Giá thực phẩm, xăng dầu ở Triều Tiên ổn định thời Kim Jong Un

08/08/2016 14:02 PM | Kinh tế vĩ mô

Sự ổn định này được xem là kết quả của việc ông Kim Jong Un giảm sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế và gia tăng vai trò của thị trường...

Giá lương thực-thực phẩm và xăng dầu ở Triều Tiên đã giữ tương đối ổn định kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên cầm quyền, bất chấp lệnh trừng phạt tăng cường đối với nước này - hãng tin Reuters dẫn những số liệu hiếm hoi mới đây về Triều Tiên cho biết.

Theo Reuters, sự ổn định giá cả hàng hóa và tỷ giá đồng Won của Triều Tiên dưới thời Kim Jong Un được xem là trái ngược với sự biến động mạnh mẽ trong những năm nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong Il cầm quyền. Các chuyên gia cho rằng, sự ổn định này được xem là kết quả của việc ông Kim Jong Un giảm sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế và gia tăng vai trò của thị trường.

Từng là một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung kiểu Liên Xô cũ, Triều Tiên giờ đây đang phát triển mạnh một hệ thống thị trường nửa tự do, nửa có quản lý được gọi là “jangmadang”, với các cá nhân và tổ chức có thể mua và bán các loại hàng hóa do tư nhân sản xuất hoặc hàng nhập khẩu.

“Kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền, không còn có sự kiểm soát hay trấn áp đối với jangmadang nữa”, ông Kang Mi-jin, một người Triều Tiên trốn khỏi đất nước và hiện đang làm cho tờ báo Daily NK có trụ sở ở Seoul, Hàn Quốc, nói.

“Việc ông Kim Jong Un cho phép phát triển thị trường tự do đã có ảnh hưởng tích cực đến đời sống người dân. Ông ấy không còn lựa chọn nào khác. Ông ấy không thể nuôi sống người dân, và không thể đóng cửa hoàn toàn thị trường”, ông Kang phát biểu.

Số liệu do Reuters thu thập được từ nhiều nguồn cho thấy giá gạo, ngô, thịt lợn, và xăng dầu ở Triều Tiên đã khá ổn định trong năm qua.

Điều này cho thấy lệnh trừng phạt tăng cường của Liên hiệp quốc đối với Triều Tiên về chương trình hạt nhân của nước này có thể không ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Bên cạnh đó, sự ổn định này cũng có thể giúp ông Kim Jong Un củng cố quyền lực.

Theo một báo cáo của Chương trình Lương thực Thế giới, từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, mỗi người dân Triều Tiên chỉ được Nhà nước phân phối 360 gam lương thực mỗi ngày, mức thấp nhất trong 5 năm. Tuy nhiên, thị trường đã thực hiện tốt vai trò bù đắp cho phần thiếu hụt.

Năm 2015, giá mỗi kg gạo, lương thực chủ đạo ở Triều Tiên, vào khoảng 5.240 Won, tương đương 0,63 USD, trên thị trường tự do. Giá ngô trung bình khoảng 2.022 Won (0,24 USD)/kg.

Thịt lợn là mặt hàng thực phẩm có giá cả biến động mạnh nhất ở Triều Tiên trong năm 2015, nhất là vào những tháng nắng nóng mùa hè. “Họ không thể đóng đông thịt lợn vì thiếu cơ sở đông lạnh”, ông Kang lý giải.

Mặt hàng có cú tăng giá mạnh nhất trong năm 2015 ở Triều Tiên là xăng dầu. Đợt tăng giá xăng dầu này diễn ra vào đầu tháng 3, ngay trước khi Liên hiệp quốc siết trừng phạt nước này. Khi đó, giá xăng ở Triều Tiên tăng hơn 45% chỉ trong vòng có vài ngày, còn giá dầu tăng hơn 17%.

Tuy nhiên, giá xăng dầu ở nước này đã giảm về mức bình thường sau khi những lo ngại về lệnh trừng phạt lắng xuống.

Tỷ giá chính thức đồng Won của Triều Tiên là khoảng 100 Won đổi 1 USD. Tuy nhiên, trên thị trường tự do, phải 8.300 Won mới đổi được 1 USD.

Mức tỷ giá thị trường tự do này đã ổn định trong mấy năm qua, trái với sự biến động mạnh sau một cuộc cải cách tiền tệ thất bại dưới thời Kim Jong Il.

Ông Stephan Haggard, một chuyên gia về kinh tế Triều Tiên tại Đại học California, Mỹ nhận định: “Sự ổn định tỷ giá đồng Won của Triều Tiên trong 2 năm qua là một điều hơi bí ẩn. Có vẻ Triều Tiên đã học được bài học về chính sách tiền tệ sau vụ đổi tiền thất bại”.

Dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un, Triều Tiên đã bắt đầu sản xuất nhiều hơn các mặt hàng tiêu dùng từ kem đánh răng tới nước hoa. Điều này có thể cũng giúp ổn định giá cả hàng hóa ở Triều Tiên.

Một số cửa hiệu ở Bình Nhưỡng giờ đây hầu như chỉ bán hàng hóa sản xuất trong nước, với giá niêm yết theo tỷ giá thị trường của đồng Won.

“Hàng Triều Tiên ‘nhái’ các sản phẩm của Trung Quốc ngày càng nhiều và rẻ hơn hàng Trung Quốc”, ông Seo Jae-pyoung, một người Triều Tiên rời bỏ đất nước vào năm 2001 nhưng có liên hệ thường xuyên với các nguồn tin trong nước, cho biết.

“Bất chấp lệnh trừng phạt, người dân Triều Tiên vẫn đang sống ổn. Nhưng từ năm tới, ảnh hưởng của lệnh trừng phạt có thể bắt đầu xuất hiện”, ông Seo nói.

Theo An Huy

Cùng chuyên mục
XEM