Giá niken tăng kỷ lục 111% chỉ sau 2 phiên, vượt mốc 100.000 USD/tấn
Đà tăng của niken được cho là ngày càng trở nên điên rồ và không còn phản ánh bất kỳ nguyên tắc cơ bản nào.
Căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine đang khiến thị trường hàng hóa thế giới trải qua tuần biến động mạnh nhất trong lịch sử. Trong đó, giá niken vừa tăng phi mã, vượt qua mốc 100.000 USD/tấn trên Sàn giao dịch kim loại London (LME).
Giá vật liệu vốn được sử dụng để sản xuất thép không gỉ và pin xe điện này đã có thời điểm tăng tới 111% chỉ sau 2 phiên, hiện giao dịch quanh ngưỡng 101.365 USD/tấn. Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, kim loại này cũng đã tăng kỷ lục 66% so với phiên trước đó. Tại sàn Thượng Hải (Trung Quốc), đã có lúc niken tăng tới 74% và được giao dịch ở mức 83.500 USD/tấn.
Trong bối cảnh thị trường hàng hoá trên sàn LME bị siết chặt nguồn cung, còn giới bán khống lại buộc phải mua vào tại thời điểm thanh khoản thấp, giá niken đã tăng chóng mặt thêm 72.000 USD/tấn chỉ sau vỏn vẹn 1 tuần.
“Đà tăng của kim loại này ngày càng trở nên điên rồ. Nó không còn phản ánh bất kỳ nguyên tắc cơ bản nào của ngành nữa", Jiang Hang, người đứng đầu bộ phận giao dịch tại Yonggang Resources cho biết.
Mới đây, LME đã cho phép các nhà giao dịch trì hoãn nghĩa vụ giao hàng đối với tất cả các loại hợp đồng chính, trong đó có niken. Đây được coi là thay đổi khá bất thường đối với một sàn giao dịch kim loại 145 tuổi. Bên cạnh đó, LME cũng kéo dài thời gian thanh toán hàng trăm triệu USD tiền ký quỹ đối với Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, dù hợp đồng này đã đến ngày đáo hạn.
“Chúng tôi thấy thị trường đang trong xu hướng phản ứng thái quá, đôi khi là tăng phi mã quá nhanh. Tuy nhiên, trong giai đoạn bất ổn này, rất khó để nhận định về việc một số loại hàng hóa được định giá quá cao”, Gavin Wendt, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn Mine Life Pty, Sydney cho biết.
Hiện Nga là một trong những nhà sản xuất nhôm và niken lớn, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng pin xe điện. Vậy nên, tình hình căng thẳng địa chính trị Nga-Ukraine cùng hàng loạt các lệnh trừng phạt mới đây khiến việc vận chuyển các mặt hàng kim loại ngày càng trở nên khó khăn. Giá cả leo thang theo đó được cho là sẽ gây áp lực lên nhiều nhà máy luyện kim cũng như nguồn cung trên toàn cầu.
Trong phiên giao dịch ngày hôm qua 7/3, giá dầu Brent đã có thời điểm bật tăng lên 139,13 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI là 130,5 USD/thùng.
Trong khi đó, tại thị trường dầu, trong phiên giao dịch ngày hôm qua 7/3, giá dầu Brent đã có thời điểm bật tăng lên 139,13 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI là 130,5 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008.
"Thỏa thuận hạt nhân Iran có thể giúp hạ nhiệt giá dầu lúc này, song nếu chúng bị trì hoãn quá lâu, giá dầu có thể sẽ diễn biến khó lường trong bối cảnh dầu thô Nga vắng mặt trên thị trường", Reuters trích lời nhà đồng sáng lập Amrita của hãng năng lượng Energy Aspects cho biết.
Thậm chí, các chuyên gia của JP Morgan Chase còn dự đoán giá dầu có thể bật tăng lên 185 USD/thùng trong năm nay. "Vấn đề không nằm ở bản thân các lệnh trừng phạt vì nhu cầu dầu khí vẫn còn đó", Phó chủ tịch Danial Yergin của S&P Global nhận định.
Theo: Bloomberg