gồng lên trả tiền mặt bằng vì giá cao quá", anh Linh chia sẻ thêm.
Còn đây là quán ăn chuyên về nướng Hàn Quốc. Tuy nhiên hiện tại đã ngưng hoạt động vì dịch bệnh. Nơi đây thường có du khách Hàn đến ăn.
Phía trước cửa hàng món nướng Hàn Quốc giờ chỉ còn lại các loại rác thải bị vứt bừa bãi.
Nếu các cửa hàng đã đóng cửa vì không thể trụ nổi giữa mùa dịch bệnh, thì những cửa hàng khác vừa mới hoạt động trước Tết đến nay trên đường Phan Xích Long cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, khách chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhân viên "ngồi chơi xơi nước".
Theo một số chủ cửa hàng trên đường này, có lẽ họ sẽ cố cầm cự đến hết tháng 3 này rồi mới tính đến phương án kinh doanh kế tiếp. "Giờ bán được đồng nào hay đồng đó, mặt bằng thì hàng chục triệu đồng mỗi tháng nên chấp nhận bỏ tiền túi ra bù lỗ đến hết tháng này rồi tính tiếp", chủ một quán cafe trên đường Phan Xích Long chia sẻ.
Một người dân đến nhìn vào bên trong cửa hàng vừa đóng cửa. Người này cũng có cửa hàng trên đường Phan Xích Long và cho biết cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng từ hôm Tết đến giờ.
Tấm bảng thông báo viết tạm bằng giấy trắng "Quán tạm ngưng hoạt động. Xin cảm ơn" của một cửa hàng trên đường Phan Xích Long.
Một quán cafe còn hoạt động những ngày Tết thì nay đã ngưng hoạt động.
Bên trong vẫn còn áp phích quảng cáo cafe và các loại nước nhưng không có ai.
Phía trước quán cafe này dùng để nuôi gà tạm thời trong thời gian chưa hoạt động.