Giá sơ cấp nhà phố, biệt thự Tp.HCM chạm mốc trên 700 triệu đồng/m2, người mua đem “giấc mơ an cư” về vùng lân cận
Theo CBRE Việt Nam, nhà thấp tầng xây sẵn tại Tp.HCM tiếp tục hạn chế nguồn cung mới trong tương lai. Dự kiến giá sẽ tăng 20% theo năm trên thị trường sơ cấp và tăng 4% theo năm trên thị trường thứ cấp trong năm 2024.
Đại diện đơn vị này nhấn mạnh, trong quý 2/2024, giá bán sơ cấp trung bình của thị trường nhà phố, biệt thự Tp.HCM đạt trên 310 triệu đồng/m2 đất (chưa bao gồm thuế), tăng 19% theo quý và 21% theo năm.
Trong khi nguồn cung mới khan hiếm đáng báo động. Nửa đầu năm 2024, Tp.HCM chỉ có 47 căn nhà thấp tầng được chào bán ra thị trường. Dẫu con số này là khá thấp song vẫn vượt tổng nguồn cung mới của cả năm 2023. Điều này cho thấy, nguồn cung nhà thấp tầng tại Tp.HCM rơi vào trạng thái khan hiếm suốt nhiều năm qua, chưa có dấu hiệu cải thiện.
Khan cung đã tác động đến mặt bằng giá rao bán nhà phố, biệt thự. Hiện mức tăng đã gấp 2,5-3,5 lần so với mức bình quân thị trường. Dự báo của CBRE, phân khúc này tại Tp.HCM sẽ tăng 20% theo năm trên thị trường sơ cấp và tăng 4% theo năm trên thị trường thứ cấp trong năm 2024.
Báo cáo thị trường nhà phố, biệt thự tháng 8/2024 của DKRA Group cũng chỉ ra, giá sơ cấp phân khúc này tại Tp.HCM đã chạm mốc 700 triệu đồng/m2 (giá cao nhất); trong khi mức giá cao nhất tại Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu dao động từ 8,5 đến 200 triệu đồng/m2. Vì thế, nhu cầu đã có sự dịch chuyển mạnh về vùng phụ cận.
Theo đơn vị này, vừa qua nguồn cung nhà phố, biệt thự chủ yếu xuất hiện tại khu vực lân cận Tp.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Các giao dịch phân bổ ở nhóm sản phẩm có mức giá dưới 10 tỉ đồng/căn, được triển khai bởi chủ đầu tư có uy tín trên thị trường, đảm bảo pháp lý và tiến độ xây dựng.
So với thời điểm đầu năm, mặt bằng giá nhà phố, biệt thự vùng phụ cận Tp.HCM đi ngang; các chính sách kích cầu thị trường, hỗ trợ dòng tiền... được các chủ đầu tư tiếp tục áp dụng rộng rãi nhằm tăng thanh khoản.
Giá cao, biên lợi nhuận giảm, người mua (bao gồm cả mua ở thực và nhà đầu tư) tìm cơ hội tại thị trường tỉnh lân cận. Trong đó, người mua ở thực ưu tiên tìm kiếm các sản phẩm thứ cấp quanh ngưỡng giá từ 8-10 tỉ đồng/căn, có thể vào ở ngay. Trong khi nhà đầu tư lại quan tâm sản phẩm sơ cấp ở các thị trường mới để vào nhịp đầu, kì vọng biên lợi nhuận cao.
Chia sẻ về sự dịch chuyển sức cầu trong bối cảnh nguồn cung nhà ở Tp.HCM ngày càng khó kiếm sản phẩm giá phù hợp, TS Sử Ngoc Khương – Giám đốc cấp cao Savills cho hay, nhu cầu về nhà ở tại các đô thị lớn như Tp.HCM và Hà Nội luôn rất cao, trong khi quỹ đất lại hạn chế. Điều này càng trở nên cấp bách khi lượng người nhập cư vào các đô thị lớn để sinh sống và làm việc ngày càng tăng.
Chính vì vậy, các tỉnh thành lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và người mua nhà. Việc di chuyển thuận tiện giữa các tỉnh thành đã giúp giải quyết phần nào nhu cầu nhà ở của người dân, đồng thời tạo ra động lực phát triển cho thị trường bất động sản khu vực.
Tuy nhiên, theo TS Khương, các nhà đầu tư tham gia thị trường thời điểm này cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố như pháp lý, hạ tầng, uy tín chủ đầu tư và tiềm năng phát triển của dự án trước khi đưa ra quyết định. Bên canh đó, việc sử dụng đòn bẩy tài chính một cách thận trọng là điều cần thiết để tránh rủi ro cho nhà đầu tư. Với doanh nghiệp, việc ban hành các Luật mới về bất động sản và tín dụng sẽ tạo ra những cơ hội mới cho thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng để tận dụng những cơ hội này.