Gia tăng bệnh nhân COVID-19 nhập viện, chuyên gia khuyến cáo nên tiêm vaccine mũi bổ sung để phòng ngừa
Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, khoảng 2 tuần gần đây số bệnh nhân COVID-19 nhập viện có xu hướng gia tăng, phần lớn ở những nhóm đối tượng nguy cơ như người cao tuổi, có bệnh nền mạn tính, béo phì…
Bệnh nhân COVID-19 cần can thiệp y tế gia tăng
TS. BS Trần Văn Giang - Phó Trưởng khoa Virus Ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương) cho biết, từ khi dịch COVID-19 được kiểm soát, khoảng thời gian từ tháng 4, 5 mỗi ngày khoa chỉ tiếp nhận 1,2 ca bệnh COVID-19 từ nhóm đối tượng có nguy cơ (như người cao tuổi, có bệnh nền chạy thận, suy gan, ung thư…).
Tuy nhiên, khoảng 2 tuần trở lại đây cũng ở những nhóm đối tượng này số lượng nhập viện gia tăng rõ rệt, mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 7-10 bệnh nhân.
"So với cùng kỳ tháng trước số bệnh nhân nặng nhập viện gia tăng gấp đôi, khoa phải ưu tiên thêm giường điều trị, hiện tại khoa đang điều trị cho 60 bệnh nhân nhiễm COVID-19 có bệnh nền (với số giường điều trị bệnh nhân COVID-19 được phân bổ khoảng 70 giường thì số bệnh nhân này đã gần lấp kín), cũng thời điểm này khoảng 1 tháng trước đây chỉ 20-30 ca bệnh. Đáng nói là bệnh nhân đều có chỉ định nhập viện rõ ràng và có nguy cơ trở nặng rất lớn" BS Giang cho biết thêm.
Một bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương.
Tại Khoa Hồi Sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương) có 20 giường hồi sức dành cho bệnh nhân COVID-19 , tuy nhiên số bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch đang điều trị tại đây là 17 trường hợp.
ThS. BS Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi Sức tích cực cho biết: Khoảng một tháng trước, mỗi ngày khoa chỉ tiếp nhận 1,2 bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch, tuy nhiên khoảng một tuần gần đây mỗi ngày khoa tiếp nhận 4-5 bệnh nhân, riêng hôm qua (30/6) có đến 7 bệnh nhân nặng nhập khoa điều trị.
Tất cả những bệnh nhân đang điều trị tại Khoa đều có bệnh nền như béo phì, ghép thận, ghép gan, suy tủy, HIV…
Tiêm mũi 4 vaccine COVID-19 là cần thiết cho nhóm đối tượng có nguy cơ
Theo TS. BS Trần Văn Giang trong số các bệnh nhân nhập viện điều trị, chưa có trường hợp nào tiêm mũi 4 vaccine COVID-19 , đa phần đã tiêm đủ 2 mũi cơ bản và mũi 3 (trừ trường hợp trẻ sơ sinh chưa có vaccine và người tuổi cao bị hạn chế vận động).
Do vậy TS Giang khuyến cáo người dân nên thực hiện tiêm chủng đầy đủ các mũi bổ sung vaccine phòng COVID-19 theo khuyến cáo để bảo vệ bản thân và gia đình, đặc biệt là nhóm có bệnh nền, cao tuổi.
Những người có bệnh nền khi nhiễm COVID-19 dễ khiến bệnh trở nặng khó kiểm soát, thời gian điều trị lâu hơn do cơ thể suy giảm giảm miễn dịch, đáp ứng kém với thuốc điều trị, thời gian thanh thải virus cũng lâu hơn, do vậy việc tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 ở nhóm đối tượng này là vô cùng cần thiết.
Các hộ lý đang chăm sóc cho một bệnh nhân COVID-19 nguy kịch.
ThS. BS Phạm Văn Phúc cho rằng do 2 nguyên nhân chính khiến số lượng bệnh nhân COVID-19 nhập viện gia tăng. Một là đa phần những bệnh nhân này thời gian tiêm vaccine COVID-19 đã hơn 6 tháng, miễn dịch do vaccine đã giảm do vậy nguy cơ mắc cao hơn.
Nguyên nhân thứ hai là do biến chủng mới, mỗi biến chủng có khả năng phòng ngừa với vaccine là khác nhau, do vậy khi mắc biến chủng mới, khả năng phòng ngừa của vaccine với biến chủng này thấp, khiến người bệnh dễ mắc COVID-19 hơn.
Do vậy những đối tượng người trên 50 tuổi, có bệnh nền (suy gan, thận, ung thư, HIV…), béo phì… nên tiêm mũi 4 vaccine COVID-19 để bảo vệ bản thân trước diễn biến khó lường của dịch bệnh với các biến thể biến đổi không ngừng.
Khi chúng ta đã chấp nhận sống chung với dịch thì nguy cơ lây nhiễm không thể tránh khỏi. Vấn đề cần quan tâm là nhiễm bệnh nhưng có nặng hay không, hệ thống y tế phải làm sao đảm bảo điều trị tốt nhất cho những trường hợp nặng, có chỉ định nhập viện.
Hiện nay, ngoài việc tiêm vaccine không có phương pháp nào phòng ngừa dịch COVID-19. Vaccine sẽ bảo vệ cho những người thuộc nhóm nguy cơ khiến bệnh không trở nặng. Do vậy tiêm mũi 4 vaccine COVID-19 là cần thiết đối với mọi người.
Ngày 23 tháng 6 năm 2022, Bộ Y tế ban hành văn bản Số 3309/BYT-DP về việc hướng dẫn tiêm vaccine phòng COVID-19, theo đó các đối tượng cần tiêm liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) vaccine COVID-19 gồm: người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.
- Loại vaccine: vaccine mRNA (vaccine Pfizer hoặc Moderna); vaccine AstraZeneca; vaccine cùng loại với mũi 3 (mũi nhắc lần 1);
- Khoảng cách: ít nhất là 4 tháng sau mũi 3 (mũi nhắc lần 1).
- Người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi 3: tiêm sau khi mắc COVID-19 3 tháng và đảm bảo khoảng cách ít nhất 4 tháng sau mũi 3.