Giá cổ phiếu VPBank giảm mạnh hơn 50% trong 7 tháng, Chủ tịch Ngô Chí Dũng và người thân muốn chi 400 tỷ đồng 'bắt đáy'
Giá cổ phiếu VPBank hiện đã xuống thấp nhất kể từ đầu năm và giảm hơn 50% so với mức đỉnh hồi tháng 4, trong bối cảnh lợi nhuận ngân hàng giảm mạnh và nợ xấu tăng cao.
Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị vừa đăng ký mua 8 triệu cổ phiếu của ngân hàng.
Đồng thời, bà Vũ Thị Quyên, mẹ ông Dũng cũng đăng ký mua vào 13 triệu cổ phiếu. Như vậy, tổng số cổ phiếu mà ông Dũng và mẹ đăng ký mua là 21 triệu cổ phiếu.
Nếu giao dịch thành công, ông Ngô Chí Dũng sẽ nâng số cổ phiếu của mình lên 121,7 triệu đơn vị, tương ứng 4,81% vốn VPBank. Về phía bà Vũ Thị Quyên, lượng cổ phiếu sau giao dịch dự kiến tăng lên 120,7 triệu đơn vị, tỷ lệ 4,77%.
Chủ tịch VPBank và mẹ đăng ký mua cổ phiếu trong bối cảnh VPB đang liên tục giảm mạnh. Sau khi lập đỉnh hồi giữa tháng 4, VPB đã giảm trên 50%, xuống dưới 20.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, ông Ngô Chí Dũng và bà Vũ Thị Quyên cần chi khoảng 400 tỷ đồng để thực hiện giao dịch.
Biểu đồ giá cổ phiếu VPBank từ đầu năm đến nay. Ảnh: VnDirect
Theo số liệu trên báo cáo tài chính quý 3/2018, nợ xấu của VPBank tiếp tục tăng cao khiến lợi nhuận ngân hàng giảm 26% so với cùng kỳ năm trước, xuống dưới 1.400 tỷ đồng.
Hồi cuối năm 2017, nợ xấu VPBank là 6.200 tỷ đồng, chiếm 3,4% tổng cho vay khách hàng. Sau 6 tháng đầu năm, tỷ lệ này tăng lên trên 4% và đến cuối tháng 9 vừa qua tiếp tục lên 4,7%. Các công ty chứng khoán đều nhận định rằng, VPBank đang chiếm lĩnh thị trường tài chính tiêu dùng nhờ FE Credit, nhưng chính thị trường này lại đem đến rủi ro nợ xấu cho VPBank.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi đầu tháng 9, ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE Credit đã thẳng thắn chia sẻ, khâu thu hồi nợ của FE Credit đang gặp vấn đề. Nguyên nhân là do tỷ lệ nhân viên nghỉ việc nhiều hơn do bị đối thủ thu hút nhân sự. Một nguyên nhân quan trọng khác là khách hàng thay đổi số điện thoại sau khi vay vốn, khiến FE Credit gặp khó khăn khi nhắn tin, gọi điện báo nợ. Bên cạnh đó, công suất thu hồi nợ của nhân viên FE Credit cũng giảm sút.
Nợ xấu lớn đã khiến VPBank trích lập dự phòng 8.200 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 46% so với cùng kỳ, khiến lợi nhuận bị bào mòn.